REVIEW SÁCH “BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI” – Han Kang

REVIEW SÁCH “BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI” – Han Kang

Sau khi bạn chết, chẳng thể nào có được lễ tang.

Cuộc đời tôi sẽ trở thành lễ tang của bạn.

Phong Trào Dân chủ Gwangju là cuộc nổi dậy đại chúng ở thành phố Gwangju từ ngày 18 tháng 5 đến ngày 27 năm 1980. Ước tính tầm 2,000 người chết. Trong thời kỳ này, dân Gwangju vũ trang bản thân bằng cách cướp các xưởng vũ khí, cục cảnh sát địa phương, khi sinh viên Trường Đại Học Chonnam địa phương biểu tình chống chính phủ luật giới nghiêm bị quân lính bắn, giết, hiếp dâm và đánh đập. (Nguồn: Wikipedia)

Bản chất của người lấy Phong Trào Dân chủ ở Gwangju năm 1980 làm bối cảnh. Quyển sách được chia thành nhiều chương nhỏ. Mỗi chương được kể dưới cái nhìn của những nhân vật khác nhau.

Họ là nạn nhân trong cuộc đàn áp đẫm máu của lính Hàn. Khi những viên đạn chì được xả xuống người dân thành phố, không khoan nhượng, không ngập ngừng. Xác người la liệt trên đường lớn, quân lính thu gom xác bỏ lên xe tải quân dụng rồi chở về khu tập kết. Linh hồn của những người đã chết lượn lờ. Ngày qua ngày yên lặng nhìn chằm chằm gương mặt chính mình phân hủy. Nhìn những người lính mặc quân phục rằn ri, đầu đội mũ sắt, cứ cuối ngày lại khiên xác người mang về khu tập kết. Sau đó với vẻ mặt vô cảm mà xếp xác chồng chất lên nhau theo hình chữ thập. Đến khi khu tập kết đầy kín xác người và mùi hôi thối xộc lên không cách nào chịu nổi. Họ sẽ rưới dầu hỏa lên tháp xác người và bắt đầu châm lửa. Những mảng linh hồn bị trói buộc vào mớ xác thịt đã bắt đầu thối rữa chập chờn. Giây phút nhìn thấy thân thể mình rực cháy, những thớ thịt tím bầm lúc nhúc dòi bọ co quắp lại. Những linh hồn hư ảo như hơi sương khẽ lay động, cuộc đời họ từng sống vụt qua trong tâm trí. Và cả cái khoảnh khắc buốt rát khi viên đạn chì nóng rực xuyên vào da thịt, khi những lưỡi lê và báng súng bổ xuống không ngừng. Và khi họ trút hơi thở cuối cùng trong cơn đau quằn quại mà chẳng hiểu tại sao mình phải chết.

Tôi nghĩ tới mạn sườn mình đang thối rữa

Tôi nghĩ tới viên đạn đã xuyên thủng mạn sườn đó.

Giá như có thể nhắm mắt lại

Giá như có thể trốn vào trong mơ.

Mà không, trốn vào trong ký ức cũng được.

Quyển sách này của Han Kang ám ảnh tôi rất nhiều. Trong khoảng thời gian tôi đọc sách, vì quá bận rộn với công việc mà chẳng có cơ hội đọc một lần cho trọn vẹn. Những đêm sau mỗi chương sách ngắn mà tôi thu xếp được thời gian để đọc, tôi không cách nào ngủ cho yên giấc. Trong mơ, tôi cứ chập chờn nhìn thấy hình ảnh xác người bị quân lính kéo lê ném vào xe tải. Hay hình ảnh những chiếc quan tài màu đen đặt cạnh nhau bên trong Nhà thi đấu. Hình ảnh những ngọn nến cắm vào chai rỗng đặt trên nắp quan tài chiếu sáng cả đêm đen.

Và tôi mơ về cậu. Đứa trẻ mười sáu tuổi mặc quần thể dục xanh lam và áo quân sự khoác ngoài. Thân hình nhỏ nhắn cầm quyển sổ tay thoắt đi thoắt lại giữa những xác người mà dân quân thành phố giành lại được từ tay quân đội. Đứa trẻ mười sáu tuổi run rẩy nép vào con hẻm với đôi chân cứng đờ như chẳng thuộc về bản thân. Mắt cậu dại đi giây phút nhìn thân xác bạn mình bị quân lính chất vào xe tải. Nỗi nhục nhã và ân hận vì đã bỏ chạy vào giây phút đó. Sự hổ thẹn đeo bám và nhấn chím cậu trong suốt những ngày dài. Không cách nào quên được.

Mình sẽ không tha thứ. Mình sẽ không tha thứ cho bất cứ điều gì. Kể cả bản thân mình.

Cậu chết. Vào cái đêm bọn họ cố thủ ở Ủy Ban khi quân đội tràn vào. Để lại nỗi tiếc hận găm vào lòng những người còn sống. Một người mẹ cả đời ngẩn ngơ điên dại. Một người anh trai với nỗi hận thù được nuôi dưỡng bằng chính những bất lực từ cái đêm đã chẳng dứt khoát kéo câu về nhà. Kẻ thù của bọn họ là Chính phủ, chung quy ai cũng chẳng thể làm gì.

Không hiểu vì sao tôi cứ nghĩ về cậu mãi. Cậu nhóc mười sáu tầm tuổi em tôi. Những ngọn nến hằng đêm cậu đặt bên trên những cỗ quan tài màu đen lạnh lẽo. Khi viên đạn từ nòng súng nóng rực của quân giới nghiêm ghim vào người cậu. Khi hắn cười khanh khách quay sang làm vẻ mặt đắc ý với đồng đội của mình. Tôi bỗng tự hỏi tại sao con người lại có thể tàn ác và ngu ngốc đến nhường ấy.

“Sau khi bạn chết, chẳng thể nào có được lễ tang.

Cuộc đời tôi sẽ trở thành lễ tang của bạn.”

Và tôi bắt đầu khóc. Nước mắt cứ vậy mà rơi mãi không ngừng.

Tôi không hiểu.

Có lẽ một người sinh ra và lớn lên trong xã hội nơi nhân quyền được tôn trọng như tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được quyết định của mọi người lúc đó. Những đứa trẻ mười lăm mười sáu tuổi, ăn chưa no lo chưa tới liệu đã hiểu được thế nào là hy sinh, là quyết tử. Đêm đó, máu chảy ồng ộc thành tiếng xuống hành lang. Thậm chí những người ở lại Ủy Ban đã chẳng một ai dám bóp cò khẩu súng. Họ đứng đó, ngây dại nhìn quân lính tiến vào cùng tám trăm ngàn viên đạn. Những người còn sống nằm úp sấp xuống sàn hành lang, nhìn màu đỏ lan ra trước mắt. Máu, khắp nơi đều là máu. Dòng máu chảy ra từ thân thể những người mà mới đây mình vẫn mặt đối mặt chuyện trò. Những đứa trẻ khoác trên vai cây súng mình chẳng thể dùng. Thứ đổi lại, là sinh mạng.

Đối với những người còn sống vào cái đêm máu nhuộm màn đêm đó. Cuộc sống của họ chẳng khác gì địa ngục. Phòng Thẩm Vấn với những giờ tra tấn lặp đi lặp lại mỗi ngày. Những cây bút xoắn vào bàn tay ở cùng một chỗ đến mức lộ cả xương ra. Trong không gian chật hẹp của căn phòng đằng sau song sắt. Gần một trăm con người ngồi san sát vào nhau không chừa kẽ hở. Mùi mồ hôi và chất thải. Vết thương từ những giờ tra tấn không dứt lở loét chẳng thể lành. Và cả cơn đói cồn cào đến mức khiến họ gần như điên dại. Mỗi ngày một lần hai người cùng chia nhau phần cơm ít ỏi. Cơn đói khát như loài sâu bọ nhung nhúc trong dạ dày. Khiến tâm trí họ lu mờ, để rồi ánh mắt nhìn nhau trở nên thù hằn ghét bỏ. Dường như cái đêm sát cánh cùng nhau quyết tử ở Ủy Ban đã trở thành một kí ức mờ ảo xa xôi mà bọn họ đã chẳng cách nào chạm tới. Phòng Thẩm Vấn mới là hiện thực, những cơn đói cồn cào và những đôi mắt đỏ ngầu chẳng khác gì dã thú mới là hiện thực.

Sau này khi được thả. Kí ức về khoảng thời gian ở Phòng Thẩm Vấn vào mùa hè năm đó đã khiến họ không còn có thể sống cuộc sống bình thường. Một số thì điên loạn. Một số khác cố trụ được vài năm, nhưng đến cuối cùng vẫn là chẳng cách nào xóa được hình ảnh chính mình hiện lên như loài súc vật trong cái không khí nóng rực nồng nặc mùi hôi của Phòng Thẩm Vấn. Cả những tiếng la hét cầu xin tha thứ trong những giờ tra tấn không ngừng. Tất cả chồng chất lên kí ức về một bọn họ vào cái đêm cùng ở lại Ủy ban Thành phố trước khi quân lính tràn vào. Máu và thép. Niềm tin và sự nghi hoặc. Cuối cùng, ép họ đến con đường tự sát.

Những người ít ỏi còn sống được như anh, ngày nào cũng một mình chiến đấu.

Tôi chiến đấu với nỗi nhục nhã vì mình đã sống sót, và vì mình vẫn còn đang sống tiếp. Tôi chiến đấu với sự thật rằng mình cũng là con người. Tôi chiến đấu với ý nghĩ rằng chỉ có cái chết mới là con đường duy nhất có thể kéo tôi thoát khỏi sự thật đó.

Đối với tôi, phong trào dân chủ ở Gwangju năm đó vẫn là một cái gì rất vĩ mô thuộc về . Cái tôi biết chỉ là nỗi đau, sự mất mát và những ảm ảnh được truyền tải qua ngòi bút của Han Kang. Nó khiến tôi suy nghĩ về bản chất con người, thông qua rất nhiều câu từ trong sách. Nghĩ về cậu, nghĩ về cô, nghĩ về cả anh và những người đã chết.

Thỉnh thoảng, trong những giờ lơ đãng. Tôi vẫn không tự chủ mà lẩm nhẩm một mình.

“Sau khi bạn chết, chẳng thể nào có được lễ tang.

Cuộc đời tôi sẽ trở thành lễ tang của bạn.”

Giờ đây tôi mong cậu sẽ dẫn lối cho tôi. Tôi mong cậu sẽ dẫn tôi về nơi tươi sáng, về nơi có ánh mặt trời, về nơi hoa nở.

Hồ Chí Minh. 27/9/2020.

Review của độc giả Dương T Phan – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
Bản chất của người http://bit.ly/banchatcuanguoiNhaNam http://bit.ly/34LPWR0 http://bit.ly/2NVwlqK

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *