Hà Nội trong một ngày tràn ngập ánh nắng rực rỡ sau trận mưa “kỷ lục” do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên một đường phố nhỏ mang tên nhà văn của phụ nữ và trẻ em – Nguyên Hồng đã diễn ra một sự kiện văn học thật đặc biệt, thật ấn tượng và thật bất ngờ. “Độc giả đông quá!”. Người già, người trẻ hào hứng đến để gặp gỡ nhà văn Nguyên Ngọc, người thổi hồn cho nhân vật Tnú, người vẽ lên những cánh rừng xà nu bất tận.
Vì sao người ta mến mộ ông đến vậy?
Người ta yêu mến Nguyên Ngọc và gọi ông là nhà văn lớn bởi những cống hiến không ngừng nghỉ cho nền văn chương nước nhà, bằng tất cả sự khâm phục dành cho một cây bút tài ba, một đôi chân đi không biết mỏi, một trí thức luôn trăn trở với nhiều suy tư về thời đại. Người ta còn khâm phục Nguyên Ngọc bởi vì tầm vóc trí tuệ, vốn văn hóa, vốn hiểu biết vô cùng phong phú của ông.
Chân dung nhà văn Nguyên Ngọc
Học sinh Việt Nam biết đến ông qua tác phẩm “Rừng xà nu”, tưởng tượng ra “những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời” trong khung cảnh hùng vĩ, bạt ngàn của núi rừng Tây Nguyên. Mắt rơm rớm, cổ họng nghẹn ngào khi xem ông miêu tả cảnh Tnú chứng kiến “trận mưa cây sắt” mà thằng Dục giáng xuống mẹ con Mai.
Độc giả Việt Nam biết đến ông qua cuốn tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng – “Đất nước đứng lên” với sự khắc họa thành công nhân vật lịch sử – anh hùng Núp, với những chi tiết đầy chân thực, xúc động và hào hùng, sục sôi ý chí chống giặc của người dân Tây Nguyên. Những đứa con tinh thần khác nữa của nhà văn Nguyên Ngọc như “Rẻo cao”, “Mạch nước ngầm”, “Đất Quảng” hay “ Cát cháy”, “Tản mạn nhớ và quên”, “Các bạn tôi ở trên ấy” cũng là những đóng góp to lớn cho nền văn chương của nước nhà.
Nhà văn Nguyên Ngọc nay đã 90 tuổi nhưng ông không ngừng cung cấp tri thức cho đời. Cuốn bút ký “Dọc đường” mới được xuất bản đã một lần nữa khẳng định cho sự “xê dịch” không ngừng nghỉ của ông.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách tại Hà Nội, tác giả “Dọc đường” không khỏi xúc động trước tình cảm của độc giả dành cho mình, tất cả họ đều vì yêu quý, mến mộ và kính trọng ông mà đến. Ban tổ chức chương trình cũng không khỏi bất ngờ vì lượng độc giả đến tham dự quá đông, ước tính hơn 100 người đã ghé đến buổi này, ai ai cũng háo hức được gặp nhà văn Nguyên Ngọc.
Không khí thân mật tại buổi tọa đàm “Giao thoa văn hóa Việt – Pháp đầu thế kỷ 20, dưới góc nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc – Nhân dịp ra mắt tác phẩm “Dọc đường”.
Đặc biệt là những người đồng đội cũ, những người bạn lâu năm của nhà văn đã đến từ rất sớm, những cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng đong đầy cảm xúc “em sắp vào Hội An thăm anh”, “anh nhận ra em chứ?”… Và cũng có những tiếc nuối, bởi vì lý do sức khỏe nhà văn Nguyên Ngọc không thể ra Hà Nội tham dự buổi gặp mặt trực tiếp, qua màn hình lớn kết nối với ông, dịch giả Nguyễn Nam Trân thoáng buồn: “Hôm nay vợ chồng tôi lặn lội đến đây để gặp anh mà không thấy…”.
Các độc giả trao đổi, chia sẻ những câu chuyện về nhà văn Nguyên Ngọc.
Một độc giả đứng tuổi đã vô cùng sửng sốt: “Không ngờ sự kiện văn chương lại có nhiều người đi nghe thế này”. Một bậc lão niên cũng hết sức cảm thán: “Hội thảo này rất ấn tượng với tôi vì rất nhiều trẻ con… xin lỗi các cháu, ý bác là những bạn trẻ…” bởi ông không khỏi thắc mắc bởi một buổi trò chuyện mang tính chuyên ngành như thế này mà lại có nhiều người trẻ quan tâm đến thế?
Các độc giả trẻ đến tham dự buổi tọa đàm với thái độ nghiêm túc và ghi chép cẩn thận.
Sự kiện thu hút được rất nhiều độc giả trẻ đến tham dự, một bạn nữ chia sẻ bằng một chất giọng hơi run vì xúc động: “Lần đầu tiên chúng cháu được tiếp xúc với lượng kiến thức mới, cháu rất cảm ơn và vô cùng ngưỡng mộ các bác, chúng cháu chỉ mong muốn giữ gìn những di sản của nước nhà. Cháu rất hy vọng có thêm nhiều cơ hội để được lắng nghe…”. Một bạn đọc đang là học sinh một trường THPT chuyên tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Nhờ đến nghe các chú, các bác mà cháu biết thêm nhiều về những nhân vật mà trước đây cháu chỉ biết thoáng qua trong sách giáo khoa”.
