Cảm giác đầu tiên của mình khi nhận Súng săn là không ngờ nó mỏng đến thế, chỉ 100 trang. Tiểu thuyết ngắn này là một câu chuyện lồng trong chuyện, phần khung mở màn rất tự nhiên, dẫn nhập thẳng vào chuyện chính: 3 bức thư gửi cho cùng một người đàn ông – Josuke, về một “chuyện tình đồi bại”, được chính người đó gửi cho người kể chuyện, và người này lại bày cho độc giả cùng xem. Thật tình cờ khi đọc quyển này giữa drama trà xanh trên mạng.
Bức thư đầu tiên là của Shoko, con gái của Saiko, người mà Josuke ngoại tình. Bức thư thứ hai từ Midori, vợ của Josuke. Và bức còn lại là của Saiko. 3 người đếu biết đến bí mật ngoại tình – bằng các cách khác nhau và tại những thời điểm không giống nhau. Tất cả đều mang những cảm xúc phức tạp, những gánh nặng tâm trí, và cả những băn khoăn về “con rắn bên trong mỗi người”; và họ thổ lộ chúng trong các bức thư.
Người đọc sách, vì thế, sẽ được nghe kể cùng một câu chuyện từ 3 góc nhìn khác nhau, mỗi lần được biết thêm một chi tiết, một góc khuất, một nỗi niềm, một gánh nặng mà cả 3 con người có liên quan đã và đang phải gánh lấy. Một bí mật luôn mang lại nhiều phiền toái: giữ đã mệt, không biết cũng khổ mà biết cũng chẳng sung sướng gì. “Suốt một thập kỷ nay, anh lừa dối em, em lừa dối anh (…) Một thương vụ đày đoạ của lũ người chúng ta! Toàn bộ cuộc sống chung của chúng ta đã được dựng lên trên cái nền móng là những bí mật mà chúng ta giấu nhau”.
Quyển sách mỏng nhưng thật khó để hiểu hết, nhất là khi ta không có hiểu biết gì về nước Nhật thời hậu chiến và trong thời kỳ Chiếm đóng Nhật Bản, vốn là bối cảnh của quyển sách xuất bản năm 1947 này. Có rất nhiều biểu tượng xuất hiện nhiều lần mà có lẽ phải đọc lại, tìm hiểu thêm mình mới hiểu hết được: tấm lưng, họng súng, chiếc haori với hình bông kế gai. Nhưng dù sao, quyển này cũng cho mình thấy mình quả thật rất thích văn học Nhật, thích lối mô tả, dùng từ, và thích cả hình thức thư tín.