Nhiều người sẽ lại nghĩ đến Conan sau khi đọc quyển này, cũng như đã tuần với hai quyển khác, thuộc thời kỳ sáng tác đầu của Higashino Keigo là Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei và Vụ án mạng 11 chữ. Cũng không có gì lạ khi đây lại là một câu chuyện trinh thám thuần tuý, cổ điển, một vụ án mạng trong phòng kín, chứ không được lồng ghép những vấn đề tiến thoái lưỡng nan như các tác phẩm sau này.
Conan sắp cán mốc 100 tập, và với chừng ấy vụ án, mình tin rằng sẽ là khả thi về mặt kỹ thuật để lập một thư viện hình ảnh các nhân vật đủ mọi thành phần với nhiều góc hình động khác nhau, cũng như đủ loại bối cảnh, để từ đó ai cũng có thể sáng tác Conan dựa trên một kịch bản bất kỳ, hay cụ thể là quyển này.
Mình nghĩ đến điều này sau khi đọc xong Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba, do lẽ có thể dễ dàng hình dung hình ảnh tương ứng trong Conan với các nhân vật trong sách: hai nữ chính, một cặp lão niên, một ông chủ nhà khách, tay bếp, cô cậu nhân viên phục vụ, các lữ khách, bà quả phụ + bối cảnh nhà khách ở nơi tuyết rơi, những lâu đài, dinh thự cổ xưa…
Tác phẩm mở đầu quen thuộc: một cô sinh viên rủ bạn đến 1 nhà khách xa xôi để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của người anh, mà cảnh sát đã kết luận là tự tử. Khi đến nơi, án mạng sẽ nối tiếp, và họ sẽ vào vai thám tử – giải mã án mạng dựa vào bí ẩn nằm trong một bài đồng dao Anh quốc. Cách suy luận trong sách chủ yếu xoay quanh tính ì tâm lý, tức suy nghĩ theo quán tính, chỉ cần thử “nghĩ ngoài chiếc hộp” thì biết đâu lại thấy chìa khoá. Câu chuyện hấp dẫn vừa phải; không có cái thôi thúc phải đọc cho mau, nhưng đủ để ta tò mò về cái kết. Và tác giả không phụ khi phần cuối cùng, sau khi mọi thứ đã được giải quyết, mới là hay nhất.
Mình ít khi so sánh một tác phẩm cụ thể của một tác giả với những quyển khác – những quyển gọi là làm nên tên tuổi của họ. Sách Keigo ở VN đã hơn 20 quyển rồi, và quyển này theo
mình đáng để cho vào bộ sưu tập.