Nếu ai đã đọc và yêu thích 451 độ F – cuốn tiểu thuyết phản địa đàng nổi tiếng của Ray Bradbury thì mình tin là cũng sẽ thích cuốn này. Cá nhân mình thì không đến nổi quá thích cuốn 451 độ F, chỉ là với mình nó là một món ăn lạ và độc đáo vì mình rất ít khi đọc các tác phẩm phản địa đàng nhưng với cuốn này thì thực sự nó khiến mình phải mắt chữ A mồm chữ O rất rất nhiều lần vì cái tầm nhìn và cách tác giả sáng tạo một thế giới tương lai u ám, nó chân thực và đáng sợ đến từng centimet trên giây. Trước bác này thì mình có đọc một vài tác phẩm về khoa học viễn tưởng (gần nhất là tác phẩm Người về từ Sao Hỏa của Andy Weir và Người máy có mơ về cừu điện của Philip K. Dick ) nhưng khi đọc tới tác phẩm của Ray Bradbury thì mình phải hoàn toàn công nhận tài năng viết truyện khoa học viễn tưởng masterpiece của bác này.
Người minh họa là tập truyện ngắn gồm 18 câu chuyện về tương lai của Trái Đất và khoa học vũ trụ, khi mà loài người phát triển công nghệ vượt bậc để phục vụ cho đời sống của mình, tiến ra chinh phục các hành tinh khác. Điều khiến mình phải trầm trồ thán phục chính là bối cảnh các câu chuyện đều ở một tương lai xa lắc, thế nhưng được viết vào thập niên 40, 50 của thế kỷ 20, điều đó cho thấy sức tưởng tượng của tác giả đã đi trước thời đại rất nhiều. 18 câu chuyện là ý nghĩa của 18 hình xăm chuyển động trên cơ thể người đàn ông – nhân vật chính của tác phẩm, tưởng không liên quan nhưng tựu chung lại, nội dung chính mà Ray Bradbury muốn chuyển tải thông qua các truyện ngắn này chính là tính người và những suy nghĩ, cảm xúc, nỗi sợ, phản ứng của con người trước các hoàn cảnh ngặt nghèo mà họ bị đẩy vào. Kể cả đó là lúc công nghệ và kỹ thuật đã đang ở đỉnh cao của nhân loại, phi thuyền quần thảo khắp không gian, con người đã định cư ở sao Hoả và đổ bộ đến sao Kim, nơi những cỗ máy lạ lẫm chiếm lĩnh nền văn minh… thì chúng ta vẫn là những sinh vật đầy phức tạp, với những hành động, quyết định đặc trưng cho bản chất và sự không hoàn hảo của mình.
Nếu hỏi mình ấn tượng nhất câu chuyện nào trong số 18 câu chuyện được kể thì mình xin mạnh dạn high recommend mọi người câu chuyện đầu tiên luôn. Câu chuyện đầu tiên cho ta thấy sự nguy hại khi tương lai đem theo những chiếc máy quá tiện lợi, khiến con người quên đi cách tự làm mọi công việc hàng ngày một cách tự nhiên. Ngay cả ăn uống, buộc dây giày, vẽ tranh… cũng đã có máy móc làm cho. Và cả căn nhà của bạn sẽ chăm sóc cho bạn bằng cả một hệ thống vận hành tinh vi, việc bạn cần làm chỉ là tồn tại qua ngày (trời ơi thiệt sự khi đọc cuốn này mình chỉ tưởng tượng một ngày Netflix chuyển thể mấy câu chuyện này thành phim như kiểu “Black Mirror” chắc là coi đã cái nư lắm). Thậm chí bạn không cần đi đâu xa xôi để du lịch, chỉ cần ở nhà và lắp đặt một căn phòng với các màn hình chiếu những hình ảnh các vùng đất khác nhau mà bạn NGHĨ TỚI… Câu chuyện kể về một gia đình có 2 con, và khỏi phải nói thì mọi người cũng đoán được là 2 đứa nhỏ nó mê cái công nghệ hay chính xác là cái căn nhà này như thế nào, thậm chí tụi nó còn có tình cảm với căn nhà hơn là với hai người đẻ ra nó… Và cái kết phải nói là đỉnh của chóp.
Mình không biết viết phần kết cho review này như thế nào. Mình đã không hề biết đây là tập truyện ngắn cho đến khi bắt đầu đọc nó, mình được tặng và lấy ra đọc ngẫu nhiên với tư thế sẽ đọc một cuốn tiểu thuyết kinh điển mới (gần đây thì mình ưu tiên đọc văn học kinh điển hơn so với các đầu sách thuộc thể loại khác) và thật bất ngờ khi chỉ mới đọc bìa sau và biết nó là của tác giả “451 độ F” thì mình biết là sẽ phải đọc cho hết cuốn này. Tuy nhiên do chưa chuẩn bị tinh thần trước nên mình đã có một chút shock nhẹ, phải tạm ngưng giữa chừng vì không thể tiếp nhận bất cứ điều gì tiếp theo. Cuốn sách thì mỏng nhưng cái viễn cảnh và nội dung của nó thì quá khổng lồ khiến mình bị choáng ngợp. Mình chưa từng nghĩ sẽ thích truyện viễn tưởng, liên quan tới vũ trụ và các thứ vĩ mô khác, cho tới khi đọc Người minh họa. Nếu bạn đã thích 451 độ F, bạn sẽ không cưỡng lại được Người minh họa (trong Người minh họa cũng có nhắc lại viễn cảnh nhân loại hắt hủi và hủy hoại sách giấy như trong 451 độ F). Cá nhân mình thì bây giờ mình lại thích Ray Bradbury mới chết. Ngắn gọn, lạnh lùng – nhưng day dứt và ám ảnh!
Review của độc giả Nguyễn Thanh Quang – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
Người minh họa | http://bit.ly/nguoiminhhoaNhaNam | http://bit.ly/nguoiminhhoaTK | http://bit.ly/nguoiminhhoaFHS |