Mẹ giết con – bi kịch tàn khốc hay tính nhân văn nơi sự thật trần trụi?
Chị đang ngồi xổm trong vườn, thế rồi chị nhận ra cái mũ của ông thầy, chị nghe thấy tiếng đập cánh. Những con chim ruồi nhỏ xíu cắm cái mỏ xuyên qua khăn đội đầu vào tóc chị và đập cánh. Nếu chị có nghĩ gì thì đó là Không. Không Không Không. Không Không Không. Chị cứ vậy mà phóng như bay nhặt nhạnh từng miếng sự sống chị đã tạo ra, tất cả những phần quý giá đẹp đẽ tử tế nhất nơi chị, rồi ẵm, xô, kéo chúng đi xuyên qua tấm mạng, đi ra, đi xa tới bên kia nơi không ai làm hại chúng được. Bên kia. Ở bên ngoài nơi này, nơi chúng sẽ được an toàn.
Khi nhận ra chiếc mũ quen thuộc của ông thầy và “thằng cháu đã bú sữa của chị trong khi thằng em nó đã đè chị xuống” cùng với ông cảnh sát trưởng đến để bắt nô lệ, Sethe thảng thốt và chị không nghĩ gì nhiều mà chỉ gom nhặt tất cả những sự sống chị tạo ra để tránh xa khỏi “cái khủng khiếp” mà chúng sắp phải đối mặt. Tất cả những ý nghĩ trong đầu của chị lúc ấy duy chỉ có một chữ “Không”. Không. Những đứa con của chị không thể bị bắt đi làm nô lệ. Những đứa con của chị không thể sống một cuộc đời nô lệ đày đọa như chị đã từng. Chị chỉ nghĩ có thế rồi chạy như bay vào nhà kho cùng với những đứa con của mình với mục đích duy nhất là để chúng đi tới nơi mà “không ai làm hại chúng được”.
Việc của em không phải là biết cái gì khủng khiếp hơn. Việc của em là biết cái gì khủng khiếp và giữ cho con em tránh xa cái em biết là khủng khiếp.
Đó chính là suy nghĩ của một người mẹ với tất cả tình yêu thương của mình dành cho những đứa con. Chị dằn vặt giữa việc giữ chúng tránh xa cuộc đời nô lệ như chị hay việc giết chúng. Sethe biết tương lai khủng khiếp đang chờ đón những đứa con của mình nên chị chỉ có một ước muốn duy nhất rằng giữ chúng tránh xa “những điều khủng khiếp” ấy bằng cách giết chúng – mang chúng đến bên ngoài kia, nơi an toàn hơn, nơi không ai làm hại chúng được.
Bên trong, hai thằng bé đang chảy máu ở giữa đống mùn cưa và đất bụi dưới chân một người mẹ da đen một tay ôm đứa bé đầm đìa máu vào ngực còn tay kia túm hai chân mọt đứa trẻ sơ sinh. Chị ta không nhìn chúng; chị ta chỉ vung đứa bé về phía ván tường, nhưng trật và có vung lần nữa,…
Tất thảy những bà mẹ trên thế giới này đều yêu con vô điều kiện và mong chúng được khỏe mạnh vui cười, thế nhưng ở bên trong một nhà kho đầy mùn cưa lại có bà mẹ đang cưa cổ đứa con hai-tuổi-chưa-biết-bò-đấy-ư? của mình và đâm hai đứa con trai lớn cùng với việc cho đứa mới sinh uống sữa hòa máu của chị nó. Chúng ta nghẹn lòng cảm thấy tim mình đau nhói khi đọc đến những dòng này. Một người mẹ mà lại đi giết con mình thế ư? Một người mẹ sao có thể tự tay giết chết những đứa con mà mình dứt ruột sinh ra? Một người mẹ sao có thể nhẫn tâm đến thế? Nhưng “với tình mẫu tử, vào lúc bình minh của đời người, cuộc sống hứa với bạn điều mà nó không bao giờ thực hiện.” (Lời hứa lúc bình minh – Romain Gary).
Chỗ mẹ sống trước khi đến đây, nơi đó có thật. Nó sẽ không bao giờ tan biến đi. Dù cho cả trang trại – từng ngọn cây lá cỏ ở đó có héo tàn. Hình ảnh của nó vẫn cứ còn ở đó – con, người chưa từng ở đó – nếu con đến đó, đứng ở nơi từng là trang trại, nó sẽ diễn ra một lần nữa; nó sẽ ở đó vì con, chờ con. Vậy nên, Denver này, con không bao giờ được đến đó. Không bao giờ. Vì dù cho mọi chuyện đó đã qua – đã xong hẳn rồi – nó vẫn sẽ luôn ở đó chờ con. Đó là lý do vì sao mẹ phải đưa hết các con ra khỏi đó. Bất kể ra sao.
Sethe biết rằng nếu các con mình đến nơi “từng là trang trại” đó, “nó sẽ diễn ra một lần nữa, nó sẽ ở đó chờ con” nên chị thà giết con còn hơn là để chúng sống trong dơ bẩn và tàn bạo với cuộc đời của một nô lệ. Đó chính là một bi kịch tàn khốc mà một người mẹ đến tận cùng đớn đau phải lựa chọn hoặc là để những đứa con của mình sống mà làm nô lệ đến cuối đời hoặc là giết chúng để giúp chúng được giải thoát cuộc đời đau khổ ở tầng lớp dưới đáy của xã hội. Đó chính là bi kịch tàn khốc mà một người mẹ phải lựa chọn. Nếu chúng sống, chúng sẽ sống để người khác đày đọa, sỉ nhục, coi thường. Nếu chúng chết, chúng sẽ được giải thoát và nuôi nấng nỗi hận thù trong lòng với mẹ chúng – người chính tay giết chúng. Bi kịch của người mẹ ấy là chọn chấp nhận lòng hận thù của những đứa con còn hơn là để chúng sống cuộc đời nô lệ bị dày vò trong sự dơ bẩn và tàn bạo: “chết sớm như một kẻ giết người hoặc chết chậm như một nô lệ bị đối xử tàn ác” (Nguồn gốc của ngoại tộc – Toni Morrison) Có chăng nếu ở vào hoàn cảnh của Sethe, chúng ta cũng sẽ lựa chọn như vậy?
Nếu mẹ không giết con thì con sẽ chết ra sao?
Nếu mẹ không giết con, thì con sẽ chết như một nô lệ mà chẳng ai đoái hoài. Câu hỏi ấy luôn làm người đọc nhức nhối sâu thẳm trong trái tim. Chúng ta tự hỏi rằng “Yêu dấu” liệu có lặp lại cuộc đời của Sethe nếu nó còn sống? Chẳng ai có thể tượng tưởng nổi con mình sẽ lại sống một cuộc đời nô lệ dơ bẩn và tàn bạo như mình đã từng trải qua. Có lẽ người mẹ ấy vì đã đủ trải qua những đau khổ, những tủi nhục và đắng cay bởi thân phận nô lệ mà muốn con mình thoát khỏi kiếp sống ấy. Hành động giết con của Sethe không chỉ là bi kịch mà còn là một hành động mang đầy tính nhân văn nơi sự thật trần trụi. Chị thà rằng mình mang tiếng xấu, thà rằng phải chịu nỗi uất hận của đứa con còn hơn là để nó sống cuộc đời nô lệ. Hành động ấy của người mẹ mang đầy tính nhân văn với đứa con của mình. Bởi chúng ta chẳng thể biết đứa trẻ hai tuổi mới-biết-bò-đấy-ư? sẽ kết thúc cuộc sống bằng cách nào. Liệu sẽ bị bắt và xử bắn vì tội bỏ trốn; hành hạ, đánh đập đến chết hay sẽ bị làm nhục đến chết? Chết dưới tình yêu của mẹ còn hơn là chết vì đau khổ của cuộc đời nô lệ.
