Tập truyện ngắn “Sáng Trăng “. (Ảnh Nhã Nam cung cấp) |
Guy de Maupassant là một trong những tác giả đóng góp vào những thành tựu của văn học thế kỷ 19, với gần 300 truyện ngắn và 3 tiểu thuyết trong sự nghiệp. Với khả năng nắm bắt và thể hiện thực tại trong từng khía cạnh cụ thể, Maupassant được xem là bậc thầy của truyện ngắn, một thể loại vốn yêu cầu rất cao về nghệ thuật gói gọn thông tin vào trong những giới hạn cho phép.
Tập truyện “Sáng trăng” của Guy de Maupassant gồm 13 truyện với những sắc thái khác nhau, từ tàn nhẫn trong “Cái thùng con”, ảm đạm trong “Người đã khuất”, u ám trong “Bà Hermet”, cho đến cái dịu êm, man mác như một bài thơ của “Sáng trăng” và cái trong veo, tươi mát trong “Bố của Simon” – truyện ngắn quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, từng được đưa vào sách giáo khoa.
Emile Zola, tác giả bộ Les Rougon-Macquart đồ sộ từng nhận xét về văn chương của Guy de Maupassant rằng, vài trang ngắn ngủi của Maupassant “chứa đựng cốt tủy của những tập sách mà các nhà tiểu thuyết khác chắc phải viết rất dày”, chính vì thế mà, “đọc Maupassant, ta khóc, ta cười và ta suy nghĩ”.
Guy de Maupassant là nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng nước Pháp. Ông sinh năm 1850 tại Fécamp, vùng Normandie, miền bắc nước Pháp, trong một gia đình giàu có. Mẹ ông vốn là người say mê văn chương và là bạn của nhà văn Flaubert, chính bà đã khích lệ và hướng dẫn con trai trong việc đọc sách.
Sau này, nhờ những lời khuyên của Gustave Flaubert, Maupassant đã trở thành nhà văn. Cũng nhờ có người đỡ đầu này, Maupassant được gặp những nhà văn lớn đương thời như Zola, Huysmans, Daudet và anh em nhà Goncourt.
Sau thành công của truyện ngắn “Viên mỡ bò” (1880) và tập truyện “La maison Tellier” (1881), Maupassant bỏ nghề công chức và chuyển hoàn toàn sang sáng tác. Dù quá trình sáng tác chỉ gói gọn trong khoảng mười năm, nhưng ông ghi dấu ấn mạnh mẽ trong mảng truyện ngắn với phong cách viết chân thực, không rườm rà, bóng bẩy, mà giản dị, linh hoạt.
Đầu năm 1891, tình trạng sức khỏe của Maupassant suy yếu hẳn, ông có dấu hiệu hoang tưởng và đã nhiều lần định tự sát. Cuối cùng, ông mất vào tháng 7/1893, tại Paris, khi chưa qua tuổi 43.
HÀ CHI