Khi ta phải sống cạnh một ông hàng xóm xấu chơi chẳng hạn, ta có thể chuyển nhà đi nơi khác. Nhưng nếu hàng xóm của ta là một đất nước xấu chơi, ta chỉ có thể phải chấp nhận định mệnh và cái số phận địa lý của mình. Người ta không thể giãy giụa thay đổi gì được. Đấy là sự liên tưởng tất nhiên khi đọc quyển sách này.
Tác giả Tim Marshall là nhà báo, cho nên cuốn sách cũng luận về vị trí địa lý của một số quốc gia và châu lục theo cách báo chí. Sáng rõ, cập thời, nhưng những kiến giải mới dừng ở mức độ nhập môn, cho một lớp người đọc bình dân, chứ không phải là một chuyên đề nghiên cứu có bề dày đáng kể. Tuy vậy, sự khái quát và những nhận xét thông minh sắc sảo cũng đủ dẫn người đọc đi từ định mệnh địa lý đến những ảnh hưởng mang tính chính trị ở một số quốc gia. Nước Nga có diện tích quá rộng lớn trong khi dân số tương đối ít. Ngoài những xung đột nhỏ thì dãy Himalaya khiến khó xảy ra chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhật Bản là đất nước không có tài nguyên nhưng vươn dậy chỉ ba thập kỷ sau chiến tranh. Sách cũng đề cập khu vực Tây Âu và Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latin. Vị trí địa lý quyết định màu sắc chính trị của mỗi đất nước, mỗi khu vực, mỗi lục địa. Thậm chí cuốn sách còn dành riêng một chương cho vùng địa lý ít được nhắc đến là Bắc Cực. Ở nơi tưởng như không có dân cư và chỉ toàn băng giá ấy hóa ra đang rất sôi sục bởi sự tranh giành ảnh hưởng và phân chia lãnh thổ giữa những quốc gia có liên quan, là “cuộc cạnh tranh chính yếu về tài nguyên”. Thậm chí nước Nga còn cho tàu ngầm lặn xuống độ sâu mấy nghìn mét, cắm xuống dưới đó một lá cờ bằng kim loại để làm mốc chủ quyền, và lá cờ hiện giờ vẫn đang “tung bay” ở dưới đó.
Cuốn sách cần đọc và đáng đọc đối với những người quan tâm đến quan hệ quốc tế. Sách cũng thực sự nóng hổi thời sự khi cập nhật đến tận việc Nga thu hồi Crimea về cho mình từ tay Ukraine hoặc cuộc chiến ở Syria, cũng như xung đột chưa bao giờ dứt giữa Israel và khối Arab…
——
* Những tù nhân của địa lý, Tim Marshall, Phan Linh Lan dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn 2021.