Đọc sách cùng bạn: Thường là thế Hà Nội

Đọc sách cùng bạn: Thường là thế Hà Nội

Đọc sách cùng bạn: Thường là thế Hà Nội - Ảnh 1.

Thế là thế nào? Thường là thường sao? Xin thưa đây không phải là một cuốn sách hư cấu, mà là một cuốn sách… Gọi là gì nhỉ, cuốn sách này? Tác giả ghi cho nó một tên gọi thể loại là ““. Trong “Đôi lời” mở đầu sách, tác giả cho bạn đọc biết: “Cuốn sách này là những suy tư xoay quanh câu chuyện về vài món ăn, cách phục sức hay tâm tình của con người đô thị Hà Nội, như những câu chuyện bên chén trà ngoài quán nhỏ hay mâm cơm trong gia đình” (tr. 7). Thế nghĩa là tác giả lan man về cái ăn mặc ăn ở trang phục đi lại của người Hà Nội, và người Việt, qua thăng trầm năm tháng biến thiên thời cuộc xoay đổi phận người. Anh cứ nhẩn nha vào chuyện từ một sự không đâu, một sự bình thường, rồi kéo theo những văn liệu sử liệu, những liên tưởng hồi tưởng, những xưa nay kim cổ, dẫn đưa người đọc theo mình đến những bất ngờ tưởng như thực như hư, như có như không, như là thế này lại hóa thế kia, để rồi đọc xong mỗi bài lại có thể buông một tiếng khà thế thường là thế.

HÀ NỘI BẢO THẾ LÀ THƯỜNG

Tác giả: Nguyễn Trương Quý

& Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

Số trang: 268

Số lượng: 2000

Giá bán: 150.000đ

Nói về món thịt “ba chỉ”, tác giả ngoằng sang “Facebook cũng là một loại phương tiện “ba chỉ”, dung hòa tất tật các quan điểm, dân túy cực độ” (tr. 34).

Nói về chuyện bóc vỏ những thứ có vỏ để bóc anh viết: “Vào bàn tiệc bây giờ thường có món tôm hấp hay chiên, nhiều chị em nhanh nhẹn thường bóc vỏ cho cả bàn dù không ai khiến. Sự nhiệt tình rất đáng yêu, nhưng cũng triệt tiêu cái khoái cảm bóc vỏ của người khác.” (tr. 51).

Bàn về cái va li, tác giả lần theo hành trạng của nó từ đầu thế kỷ XX khi nó là một vật dụng văn minh cấp cho người dùng nó “một thứ chuẩn nam tính thời nước Việt bắt đầu hiện đại hóa” (tr. 135) cho đến nay khi nó đã trở nên bình dân hóa, không còn là vật đại diện cho học thức, địa vị và uy lực nam tính nữa.

Nói về cái thắt lưng, sau khi đã dẫn dắt từ ca dao Nguyễn Bính, anh chạm đến bây giờ khi “Chiếc thắt lưng giờ đây lại có hơi hướng phù phiếm, kiểu cách. Nó bị gắn với ám ảnh vòng hai và cơn cuồng bụng sáu múi, phần nào mách bảo về điều kiện sống và sức khỏe của chủ nhân” (tr. 148).

Luận về thái độ của người Việt đối với đồng tiền, anh đi đến một nhận xét: “Người ta vẫn nói, trong mỗi người không chỉ có một ông quan và một thi sĩ, chính xác hơn nữa thì phải kể thêm một nhà phân tích tài chính thực dụng” (tr. 187).

Anh thấy ra ở xã hội truyền thống xưa kia: “Tóc là một ẩn ức về nhục cảm, nhưng còn hơn thế, nó là dấu hiệu của sự xa xỉ được cho phép trong một xã hội nhiều thành kiến về việc sống xa xỉ. Có lẽ việc làm đẹp mái tóc (theo cách truyền thống) là thứ duy nhất không bị xếp vào sự sa đọa mà còn thậm chí được yêu cầu phải chăm chút cho dù nghèo đến đâu” (tr. 124). Trong khi cái đội đầu thì người Việt nói nhiều đến nón của chị em mà rất ít nói đến mũ của anh em (tr. 103). Và “Định nghĩa về nhan sắc Việt dường như không có tiêu chí mùi hương.” (tr. 150).

