Cuốn sách của bác sĩ Ngô Đức Hùng ghi lại nhiều câu chuyện ở tâm dịch – bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Sách có tên đầy đủ là Để yên cho bác sĩ “hiền” – Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể, gồm bốn chương: Mở đầu, Năm Covid thứ nhất, Tháng ngày bình yên, Năm Covid thứ hai. Trong phần mở đầu, tác giả điểm lại những thông tin quan trọng về nCoV, nguồn gốc dịch, cách thức hoạt động, lây nhiễm cùng các mốc thời gian chính trong hai năm dịch hoành hành. Ngoài ra, anh cũng nhắc lại bài học lịch sử từ những đại dịch khác mà nhân loại từng đối mặt.
Phần Năm Covid thứ nhất tái hiện sinh động những ngày đầu dịch bùng phát ở Việt Nam, tâm lý “hoảng loạn, đấu tố, kỳ thị” của người dân trên mạng, lần giãn cách xã hội đầu tiên. Tác giả còn nói về cái khó của các bác sĩ, khi vừa chống dịch vừa ổn định tư tưởng cho người dân. “Đừng để người dân trở thành nạn nhân của những tin đồn ác ý cùng nỗi sợ hãi mơ hồ. Không được để ngành y phải đơn độc trong cuộc chiến này”, anh viết.
Những tháng ngày bệnh viện Bạch Mai cách ly cũng được tác giả miêu tả sinh động. Qua đó, người đọc cảm nhận được nỗi vất vả của những người ở tuyến đầu chống dịch. Phần Tháng ngày bình yên nói về nhịp sống bình thường mới, lo ngại về các đợt bùng dịch.
Cuốn sách được viết dưới góc nhìn thực tế, không bi luỵ, với giọng văn hài hước, sâu cay. Nhật ký của bác sĩ Ngô Đức Hùng giúp độc giả có cái nhìn đúng đắn về dịch, đồng thời cảm nhận về tình người trong giai đoạn khó khăn. Qua sách, anh truyền tải tinh thần lạc quan, cái nhìn tích cực vào tương lai của đất nước, nhân loại. Bìa sách do họa sĩ Nguyễn Thành Phong (tác giả truyện tranh Sát thủ đầu mưng mủ) vẽ, có một con chim hạc, tượng trưng cho niềm tin, hy vọng.
Ngô Đức Hùng sinh năm 1981, là bác sĩ chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giảng viên Đại học Y Hà Nội. Anh từng ra mắt sách Để yên cho bác sĩ hiền (2018), 3 phút sơ cứu (2020). Anh hiện tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến Bạch Mai 2, cơ sở Hà Nam, nơi tiếp nhận các trường hợp F1 có bệnh lý nền phức tạp.
VnExpress