”NHÀ ẢO THUẬT ĐEN VÀ VỤ ÁN MẠNG TẠI THỊ TRẤN KHÔNG TÊN” – HIGASHINO KEIGO

Review của Phát Nguyễn trong Nhã Nam Reading Club

Có đơn giản chỉ là một quyển sách thông thường?

#review_sách #NhãNam_trinh_thám #HigashinoKeigo

Ngót nghét 36 năm theo đuổi nghiệp viết, cho đến nay phong độ và sức viết của Higashino Keigo vẫn còn khá ổn định. Cứ mỗi khi ông sắp phát hành một tác phẩm mới, lại thấy người ta hào hứng đón chờ và đặt cho nó nhiều kỳ vọng. “Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên” cũng không phải là ngoại lệ. Trước khi đọc tác phẩm này, những nhận xét mà mình dễ thấy nhất ở nó có thể kể đó là: bình thường, không được như mong đợi và không đậm chất trinh thám của Keigo. Tuy nhiên những nhận xét không mấy triển vọng này không làm mình đánh mất niềm tin nơi nó. Ngược lại, mình càng hy vọng rằng sẽ tìm được trong nó những tia sáng của một cuốn sách trinh thám chỉn chu và thú vị. Thật may mắn rằng sau khi trang sách cuối cùng của “Nhà ảo thuật đen…” được gấp lại, mình thở phào nhẹ nhõm vì hài lòng và mình hoàn toàn có thể ngồi đây để nói cho các bạn nghe: những điều khiến mình thấy nó là một tác phẩm đáng đọc!

Đầu tiên, mình xin được xác nhận về ý kiến “Nhà ảo thuật đen…” là một cuốn có cốt truyện trinh thám khá bình thường, không quá độc đáo và ít màu sắc “Keigo” có ở những tác phẩm đặc trưng nhất của ông, là đúng. Tuy nhiên, tới đây mình lại tự đặt câu hỏi: liệu một cuốn sách của Higashino Keigo phải như thế thì mới là tốt? Từ lâu mình đã không còn đặt quá nhiều sự kỳ vọng vào những tác phẩm sau này của ông. Bởi mình hiểu sự đòi hỏi được thưởng thức một tác phẩm “xuất sắc vượt qua mọi kỳ vọng” tiếp theo nữa của Keigo sẽ là hơi khó vì thời hoàng kim đã qua. Với mình cuốn “Nhà ảo thuật đen…” đã làm vừa đủ sứ mệnh của một cuốn sách trinh thám và cho thấy nó còn là một tác phẩm , một quyển tiểu thuyết thông qua việc thoát khỏi bố cục quen thuộc của gây án – phá án hoặc lối viết đặt trọng tâm vào các vụ án mạng.

Để giải thích vì sao quan điểm của mình lại như vậy, chắc cần phải nói nhiều về nhân vật Takeshi – Nhà ảo thuật đen, về cách tác giả giới thiệu, xây dựng nhân vật này. Tuy được giới thiệu là một cuốn sách trinh thám và có cốt truyện xoay quanh vụ án mạng tại một thị trấn không tên ở nước Nhật, nhưng từ tên sách ta có thể đặt sự chú ý nhiều hơn đến nhân vật “Nhà ảo thuật đen”. Từ đó, cần phải xác định nhân vật này có vai trò khá quan trọng và cần dành nhiều sự quan tâm hơn khi đọc. Có thể nói, Takeshi là một trong những mẫu nhân vật thú vị nhất mà Keigo tiên sinh từng khai sinh ra (đối với mình). Mình cho tác giả một điểm cộng thật to cho cái cách mà ông giới thiệu nhân vật này đến với độc giả. Tên sách và phần mở đầu đã cho ta sự tò mò về nhân vật chưa rõ danh tính chỉ biết được qua bí danh “Nhà ảo thuật đen”. Sau đó, tác giả đã đánh lừa cảm giác của mình khi để mình trải qua những chương đầu tiên lê thê, buồn chán với việc giới thiệu những nhân vật khác cùng những sự việc cũng bình thường nốt. Cho đến khi vụ án bắt đầu, khi mình dần nhập tâm vào việc tiếp thu một số tình tiết của vụ án và quên đi mất nhiệm vụ tìm hiểu Nhà ảo thuật đen là ai thì hắn xuất hiện một cách bất ngờ. Thủ thuật này kích thích sự hứng thú của mình cực tốt. Cái sự bất ngờ thú vị đó chính là “phần quà” mà độc giả xứng đáng được thưởng cho quá trình chờ đợi lê thê buồn chán trước đó.

Takeshi là một nhân vật có tính cách thú vị và được tác giả “push” cho một trình độ suy luận khá tốt, khá nhạy bén. Để mình đoán xem, một nhân vật kiểu như vậy chắc chắn sẽ là “cái gai” trong mắt một số người vì được tác giả ưu ái quá đà. Nhưng việc xây dựng nhân vật theo hướng “toàn năng” như vậy trong cuốn sách này của Keigo không bị khiên cưỡng và hoàn toàn là để bổ trợ cho câu chuyện. Chúng ta được theo dõi quá trình suy luận, phá án của một người không phải là cảnh sát hay thám tử, sẽ có rất nhiều điều để khai thác vì vốn dĩ người bình thường khó khăn hơn cảnh sát trong việc thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, trình độ suy luận xuất sắc của Takeshi không hề là một “món quà” mà tác giả ban phát cho nhân vật một cách vô tội vạ mà nó đã được “lót đường” trước và có thể lý giải rằng đó là kinh nghiệm, những ngón nghề do nghề nghiệp cũ mang lại. Thêm vào đó, quá trình điều tra của cảnh sát vẫn diễn ra song song và đạt được nhiều tiến triển tốt, chỉ là ta không thấy được do đang được kể chuyện từ góc nhìn của Takeshi và Mayo. Kể cả cái tính cách kệch cỡm, bổ bã, kiêu ngạo hay có phần ngang ngược của Takeshi cũng được tác giả bố trí để bổ trợ nhiều hơn cho câu chuyện chứ không đơn thuần là chỉ để việc xây dựng tính cách nhân vật được độc đáo hơn. Những hành động của Takeshi đôi khi là vì chú ta thích thế, nhưng đa số đều có mục đích và phù hợp với hướng suy luận. Đơn cử như chuyện nhất quyết không muốn nhiều người thân đến lễ tang anh mình, hơi lạnh lùng nhưng thực chất đây là một cách để thu hẹp danh sách những người thuộc diện tình nghi thông qua “cuốn sổ tang”. Sự xây dựng như thế này khiến nhân vật thú vị hơn và làm giảm bớt đi sự phản cảm. Một nhân vật với tính cách và hành động “đáng ghét” có thể sẽ mất đi ít nhiều thiện cảm, nhưng nếu biết được đằng sau đó là những việc làm có ý nghĩa thì sẽ khiến ta bớt khó chịu hơn.

Một điểm đáng nói nữa là bối cảnh của câu chuyện. Ngay từ đầu thì “Nhà ảo thuật đen…” đã được giới thiệu là một cuốn sách được lấy chất liệu từ thực tế đó là cuộc sống của con người trong đại dịch Covid-19. Thú thật là tầm nửa phần đầu, mình cảm thấy khá khó chịu với điều này vì nghĩ là Higashino Keigo chỉ đang sử dụng Covid-19 để tạo sự thu hút cho tác phẩm của mình và chỉ để hợp với thời cuộc mà thôi. Nhưng sau đó mình nghĩ mình đã sai. Thật sự vai trò của đại dịch trong tác phẩm này quan trọng hơn mình tưởng và nó nằm ở bề sâu chứ không phải bề nổi. Nó ẩn chứa một sự tác động ngầm vào cốt truyện và âm thầm thúc đẩy mọi thứ. Ví dụ, chính vì dịch Covid-19 mà lễ tang của nạn nhân/người quá cố phải được tổ chức theo dạng “đám tang online”, từ đó hỗ trợ cho những người phá án một hướng thu thập chứng cứ khá thú vị. Ngoài ra, Covid-19 còn đem lại cho tác phẩm một tầng giá trị khác mà mình sẽ nói ngay sau đây.

