Từ ngày KHU TẬP THỂ HẠNH PHÚC, tiểu thuyết mới nhất của tác giả BỐ CON CÁ GAI – nhà văn Cho Chang-In lên kệ, không ít bạn đọc “lo lắng” nhắn hỏi ad không biết cuốn này có buồn và lấy nước mắt như cuốn trước không. Nếu các bạn đã thật lòng muốn biết thì ad cũng sẵn sàng lên luôn một bài so sánh nhẹ, để bạn vững tin hơn mà đọc sách nè.
🍁 Chủ đề: Cũng giống như Bố con cá gai, Khu tập thể Hạnh Phúc là một tác phẩm về tình cảm gia đình. Tuy nhiên, trái với Bố con cá gai chỉ tập trung vào tình cha và câu chuyện hầu như cũng chỉ xoay quanh hai bố con, Khu tập thể Hạnh Phúc viết về tình mẹ và rộng hơn cả là tình người. Điểm thú vị là mẹ cậu bé Dong Dong – nhân vật chính câu chuyện, lại vắng bóng gần như suốt câu chuyện. Thay vào đó là những người hàng xóm vô cùng đặc biệt luôn chăm lo cho Dong Dong theo cách của riêng mỗi người. Như vậy có thể nói ở tác phẩm này, xuất phát từ tình cảm gia đình nhà văn Cho Chang-In đã mở rộng,hướng tới mối liên hệ đáng quý (nhưng ngày càng lỏng lẻo ở xã hội hiện đại) giữa con người với con người và sự tử tế luôn thắng thế ở con người.
🍁 Bối cảnh: so với bối cảnh khá hẹp ở Bố con cá gai, quanh quẩn trong phòng bệnh và bệnh viện khá ngột ngạt; câu chuyện lần này diễn ra ở một khu tập thể ven đô, rất thân thương và gần gũi, gợi nhớ tới hình ảnh những khu tập thể cũ ở Việt Nam. Khu tập thể này tuy thiếu thốn vật chất nhưng rất giàu tình thương, sống ở đây hầu hết đều là những người đang phải phải chật vật mưu sinh, mỗi người một hoàn cảnh song họ luôn đùm bọc lẫn nhau và nhất là cực kỳ yêu thương Dong Dong, sẵn sàng trở thành một gia đình lớn cho cậu bé “không gia đình”.
🍁Người kể chuyện: cũng giống như Bố con cá gai, người dẫn dắt câu chuyện và chiếm cảm tình của người đọc ở Khu tập thể Hạnh Phúc là một cậu bé rất dễ thương và dũng cảm. Dong Dong thiếu thốn mọi bề từ vật chất tới tình cảm nhưng xuyên suốt câu chuyện, cậu bé vẫn tỏa ra nguồn năng lượng vô cùng tích cực, vừa trong trẻo ngây thơ vừa hiểu chuyện, mà vẫn không thiếu nét tinh nghịch của lứa tuổi. Bạn nào từng yêu mến Daum của Bố con cá gai chắc chắn sẽ không thể cưỡng lại ánh sáng ấm áp tỏa ra từ Dong Dong của Khu tập thể hạnh phúc đâu nè.
Và điều quan trọng nhất là dù có tiếp tục lấy thêm nước mắt độc giả ít nhiều thì cuốn sách này vẫn hứa hẹn một cái kết viên mãn.
Nhà văn Cho Chang-In từng tâm sự trong một chương trình giao lưu với độc giả do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức rằng ông đã đến Việt Nam du lịch và được truyền cảm hứng rất nhiều bởi đất nước và con người Việt Nam. KHU TẬP THỂ HẠNH PHÚC là một trong những tác phẩm ra đời từ nguồn cảm hứng dồi dào ấy.
Từ bối cảnh tới nhân vật, và nhất là những giá trị nhân văn trong tác phẩm này đều rất gần gũi với đời sống sinh hoạt và tình cảm của người Việt, tạo nên một sức hút mới mẻ cho tác phẩm của một trong những nhà văn Hàn Quốc được độc giả Việt đón nhận nồng nhiệt nhất này.