“Bạn đến từ đâu?” tưởng chừng là một câu hỏi thăm xã giao đơn giản. Nhưng đó lại là câu hỏi khó trả lời nhất và gây nhiều trăn trở đối với những đứa trẻ nhiễu văn hóa như Ocean Vuong, Ngọc (Bi) Nguyễn hay Nguyễn Đan Thy – tác giả của các tác phẩm chứa đựng đầy sự băn khoăn, lạc lõng của những người Việt trên một vùng đất khác. Họ là những người lang thang không mỏi trên hành trình tìm kiếm danh tính, bị mắc kẹt trong một vùng u minh giữa nhiều hơn hai bản dạng, luôn đặt mình trong một cuộc chiến để tìm ra bản sắc cá nhân mình.
🌎 Ocean Vuong của Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian
Cuộc đời Ocean Vuong là một cuộc đời chìm ngập trong nỗi hoài nghi về căn tính. Ocean Vuong sinh ra ở Việt Nam, mẹ là người Việt nhưng ông ngoại là người Mỹ. Khi chỉ mới 2 tuổi, anh cùng gia đình lần đầu tiên đặt chân tới xứ sở cờ hoa. Sau đó, bố biến mất, để lại Ocean Vuong sống với mẹ và bà ngoại, thi thoảng có người bác ở khu nhà thu nhập thấp ở Connecticut. Mẹ Ocean Vuong đi làm nail để nuôi bà ngoại và cậu con trai.
Liệu có phải vì thế mà trong cuốn tiểu thuyết đầu tay, Ocean Vuong đã xây dựng nhân vật Chó Con là một đứa bé da vàng sống trong một quận phần đông người da trắng. Chó Con ý thức rõ sự khác lạ của mình nên luôn cố gắng tìm kiếm một mối liên hệ với đất nước xa lạ. Cậu thường xuyên bị bắt nạt vì màu da và phải chịu những trận đánh đập từ những kẻ bắt nạt ở trường khi tìm cách hòa nhập vào đời sống Mỹ. Đồng thời, cậu cũng tìm thấy sự an ủi ở những hàng xóm da màu.
Tuổi thơ bức bối giữa cái nghèo, sự kỳ thị màu da, bạo lực, ma túy đã tô đậm cảm giác cần phải vượt thoát của Ocean Vuong.
Có thể nói, khi vật lộn với niềm trăn trở về cuộc sống và với những giới hạn của ngôn ngữ, Ocean Vuong đã “cố gắng thoát ra” bằng cách viết. Ngôn ngữ của Ocean Vuong bay bổng khi khi anh viết về cái đẹp, sự sống và tự do. Trong bức thư gửi đến Nhã Nam khi cuốn sách sắp ra mắt, Ocean Vuong nhắn gửi: “Tôi thật tự hào và phấn khích khi cuốn sách sẽ được sống bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ trong tôi với ý niệm về ‘nhà’, thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui.”
🌍 Ngọc (Bi) Nguyễn của Những đám trẻ nhiễu văn hóa
Ngọc (Bi) Nguyễn được sinh ra ở Moscow bởi bố mẹ người Việt Nam, nhưng lại tin rằng mình có phần nào đó là người Xô viết. Cô chuyển về Hà Nội khi lên 3 và vào học trường Quốc tế Pháp dưới sự ủng hộ của ông bà. 15 tuổi cô rời Việt Nam sang Mỹ để học tại một trường nội trú ở tiểu bang Connecticut. Kể từ lúc này, một trong những câu hỏi mà mọi người luôn đặt cho cô trong lần đầu gặp mặt là “Bạn đến từ đâu?”
Ngọc chưa bao giờ tin rằng chúng ta nên, hoặc phải, “đến từ” một nơi duy nhất. Cô thắc mắc, “Tôi không chắc họ thực sự muốn biết điều gì khi hỏi như vậy. Có phải họ đang cố tìm ra nơi tôi sống trước khi tới đây? Hay họ muốn biết nơi tôi được sinh ra? Hay là, vượt qua cả phương diện địa lý, nền văn hóa nào đã định hình nên tính cách tôi và ý thức hệ nào chi phối hành vi của tôi?”
Trong cuốn “Đám trẻ nhiễu văn hóa”, Ngọc đã thực hiện hơn một trăm cuộc phỏng vấn xoay quanh câu hỏi “Bạn đến từ đâu?” với những đứa trẻ nhiễu văn hóa trên khắp thế giới để đi tìm căn tính của mình. Khép lại cuốn hồi ký, Ngọc nhận ra, “Mục đích cuối cùng của những suy tư và tìm tòi ấy không phải là một câu trả lời chính xác về danh tính, mà là cách để chấp nhận bản thân và tìm cho mình một nơi để thuộc về. Bạn sẽ nhận ra mình không cần phải thuộc về một vùng đất hay quốc gia nhất định. Bạn có thể thuộc về những con người, thành phố hay ký ức. Bạn có thể thuộc về một tập quán, bài hát hay một điệu nhảy quen thuộc. Và ‘nhà’, chẳng phải là cảm giác được chấp nhận hay sao?”
🌏 Nguyễn Đan Thy của Nguồn cội
Như bao người trẻ Việt sống ở một đất nước khác, Đan Thy cũng phải đối mặt với câu khỏi “Bạn đến từ đâu?”
Cô thành thật, “Tôi sinh ra ở Việt Nam rồi chuyển đến Mỹ lúc đang học cấp hai. Vậy nên tôi đến từ cả hai nơi – Sài Gòn và Houston.” Đan Thy luôn tự hào vì mình có hai căn tính và luôn trân trọng sự khác biệt, đa dạng trong mình.
“Tôi thấy chỉ nhận mình là người Việt hoặc người Mỹ là không đúng. Tôi chẳng là gì cả, đồng thời tôi lại là cả hai. Tôi là sự phan trộn của những mảnh ghép, tôi là tôi. Tôi là Nguyễn Đan Thy và tôi cũng là Tee Win, một chút Việt, một chút Mỹ, thoải mái mở bất cứ cánh cửa nào.”
“Nguồn cội” chính là cuốn sách thay lời Đan Thy nói lên tiếng nói của mình về một bản dạng văn hóa linh hoạt. Những trăn trở và giằng xé nội tâm đi từ lạc lõng đến phẫn nộ, từ kiêu hãnh đến bình yên của một cô gái trẻ người Việt định cư trên đất Mỹ được thể hiện bằng những mẩu chuyện ngắn, những vần thơ gọn sẽ giúp bạn đọc có nhìn thấu cảm hơn về sự giao thoa bản sắc của những con người hai quê hương như Đan Thy.
🌎🌍🌏 Ba cuốn sách không chỉ bao gồm những cảm xúc và câu chuyện của riêng ba tác giả, đó còn là tiếng nói chung của vô số những người trẻ lớn lên và sống trong môi trường đa văn hóa. Mời các bạn tìm đọc!