Đọc đến những nhận xét như vậy thì thấy tản văn của Nguyễn Trương Quý không chỉ là cái viết tản mạn, cái viết chơi. Anh có ý thức khảo sát, khảo cứu qua sự biến thiên thay đổi trong không gian và thời gian của những điều thiết thân gắn liền với những nhu cầu thiết yếu của con người. Mỗi sự thay đổi đó mang theo một hoàn cảnh, một quan niệm, một lối sống, và một tư tưởng. Như khi bàn đến những cái trang phục, phục sức của nam nữ, anh cho thấy ở đó có chứa đựng một quan niệm giới, nhất là trong cuộc tiếp xúc Đông Tây ở xã hội Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua.

Vậy là có một cái gì đó căn cốt của Hà Nội và người Hà Nội mà Nguyễn Trương Quý mải miết truy tìm lâu nay trong nhiều cuốn sách của mình. Đó có phải là cái sự cầu kỳ khó tính được chứng tỏ, được thêu dệt truyền tụng, được nâng lên như “một quan niệm văn hóa của một tổng thể trữ tình đã định nghĩa họ” (tr. 264). Đó có phải là cái sự khinh bạc, kiêu ngạo, vừa muốn chống chọi sự xô đẩy của thời cuộc để giữ giá, vừa vẫn thản nhiên chịu sự ép buộc biến thiên cho hợp thời. Đọc hết sách này, cũng như các sách trước đây của Nguyễn Trương Quý (“Tự nhiên như người Hà Nội”, 2004; “Ăn phở rất khó thấy ngon”, 2008; “Hà Nội là Hà Nội”, 2010; “Xe máy tiếu ngạo”, 2012, “Dưới cột đèn rót một ấm trà”, 2013, “Còn ai hát về Hà Nội”, 2013), bạn sẽ được thích khoái cùng anh đi tìm cái “thế là thường” của Hà Nội ấy. Tác giả bảo với ta rằng: “Sự cầu kỳ đến mức tưởng như khó nhọc của một số người sống ở Hà Nội có khi nói lên một điều: họ đang tận hưởng cảm giác muốn làm một chúa trời của thế giới họ đang sống, dẫu có khi chỉ quanh quẩn vài con phố. Nhưng có hề gì, khi việc nhấm nháp cái đã qua, chứng kiến cái sắp qua và đón đợi cái sắp đến còn đầy ắp niềm hưng phấn, thì ta bảo, cảm giác ấy ở Hà Nội thế là thường!” (tr. 7).

Viết về Hà Nội trong mạch tản văn đã có kha khá người viết, trong đó đã có những người nổi danh. Nhưng tản văn về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý có một khí vị riêng. Anh tỉ mẩn như một vị thủ thư, kỹ lưỡng như một nhà khảo cứu, tinh tế như một người thẩm văn chương, chính xác như một nhà làm sử, trầm tĩnh như một ông già, lang thang như một kẻ rong chơi, phớt đời như một người Hà Nội. Văn tản văn Nguyễn Trương Quý có giọng rề rà của người già ưa kể lể chuyện quá khứ, có giọng tưng tửng nghịch ngợm của cánh trẻ thích châm chọc hài hước, có giọng ông thầy giảng giải mạch lạc ngọn nguồn đầu đuôi sự thể. Văn đó thu nạp nhiều kiến thức (đời sống, văn chương nghệ thuật, ) được tác giả nhào nặn trong một cách viết tung tăng xuyên không – thời gian để cho người đọc qua lại nhiều ngóc ngách cùng mình rồi cuối cùng thấy mình quanh quẩn cũng chỉ là ở Hà Nội. Và đó là một Hà Nội cũ và mới, già và trẻ, chậm và nhanh, quen và lạ, trong văn tản văn Nguyễn Trương Quý.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Dân Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *