Life Of Pi là một câu chuyện kỳ lạ. Nó bắt đầu thu hút tôi bằng kết thúc. Sau đó tôi lại bắt đầu tìm ngược lên rồi bị cuốn vào câu chuyện lại từ đầu. Lần nào đọc lại tôi cũng có cảm giác như thế. Pi cũng là một cậu bé kỳ lạ. Một cậu bé có tên có thể diễn giải bằng một chuỗi các con số, nỗi kinh sợ của tôi – một đứa không hiểu sao trên đời cần có môn Toán. Nhóc Pi còn là một tín đồ của tôn giáo.
Tôi gọi thế vì thứ Pi yêu thích là tôn giáo nói chung chứ không hẳn mà một “Đạo” nào đó. Cậu bé đặt Chúa Kito cạnh đức Thích Ca Mầu Ni, rồi bên cạnh còn có Thánh Alla tôn kính… Họ đều ngang hàng nhau, đều là một thực thể đáng sùng bái trong lòng cậu bé. Thế nhưng các nhà truyền giáo lại cho rằng cậu đang giễu nhại họ và Pi gặp chút rắc rối với tôn giáo của mình. Nhưng rồi cậu vẫn sống theo cách mà cậu muốn. Một cậu bé tự do trong tâm tưởng, hoàn toàn. Tôi khá thích quãng thời gian gia đình Pi còn ở quê nhà. Nó êm ả và đẹp đẽ biết bao. Gia đình cậu cũng hạnh phúc biết bao.
Nhưng rồi biến cố ập đến, Pi mất cha mẹ, mất anh trai trong chuyến vượt biển kinh hoàng. Thứ cậu còn lại là di sản cuối cùng, những con thú trong vườn bách thú của cha cậu. Những con thú giờ đây cùng Pi trên một con thuyền cứu sinh nhỏ. Mỗi kẻ chiếm cứ một góc, đề phòng lẫn nhau, vì sống còn. Pi không chỉ đối mặt với cái đói cái khát và nguy cơ lạc đường giữa biển mà còn phải bảo vệ mình trước những rình rập của lũ thú đói. May mắn, không phải con vật nào trên thuyền cũng ăn thịt. May mắn, lũ thú ăn thịt có thể ăn những con không đủ sức vượt biển trước tiên. Pi tạm thời an toàn.
Nhưng cậu nhóc kỳ lạ không yên tâm với an toàn đấy. Cậu tìm cách lôi kéo đồng minh, kẻ mạnh nhất trên thuyền – con hổ Richard Parker. Một con hổ Bengal trưởng thành, nặng hơn hai tấn. Nếu bạn chưa hiểu chênh lệch giữa một con hổ hai tấn với một cậu bé ở đâu thì chỉ cần tưởng tượng ra Richard Parker chỉ cần đập móng vuốt một cái là Pi có thể chết ngay lập tức. Ấy vậy mà cậu lại muốn chinh phục nó, muốn nó làm bạn với mình. Hơn hai trăm ngày lênh đênh trên biển cậu và Richard Parker ở cùng nhau nhiều nhất, hai sinh linh mạnh nhất và thông minh nhất vượt lên khắc nghiệt của thiên nhiên để sống sót. Quãng đường đó là điểm cao trào trong phong cách viết văn của Yann Martel.
Ông tả biển, tả nắng, tả gió, tả những con cá… đều đẹp tuyệt trần. Nhưng điều làm tôi kinh ngạc nhất là từng câu chữ của ông tỏa ra một thứ tuyệt vọng bi tráng, khốn cùng dù mọi thứ đến điểm đó vẫn đang rất ổn. Điểm cuối của cuộc hành trình là khi thuyền tìm được bờ. Mối liên kết giữa hai sinh linh hoàn toàn đứt vỡ. Richard Parker bỏ Pi đi. Nó về với rừng. Còn Pi về với xã hội loài người. Cái xã hội chỉ tìm được cảm giác an toàn khi Pi vượt qua cơn bão biển với những kẻ ăn thịt người mà không phải là bốn con thú hoang dã. Cái xã hội đã nhẫn tâm cho rằng kẻ mạnh nuốt chửng kẻ yếu chân thật gấp ngàn lần chuyện con thú có thể dung nạp con người.
Có lẽ bản năng đứng trên vạn vật khiến họ tin vào việc thú vật chỉ là lũ súc sinh vô thức, không thể thấy người sống mà không tấn công được. Câu chuyện khép lại mở nhưng buồn. Pi sau này cũng có cuộc sống riêng nhưng quá khứ vẫn ám ảnh cậu. Nó như một bóng ma đã khắc sâu vào tiềm thức Pi. Điều buồn nhất, ám ảnh ghê gớm nhất có lẽ là việc chỗ dựa tinh thần cuối cùng – Richard Parker cũng bỏ rơi cậu. Nhưng suy cho cùng chẳng có cách nào để tình bạn kỳ lạ của Pi và Richard Parker được chấp nhận ở đây. Nơi của con người chẳng ai sẽ cho phép một điều kỳ lạ như thế hiện hữu. Dẫu cho tình bạn là một điều đẹp đẽ biết bao nhiêu.
Review của độc giả Hán Bích Hạnh – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA | SHOPEE |
Cuộc Đời Của Pi | http://bit.ly/cuocdoicuapiNhaNam | https://tiki.vn/cuoc-doi-cua-pi-tai-ban-2019-p14645351.html?spid=14645352 | https://www.fahasa.com/cuoc-doi-cua-pi-tai-ban-2019.html | http://bit.ly/cuocdoicuapiShopee |