Đọc sách cùng bạn: Khi gió mùa về

Đọc sách cùng bạn: Khi gió mùa về

Tại sao tôi lại muốn bạn đọc một tập truyện đã ra đời cách đây hơn tám mươi năm và lần in lại cách đây cũng đã hơn năm năm? Lý do là vì gió mùa đã lại về, và vì tập truyện này đọc lúc nào cũng làm lòng người se sắt vì tình người thương phận người.

Đọc sách cùng bạn: Khi gió mùa về - Ảnh 1.

“Gió đầu mùa” là tập truyện ngắn đầu tiên của Thạch Lam in lần đầu ở Nhà xuất bản Đời Nay (1937). Khác với hai người anh của mình trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) hướng ngòi bút vào những vấn đề xã hội với những tác phẩm mang tính luận đề rõ rệt, sáng tác của Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) đi sâu vào cuộc sống thường ngày của những người nghèo khổ, lam lũ, vẽ nên những cảnh sống bình thường của những con người bình thường, chất phác. Nhiều truyện ngắn trong “Gió đầu mùa” là những bức tranh cuộc đời hiện thực được nhà văn phác ra bằng những dấu vết thực tế cụ thể với đầy tình yêu thương, cảm thông với những số phận bất hạnh. Đó là mẹ Lê nhà đông con đi xin gạo bị nhà giàu xua chó cắn về đau chết, để lại đàn con nheo nhóc (“Nhà mẹ Lê”). Đó là Tâm với gánh hàng xén tần tảo nuôi sống nhà mình, đến khi lấy chồng lại gánh vác công việc nhà chồng, quên cả bản thân mình (“Cô hàng xén”). Đó là Dung đi làm dâu cực khổ, muốn chết mà không chết được (“Hai lần chết”). Đó là Bào một người trai trẻ có học những không kiếm được việc làm đành chọn cái chết làm kế giải thoát (“Người bạn trẻ”). Đó là người lính từng đầu quân sang giờ phải sống nghèo túng vất vưởng trong cảnh đầu đường xó chợ (“Người lính cũ”). Bên cạnh những truyện đầy tính hiện thực, tập truyện còn có các truyện nói lên niềm vui sống thanh bạch đơn sơ chốn làng quê như tình cảm thầm kín “dưới bóng hoàng lan” của Thanh và , như cảm giác bắt đầu lại cuộc đời với “những ngày mới” giữa những người nông dân trên đồng ruộng của Tân. Có thể nói tập truyện “Gió đầu mùa” khi ra đời đã làm ngỡ ngàng người đọc về cái viết của Thạch Lam. Người ta phải ngạc nhiên vui sướng khi một nhà văn thành thị lại am hiểu và đồng cảm những phận đời thôn quê, phố huyện đến vậy. Mới hay, nhà văn thực sự phải là người biết quan tâm đến nhân quần, biết thương xót con người, và viết văn không phải là một thú tiêu khiển, giải trí. Chính Thạch Lam trong lời vào đầu tập truyện đã nêu lên một quan niệm như “tuyên ngôn” nghề văn của mình: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn“. Đọc truyện Thạch Lam người ta cảm thấy thương người và thấy rằng con người phải được sống trong những biểu hiện đơn sơ, bình dị nhất của sự sống. Những niềm vui sống nhỏ bé ngay cả trong những hoàn cảnh sống khó khăn cũng là đáng quý, đáng trân trọng. Và đó là những tia lửa nhấp nháy trong khung cảnh bàng bạc u buồn của những truyện ngắn Thạch Lam. Như khi cơn gió lạnh đầu mùa thổi về, tấm áo của cậu bé Sơn lấy trộm của mẹ đem cho một đứa bé nhà nghèo hơn mình, đã tỏa ra một hơi ấm của tình người và tình văn. Chính đây là một điểm lạ của Thạch Lam. Và điểm lạ đó đã làm nên một chất văn riêng biệt của Thạch Lam trong khí hậu văn chương chung của Tự Lực Văn Đoàn.

GIÓ ĐẦU MÙA

Tác giả: Thạch Lam

& Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2014

Số trang: 179

Số lượng: 2000

Giá bán: 47.000

Truyện ngắn Thạch Lam nói chung, trong tập Gió đầu mùa nói riêng, nổi bật ở sự tinh tế, nhẹ nhàng, kể truyện giản dị nhưng để lại cảm nhận sâu lắng. Đặc biệt văn Thạch Lam thiên về cảm giác, . Sự rung động khẽ của những tâm hồn non tơ và trinh khiết của những đứa bé, những cô gái ở thôn quê, phố huyện được nhà văn bắt nắm bắt khéo léo và diễn tả chân thực khiến rung động người đọc. Vì thế mà một bóng hoàng lan cứ tỏa mát mãi từ trang văn Thạch Lam trong tâm trí bao người đọc văn ông. Nhà văn cũng động đến tâm lý của nhiều người khi khơi sâu vào những mạch tế vi diễn biến tình cảm của một người bố có con đầu lòng (“Đứa con đầu lòng”) hay nỗi ân hận của một người đã trót đẩy người khác vào cảnh khốn cùng (“Một cơn giận”). Như vậy, nhà văn chỉ sống trên đời hơn ba mươi năm nhưng đã sống được rất nhiều cuộc đời của những người khác và đã truyền thêm sức sống cho bao nhiêu người đọc văn ông mà biết sống và biết yêu quý cuộc sống đời mình. Nhà văn Vũ Bằng đã kể về tác giả Gió đầu mùa như sau: “Thạch Lam yêu sự sống hơn bất kỳ ai. Anh quý từ cốc nước chè tươi nóng, trang trọng đưa lên miệng uống một cách gần như thành kính, như thể cám ơn trời đất đã cho mình sống để thưởng thức ngon lành như vậy. Anh cẩn thận từng câu nói với cô bán hàng vì sợ lỡ lời khiến người ta tủi thân mà buồn. Thạch Lam đi đứng nhẹ nhàng… Anh là một người độc đáo có tài lại khiêm nhường, người nhỏ mà nhân cách nhớn“. Đọc “Gió đầu mùa” và toàn bộ các truyện ngắn cũng như các cái viết khác của Thạch Lam thì thấy đúng như Vũ Bằng nhận xét, văn đó là của người đó.

“Gió đầu mùa” từ lâu đã trở thành một cuốn sách, một tác phẩm được yêu thích của nhiều thế hệ độc giả văn chương nước Việt. Hơi văn, chất văn Thạch Lam thoảng qua mà đọng lâu. Đọc tập truyện này trong khung cảnh xã hội hiện đại bây giờ không chỉ để biết cảnh sống một thời qua (những cảnh sống đây đó vẫn còn hôm nay), không chỉ để xuýt xoa khi trời đất mỗi năm vẫn đưa lạnh về, mà cái chính là để thêm một lần thưởng thức, nhấp vị văn chương của một nhà văn tinh tế, đôn hậu, và hơn hết là để cùng với nhà văn chia sẻ tấm lòng thương người, quý người trong những cơn nóng lạnh của cuộc đời.

Dân Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *