REVIEW SÁCH “BỐ CON CÁ GAI” – Cho Chang In

REVIEW SÁCH “BỐ CON CÁ GAI” – Cho Chang In

Anh thì làm gì có tư cách làm bố!

Câu nói này buột ra từ miệng một người mẹ đã bỏ con để đi theo đam mê của bản thân, bên người đàn ông khác. Câu nói này của một người vợ hơn 3 năm không gặp, từ trở về để nói với anh, gay gắt y ngày mà cô quay lưng đi.

Người bố ấy có lỗi gì, mà đến tư cách làm bố cũng không có chứ?

Anh ấy sinh ra đã khao khát tình phụ tử nơi người cha tật nguyền, kẻ đã hết lần này đến lần khác bỏ anh đi rồi lại đón anh về, ăn bữa mỳ đen cuối cùng trên tàu, xòe ra một nắm thuốc chuột đưa vào tay con trai. Thế nhưng chuyến tàu ấy rồi đưa 2 người về 2 ngả, không bao giờ còn thấy nhau trong cuộc đời này.

Chàng trai ghét cay ghét đắng bát mỳ đen đêm ấy rồi cũng trở thành cha, giây phút bế con trên tay là giây phút mà anh biết mình là người hạnh phúc nhất, Daum đã đến, là nguồn sống, là hi vọng, là khao khát trong cuộc đời anh, là thiên thần giúp anh được sống để bù đắp những thương tổn trong quá khứ.

Anh thường được giới thiệu với tư cách một nhà , anh có trong tay những bộ sưu tầm thơ cổ mà bất cứ ai say mê văn chương đều mơ ước, anh được bạn bè, hậu bối vô cùng kính trọng, như thể nhắc đến anh và thơ của anh, người ta sẽ nghĩ ngay đến một hiện tượng những năm ấy, thế nhưng, anh đã thôi không làm thơ nữa. Cuộc sống cơm áo gạo tiền, lo cho cả gia đình không còn làm anh rung cảm với thơ, anh bạt mạng kiếm sống bằng nghề viết báo, là phóng viên của hết thời báo này đến tuần báo nọ, rồi dịch sách để kiếm tiền.

Anh si mê người vợ họa sỹ, anh và vợ ở 2 thái cực khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau, lao vào nhau mặc kệ sự ngăn cấm. Anh chết dần chết mòn khả năng thi ca, còn người vợ thì chán ngấy việc anh và con cản trở con đường thăng tiến của mình, rồi người vợ sang Pháp, để lại trong ký ức của Daum hình ảnh người mẹ tẻ nhạt, gắt gỏng và chỉ nấu được mỗi món mỳ ăn liền.

Daun ốm, bệnh nặng, bác sỹ chẩn đoán em bị máu trắng, cuộc đời lại một lần nữa biến người bố khốn khổ ấy thành con rối, chạy đi chạy lại, chạy vạy tiền cho con điều trị trong suốt 2 năm ròng rã. Có Daum bố mới có động lực để sống, dù có phải ngồi cả ngày liền dịch bản thảo, đi hết đến nhà xuất bản này đến nhà xuất bản kia lạy lục van xin thì bố vẫn thầy bầu trời đẹp lắm. Có bố thì những ngày điều trị bệnh ung thư của Daum mới không đáng sợ, vì Daum biết mình có khóc, có kêu gào cũng chỉ làm bố lo thêm mà thôi. 2 bố con dã nương tựa vào nhau bền chặt và ấm áp như những cái rễ cây rừng nhiệt đới, chưa một ngày nào ngừng cắm sâu bám chặt vào đất mẹ.

Người chồng, với chút hy vọng le lói cuối cùng, gắng ăn mặc thật chỉn chu, mua một bó hoa đến chúc mừng triển lãm tranh của vợ, rụt rè đợi chờ một hình bóng xưa cũ, một sự ngạc nhiên hay một chút tình yêu còn vương lại. Gặp lại vợ, phải là vợ cũ mới đúng, bao nhiêu chất chứa, bấy nhiêu nỗi niềm, và sự mệt mỏi của anh đã bị dội cho bay biến mất, vợ anh vẫn nhìn anh bằng con mắt khinh thường – một người đàn ông kém cỏi, sao anh lại già đi thế này, đến bản thân cũng không chăm sóc nổi.

Người bố, đứng giữa sự lựa chọn cho con được sống những ngày cuối cùng tươi đẹp và để con chịu đau đớn trong phòng vô trùng, đã bán nhà, bán nhà đến không biết bao nhiêu lần, chuyển hết những kho báu văn chương của mình đến căn nhà thuê theo ngày, bán laptop và cùng con lên đường đến biển, nơi Daum khao khát được quay lại chuyến dã ngoại ngày xưa có mẹ, và nương náu nơi núi rừng mong một phép màu chữa lành từ thiên nhiên.

Người bố, chưa một giây phút nào nghĩ cho bản thân mình, với anh, cuộc đời này có Daum là đủ, Daum hạnh phúc là đủ, và những người yêu thương nhau sẽ lại được ở bên nhau. Để con được sống, được tiếp nhận tủy từ một người xa lạ, để con đủ tiền điều trị trong 3 tuần quan trọng nhất cuộc đời, người bố đã làm một cuộc trao đổi. Bố đứng ngoài phòng vô trùng nhìn sự sống của mình đang hồi sinh, còn Daum – trong lúc đau đớn nhất vẫn mong chờ ánh mắt hi vọng và ấm áp của bố, nhưng bây giờ nó đã khác rồi.

Không thể tưởng tượng được rồi người bố lại làm thơ, viết về những tháng ngày cùng nhau của 2 bố con, và cũng chính là món quà cuối cùng anh để lại cho con trong cuộc đời này – dành cho Daum của bố, mãi mãi yêu con.

Người bố như vậy đấy, liệu có phải là một người không có tư cách làm bố không? Đến người bác sĩ xa lạ còn hiểu cho nỗi đau đớn vất vả của bố Daum, nói nhà thơ như anh thì nỗi buồn sẽ nhân đôi, rồi đến một ông già thâm sơn cùng cốc còn cảm động mà cho 2 bố con nương náu ở nhờ, đến người bạn cùng phòng bệnh còn an ủi mà tặng bộ Lego cướp biển, thì hà cớ gì, một người đã từng là sinh mệnh, một người đã từng là gia đình duy nhất lại buông ra những lời cay độc phủ nhận tình yêu và sự sống mà 2 bố con anh khao khát cướp lấy từ cuộc đời này.

“Con cá gai lúc nào cùng làm tôi nghĩ đến bố. Và nỗi buồn lại dâng lên trong lòng tôi như những đám mây đen. Ôi, bố cá gai của tôi”.

Review của độc giả Luyen Bui – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
Bố con cá gai http://bit.ly/boconcagaiNhaNam http://bit.ly/boconcagaiTK http://bit.ly/boconcagaiFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *