CƠ TRƯỞNG TỪ BUỒNG LÁI- Không màu và những năm tháng hành hương.
Bằng một cơ duyên nào đó, quyển sách này đã đến tay mình tối đêm qua và mình đã bước lên chuyến bay đến tận 2h sáng bởi hành trình đi cùng cơ phó quá đỗi thú vị.
Quyển sách này gợi nhớ về miền trời ấu thơ tươi đẹp khi những đứa trẻ con háo hứng khi nghe tiếng động cơ và đợi chờ được ngắm nhìn chú chim sắt bay lượn trên bầu trời tự đo. Má cũng từng ước mình có cơ hội được đi máy bay khi mình còn bé trong vô vàn ước mơ mà má mong cầu mình đạt được.
Và Chàng trai, tác giả của quyển sách này đã từng rời ghế văn phòng, đến Pháp tham gia khoá học phi công. Từ những trải nghiệm mới mẻ trong các khoá học cho đến những giờ bay thực tế CƠ TRƯỞNG TỪ BUỒNG LÁI ra đời, hé lộ không chỉ câu chuyện thú vị về nghề lái mà còn bày ra những hành trình nhiều cảm xúc xoay quanh chuyện đời chuyện nghề.
Có thể lầm tưởng quyển sách này sẽ khô khan và tập trung hoàn toàn vào yếu tố kỹ thuật nhưng khi đi trọn vẹn hành trình bay, độc giả sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị và chứa đựng nhiều cảm xúc bằng lối viết mềm mại, chân tình của tác giả.
Thư Uyển, một cái tên hoàn toàn xa lạ đến với độc giả bằng tác phẩm đầu tay khi trình hiện nghề bay, biến những chú chim sắt tung cánh tự do với thứ màu dung dị và ngập tràn ước vọng.
Nếu Saint- Exupéry, phi công nhà văn đã có một Hoàng Tử Bé vang danh khắp thiên hạ thì Thư Uyển khiêm cung, góp nhặt những câu chuyện từ những chuyến bay, những hành trình bất tận và chọn một góc trên chiếc máy bay, Buồng Lái nơi khát vọng tuổi trẻ đi cùng nỗi trống vắng lạ thường với những chuyến bay đêm mắt đỏ vì thèm ngủ.
“Và nếu em bay qua Montepellier, nhìn xuống mà thấy một câu trai (trẻ), sau những chuyến bay, nghe Carla Bruni chạy bộ dọc các ruộng nho, tối về nấu cơm, đọc 1Q84 rồi đi ngủ, thì em biết, đó, là anh ngày trẻ”
28.07.19, Anh không màu và những năm tháng hành hương.
Bằng một thế lực ghê ghớm nào đó, đã kéo tôi gần quyển sách này. Cảm giác thân quen khi bước chân vào ngành bay như cái cách mà tôi bước vào hành trình của cậu không màu của bác Haruki Murakami. Dù tôi chẳng làm “Captain” ngày nào và những vì sao ngoài kia cũng chẳng đợi chờ tôi hái, bởi đơn giản tôi đã phải lòng chuyến bay này. Phải lòng câu nói: “xin kính chào quý khách, cơ trưởng từ buồng lái. Cơ trưởng và phi hành đoàn hân hạnh chào mừng quý khách đến với chuyến bay hôm nay. Máy bay của chúng tôi đang hoàn tất công tác chuẩn bị và dự kiến khởi hành trong vài phút tới. Xin quý khách vui lòng tắt điện thoại, cài dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế, gấp bàn ăn và mở tấm che cửa sổ. Chúc quý khách một chuyến bay tốt đẹp”.
Phải là trái tim dễ rung cảm hay những lần rối loạn tiền đình bởi sự rung lắc đến dịu dàng mà anh chàng phi công đến với tác phẩm đầu tay của mình bằng những rung động trong từng câu chữ.
Cơ trưởng từ buồng lái vừa hiện thực lại lãng mạn, tựa như một giang khúc mà ta thèm được một lần chạm đến, thèm trở lại thành đứa trẻ ngày nào được mẹ cõng trên vai để ngắm những chuyến bay qua.