Sethe – Một vẻ đẹp không trọn vẹn trong mắt Paul D
Anh cọ má lên lưng chị và bằng cách nào đó biết được nỗi khổ não của chị, cội nguồn gốc rễ của nó; cái thân rộng với cành nhánh chằng chịt của nó;… Và khi phần trên áo đã tụt xuống quanh hông cho anh nhìn thấy tấm lưng chị đã biến thành bức phù điêu, như tác phẩm trang trí của một thợ rèn quá mãnh liệt mà không thể đem trưng bày… và anh sẽ không yên lòng cho đến chừng nào miệng anh chạm vào từng ngọn cây, chiếc lá đó…
Paul D vốn không yên lòng và phải thầm thốt lên trong đầu khi nhìn thấy vết sẹo hình cái cây trên lưng Sethe, anh hôn chúng mặc chị chẳng cảm thấy nụ hôn nào bởi da lưng chị đã chết từ lâu. Trong khi Sethe tự ti về bản thân mình thì Paul D lại thấy yêu vết sẹo hình cái cây và cảm thấy chúng “đẹp như một bức phù điêu” dù chúng nhìn chẳng giống cái cây cho lắm. Anh muốn hôn lên từng ngọn cây chiếc lá thì mới cảm thấy yên lòng trước sự xót xa của mình với Sethe. Với Paul D, vết sẹo của Sethe như một “tác phẩm của người thợ rèn trang trí quá mãnh liệt mà không thể đem trưng bày.” và anh thấy mình yêu vết sẹo ấy, như yêu vẻ đẹp của chị.
Mắt Sethe nhắm, tóc rối bù, nhìn thế này thiếu đi đôi mắt loang loáng, mặt chị không hấp dẫn gì lắm. Nên chắc hẳn chính đôi mắt chị là điều khiến anh vừa dè chừng vừa nao lòng. Không có đôi mắt thì khuôn mặt chị cũng nhu mì – một gương mặt anh đối phó được. Có lẽ nếu chị cứ nhắm mắt lại như thế… Nhưng không, còn cái miệng. Đẹp. Halle chẳng bao giờ biết mình có gì.
Paul D thầm trách Halle vì chẳng hề nhận ra vẻ đẹp của Sethe. Vẻ đẹp của chị nằm ở đôi mắt và cái miệng. Đôi mắt chị loang loáng mà Paul D đã mơ ước bấy lâu. Anh nhìn chị bằng những cái nhìn trìu mến mà không một người đàn ông nào nhìn chị. Paul D vẫn luôn nhìn thấy vẻ đẹp trên khuôn mặt Sethe mà chẳng ai nhìn thấy. Sethe đẹp bởi có những thứ riêng mà chẳng ai có được mặc chị tự vẽ ra bức vẽ “cho thấy chị ắt hẳn phải trông xấu xí đến mức nào hiện ra trong trí óc chị.”
Em là thứ tốt đẹp nhất của em, Sethe. Em đấy!
Sau tất cả những sự việc xảy ra, Paul D vẫn luôn nhận ra được thứ tốt đẹp của Sethe dù “anh nhìn chăm chăm tấm chăn chần nhưng lại nghĩ về tấm lưng rèn sắt của chị; cái miệng ngon lành vẫn còn sưng phồng bên khóe do nắm đấm của Ella. Đôi mắt đen rắn lạnh. Cái áo ướt bốc hơi trước lò lửa,..” Anh vẫn luôn nhìn thấy vẻ đẹp ấy dù Sethe có không trọn vẹn đến mức nào đi chăng nữa. Với anh, chị vẫn luôn là điều tốt đẹp nhất của chính bản thân mình mà không phải một người nào đem đến.