Nhà văn Nguyên Ngọc vô cùng xúc động trước tình cảm của đông đảo độc giả dành cho mình.
Hơn một buổi tọa đàm và thảo luận, sự kiện này diễn ra vô cùng ấm cúng và thân mật như một buổi gặp mặt và tri ân. Các cuộc trò chuyện diễn ra ngoài thời lượng đã định, người già, người trẻ hỏi han, chia sẻ kiến thức cho nhau thật sôi động, thật chân tình.
Những “người khổng lồ” bị “lãng quên” của Nguyên Ngọc
Nhà văn Nguyên Ngọc khi nói về đam mê chuyển động của mình, ông cho rằng nó có hai nghĩa. Trước hết đó là chuyển động về mặt vật chất hay như Nguyễn Tuân gọi là “xê dịch”. Từ hồi trẻ ông đã luôn mong muốn, cố gắng làm sao trong cuộc đời mình đi cho hết đất nước Việt Nam và ông đã làm được. Dải đất hình chữ S đã in dấu chân của ông, từ những vùng điểm đầu của Tổ quốc cho đến các huyện đảo, các vùng sông nước Nam Bộ ông đều đã đi qua.
Ở ông còn một chuyển động nữa đó là chuyển động trong suy nghĩ, đó là sự kéo dài nhân rộng các suy tư qua mỗi chuyến đi, qua dọc đường suốt 90 năm của mình. Ông mải mê ‘xê dịch” trong không gian địa lý và cũng không ngừng “xê dịch”, trăn trở trong suy nghĩ của mình.
Các diễn giả dành nhiều thời gian trao đổi về quá trình giao thoa văn hóa Việt – Pháp đầu thế kỷ 20.
Diễn gia Mai Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi muốn nói một điều rất thật lòng và không hề khiêm tốn một chút nào, đọc những gì Nguyên Ngọc đã viết, chứng kiến những gì ông đã trải qua trong suốt 90 năm của cuộc đời tôi thấy rằng mình rất nhỏ bé, thậm chí là rất nhạt nhẽo để có thể bình luận về những gì ông đã viết, đã suy tư”.
Diễn gia Mai Anh Tuấn đã có những chia sẻ rất chân thành về nhà văn Nguyên Ngọc.
Nhà Văn Nguyên Ngọc sinh ra và lớn lên khi cách mạng đã bắt đầu diễn ra, sống trong sự giao thoa văn hóa Pháp – Việt, từ những vốn liếng về tiếng Pháp ít ỏi đã thôi thúc ông tự học không ngừng. Cảm hứng lớn, suy tư lớn của Nguyên Ngọc về quá trình giao thoa văn hóa Pháp – Việt không phải những gì xa vời mà ông đã khai thác được từ những chân dung cá nhân của những con người có thật trong lịch sử.
Đây là một góc nhìn đặc biệt của Nguyên Ngọc, ông cho rằng nền đại học phong kiến đã tạo ra Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can, Phan Đình Phùng và chính nền đại học đó tạo nên những con người độc lập. Ông nói: “chúng ta có một loạt các nhà Hán học uyên thâm tiếp nhận được tri thức Tây học, và để từ những đỉnh cao này đi đến những đỉnh cao khác nữa”. Như vậy, Nguyên Ngọc đã tôn vinh những người khổng lồ đó, những người khổng lồ trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Nguyên Ngọc có cảm hứng lớn đối với những chân dung có phần khuất lấp trong lịch sử. Việc chọn những nhân vật có phần khuất lấp đó trở lại là một thái độ dũng cảm của Nguyên Ngọc khi ông cố gắng trở lại với sự công bằng của lịch sử, sự công bằng của văn hóa. Ông ghi nhận những con người đã tạo ra những canh tân về mặt tư tưởng, ông đánh giá cao họ.
Tập bút ký “Dọc đường” của nhà văn Nguyên Ngọc.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng nguyên nhân căn cốt để tạo ra những con người khổng lồ thế kỷ 20 đó là sự đa văn hóa, một sự va chạm từ đỉnh cao này của hán học sang đỉnh cao khác là tây học và sự va chạm đó khi được giới tinh hoa tiếp nhận, bằng tinh thần yêu nước, bằng ý thức thay đổi xã hội tốt đẹp hơn, bằng sự cụ thể hóa qua hành động của họ.
Khi nhìn vào những chân dung đó ông không khái quát họ một cách chung chung mà ông bắt được những điểm nổi bật nhất của họ, điểm mà ông cho rằng có thể đem lại những suy tư, những suy nghĩ nào đó cho chúng ta ngày hôm nay. Ông đã không quên nhắn nhủ điều này trong tác phẩm “Dọc đường”: “Hãy cầm cuốn sách này trên tay và trân trọng đọc kỹ từng dòng của người xưa. Bạn đang làm một hành động chiêu tuyết đẹp đẽ mà cuộc sống giao cho chúng ta hôm nay đấy”.
“Dọc đường” là cuốn sách tập hợp 34 bài viết và ghi chép của Nguyên Ngọc qua một hành trình sống đầy ắp những trải nghiệm. Cuốn sách gồm hai phần, một là những bài viết liên quan đến các hoạt động văn hóa văn chương của Nguyên Ngọc, hai là những đoạn trích từ cuốn hồi ký của đời ông. Trong đó, sự giao thoa văn hóa Việt – Pháp đầu thế kỷ hai mươi và các gương mặt trí thức của thời kỳ đó là một phần nổi bật trong tập bút ký của ông. |