Có thể thấy, cuốn sách đặt nhân vật Nhà ảo thuật đen Takeshi làm trung tâm chứ không phải là vụ án mạng. Vụ án mạng chỉ đóng vai trò là một “biến cố lớn” để đưa nhân vật vào cuộc, cùng với đó là khơi màu cho sự phơi bày của một loạt những câu chuyện. Phần bắt đầu, diễn biến, lẫn phần kết thúc của cuốn sách hầu như là để giới thiệu, trình diễn và hạ màn các tiết mục của Nhà ảo thuật. Bởi thế mà mình đã nói đây là câu chuyện không còn đặc sệt chất trinh thám nữa. Lần đầu tiên mình thấy trong một cuốn sách của Keigo mà khi vụ án đã khép lại, cuốn sách vẫn chưa “hạ màn”. Bao trùm lên tác phẩm là một thông điệp lớn mà bối cảnh “đại dịch” đã góp phần tác động không ít. Cuốn sách đã lên tiếng nói về một vấn đề đó là mối quan hệ giữa người và người trong tình hình đại dịch. Ai cũng biết Covid-19 khiến cho con người ngày càng cách xa nhau trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vậy nên, cuốn sách viết về một vụ án mạng xảy ra trong hoàn cảnh đại dịch đã đánh tiếng cho chúng ta về những lỗ hổng đang âm thầm xé toạc các mối quan hệ. Lấy chất liệu là Covid-19 và mối quan hệ giữa người với người, Higashino Keigo dễ dàng cài cắm các tình tiết như: Thầy giáo Kamio đi Tokyo để hàn gắn tình cảm cho hai vợ chồng học trò cũ bị sứt mẻ tình cảm do ảnh hưởng bởi dịch, từ đó tạo điều kiện cho hung thủ có cơ hội thực hiện kế hoạch; hay chuyện ông chú Takeshi âm thầm để ý và đứng ra “tư vấn tình cảm” cho cô cháu gái,… Những điều này đã khiến mình cảm thấy cuốn sách có giá trị hơn và để bù lại cho một vụ án mạng không quá đặc sắc.

Một điều nữa mà mình nhận thấy ở tác phẩm này của Higashino Keigo là ông đang cố ôm đồm quá nhiều thứ để tạo nên nó. Với gần 600 trang sách (tiếng Việt), Keigo tiên sinh đã phải nghĩ ra một vụ án chính, phải nói lên tình hình dịch bệnh đi kèm là những tác động của nó, phải tạo cho hệ thống nhân vật của mình những câu chuyện riêng và xâu chuỗi lại với nhau cho hợp lí, đồng thời còn đem lại nhiều giá trị cũ trong giải trí. Trong cuốn sách này, dễ dàng nhận thấy ông đã sử dụng nhiều chất liệu quen thuộc như: đầu truyện tranh thuộc hàng quốc dân của Nhật – Doraemon, phong cách phá án quen thuộc của đầu truyện Conan (tập trung nghi phạm lại rồi người phá án lần lượt nêu tên từng người, nêu nghi vấn của người đó rồi giải thích cho đến khi còn lại người cuối cùng là hung thủ), hình tượng ảo thuật gia, mô típ học sinh trở về thăm trường cũ hay những lời thú tội. Tác giả nhào nặn, sử dụng những chất liệu này một cách vừa phải, khéo léo để câu chuyện thú vị hơn và không khiến người đọc (ít nhất là riêng mình) cảm thấy khó chịu. Đây có thể gọi là “lấy cảm hứng” một cách hoàn hảo chứ không phải là “ăn theo” 😃

Cuối cùng, mình muốn nói đây tuy không phải là một “đứa con” quá xuất sắc của Higashino Keigo nhưng nó là tác phẩm chứng tỏ sức viết và phong độ ổn định của ông. “Nhà ảo thuật đen…” cùng những góc độ chưa được khai thác quá sâu của nhân vật Takeshi là một bước đi tốt để tạo đà cho các tác phẩm sau này về nhân vật này giống như kiểu các series của “Thám tử Galileo” hay “Thanh tra Kaga” (nếu ông bác thật sự muốn phát triển thêm). Về phần mình, hy vọng bài review này sẽ làm cho các bạn thay đổi cách nhìn về cuốn sách nếu bạn chưa hài lòng về nó nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *