Những ghi chép của một bác sĩ hồi sức cấp cứu trong quãng thời gian hai năm dịch bệnh làm thay đổi cả thế giới, đã được in thành sách Nhật ký COVID.
Ngô Đức Hùng – tác giả của hai cuốn sách Để yên cho bác sĩ “hiền” và 3 phút sơ cứu, biệt danh ‘Húng Ngò’ – vừa ra sách Nhật ký Covid vào đúng thời điểm làn sóng COVID-19 thứ tư ở Việt Nam đang bùng lên.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng hiện vẫn ngày đêm trực chiến trên tuyến đầu phòng chống dịch của đất nước tại Bệnh viện dã chiến Bạch Mai 2, cơ sở Hà Nam, nơi tiếp nhận các F1 có bệnh lý nền phức tạp.
Câu chuyện về nguồn gốc và những tác động của virus corona đến cơ thể con người, sự biến động từ khi COVID-19 xuất hiện đến nay đã được tác giả tóm lược, phân tích, giải thích trên góc độ chuyên môn, khoa học và lịch sử dịch bệnh một cách dễ hiểu, gần gũi, đem đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan xuyên suốt về dịch bệnh nói chung và COVID-19 nói riêng.
Từ đó giúp người đọc Nhật ký COVID hiểu được phần nào cơ chế tấn công của virus, vi khuẩn với con người.
Tác giả cũng chỉ ra hiểm họa của tin tức giả hay sự ác nghiệt của đám đông, dù là cộng đồng thực ngoài xã hội hay trên mạng ảo, đã gây ra những hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng ra sao đối với các nạn nhân COVID-19 và người thân của họ cùng đội ngũ nhân viên y tế vốn đang phải căng mình ra vừa tự bảo vệ mình vừa giúp các bệnh nhân chống lại bệnh tật.
Đôi khi, một chuyện tưởng chừng như vô lý là được ngửi thấy mùi hôi của phân lợn, phân gà lại là ước mơ của người bác sĩ chống COVID-19 trong bộ đồ bảo hộ.
Những câu chuyện trong buồng bệnh hay cơ sở cách ly cười ra nước mắt được tác giả kể lại bằng lối viết khá ngoa ngoắt nhưng dí dỏm, giống như một lời cảnh tỉnh về thái độ và cách hành xử cực đoan của chúng ta trong đời sống.
Xen lẫn là những ám ảnh của người bác sĩ khi phải chứng kiến hay trải qua những giờ phút sinh tử cùng người bệnh.
Một cô gái chết trong viện vì băng huyết sau sinh vào đúng thời điểm bệnh viện bị cách ly, không người thân đã thôi thúc người bác sĩ tìm được câu trả lời cho câu hỏi: Điều trị để làm gì? Không ít lần nước mắt người đọc rơi xuống trang nhật ký…
Bên cạnh những ghi chép buồn nhiều hơn vui của những tháng năm COVID là những quan sát tinh tế của tác giả về cuộc sống giản dị xung quanh mình, từ đôi cánh cam trên bancông nhà đến đường tàu băng qua cổng Bệnh viện Bạch Mai ngày cách ly, tín hiệu giao mùa từ nồm ẩm ngày xuân đến xào xạc lá khô trên lối thu… Tất cả chuyên chở tình yêu thương với cuộc sống và niềm hi vọng vào những điều tử tế.
Giải thích vì sao có sự xuất hiện của con chim hạc trên bìa sách do họa sĩ Nguyễn Thành Phong (tác giả truyện tranh Sát thủ đầu mưng mủ) vẽ, tác giả – một tay chơi origami cự phách của Việt Nam – cho biết: Chim hạc là biểu tượng của niềm tin và hi vọng, tôi mong muốn cuốn sách như một sự cổ vũ tinh thần và là một điều ước an lành cho nhân loại sớm vượt qua đại dịch COVID-19.
Tuổi trẻ