TTO – Giáo sư Annette M. Kim vừa trở lại với bạn đọc Việt Nam bằng tập sách độc đáo và hấp dẫn: Đời sống vỉa hè Sài Gòn.
Gọi là trở lại, vì từ tám năm trước, mối quan tâm về vỉa hè Sài Gòn từ Annette M. Kim – một chuyên gia không gian đô thị – từng được giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ. Nay công trình nghiên cứu của Annette M. Kim đã hoàn tất, được Nhã Nam và NXB Dân Trí xuất bản như một ấn phẩm “tôn vinh TP.HCM trong cuộc sống thường nhật”.
Vỉa hè vốn là không gian gợi nhiều cảm hứng cho giới viết lách Việt Nam: các nhà văn nhà báo như Bình Nguyên Lộc, Triều Đẩu từng đã có các thiên ký sự, tâm tình thật hay về vỉa hè ở cả Hà Nội và Sài Gòn.
Nhưng tiếp cận vỉa hè như một phần quan trọng của không gian đô thị, lại là đô thị đặc thù của Việt Nam như Sài Gòn, thì công trình của Annette M. Kim thực sự công phu và không chỉ đắc dụng về nội dung mà các tầng ý nghĩa từ thông điệp của tác phẩm này gửi đến người đọc cũng thật đáng trân trọng.
Đời sống từ vỉa hè của một bộ phận cư dân là phần hiển nhiên không riêng với quốc gia nào. Có điều, cách nhìn về cùng vấn đề này không phải lúc nào cũng gặp nhau do thiếu quan tâm đến yếu tố nhân văn: vỉa hè là nơi bao bọc, nâng đỡ biết bao phận người đang sống nhờ vào đó. Thật may, yếu tố này lại là lý do chính để một nữ giáo sư từ Mỹ không chỉ quan tâm sâu sắc đến không gian sống là vỉa hè, mà còn dành tình cảm đặc biệt cho đời sống của người dân nơi đây.
Đặc biệt không chỉ trong cách tiếp cận cái thế giới sinh hoạt “vừa năng động vừa lười biếng” này bằng một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và công phu, mà nói như nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng: “Cô nghiên cứu những không gian ấy bằng tư duy của một học giả chính sách công nhưng chuyển tải chúng bằng góc nhìn của một chuyên gia về nghệ thuật thị giác”.
Cho nên, bạn đọc không chỉ tìm thấy ở Đời sống vỉa hè Sài Gòn những thông tin phân tích, đề xuất, gợi ý quan trọng về chính sách quy hoạch đô thị mà còn bắt gặp những nét đẹp, những giá trị, những không gian sống đầy thi vị mà nếu một người chỉ chăm chăm vào chuyên môn quy hoạch hoặc chỉ muốn làm sao để đường thông hè thoáng sẽ không thể nào đồng cảm được.
Annette M. Kim nhận ra nét khác biệt của vỉa hè Sài Gòn so với các thành phố khác trên thế giới chính là “mọi người luôn tỏ thái độ đồng cảm với những người bán hàng trên vỉa hè ở Sài Gòn”, hay “các chủ nhà mặt tiền cung cấp điện nước miễn phí, cho họ cất đồ đạc, hàng hóa qua đêm…”.
Tác giả còn ghi nhận cả thái độ tế nhị của chính quyền: “Một số công an sẽ yêu cầu họ di chuyển xuống lòng đường để về mặt lý thuyết họ không còn bán hàng trên vỉa hè nữa, sau đó sẽ để họ yên. Một số công an khác sẽ sơn vạch lên vỉa hè để chia sẻ không gian giữa bãi đậu xe máy, người đi bộ và người bán hàng – một kiểu quy hoạch sử dụng đất vi mô không chính thức”.
Nhưng quan trọng hơn cả là Annette M. Kim đặt không gian vỉa hè Sài Gòn trong cái nhìn tổng quan từ các đô thị khác.
“Các thành phố trên toàn cầu cũng đang nỗ lực giải tỏa vỉa hè. Xã hội đang phải tái thương lượng với nhau về việc sử dụng vỉa hè bởi giờ đây các thành phố đang trở nên đông đúc hơn bao giờ hết… Vỉa hè trở thành nhân tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng với những người có thu nhập thấp và những người thành thị bị gạt ra bên lề”.
Và tác giả gợi ý: “Trong khi đó, nhiều thành phố ở các quốc gia khác đã có các hiệp hội bán hàng để bảo vệ quyền sử dụng không gian công cộng của họ, thậm chí người ta còn ủng hộ hiến định cho việc bán hàng trên vỉa hè như ở Ấn Độ, Peru và Nam Phi”…
Không riêng với Sài Gòn, câu chuyện vỉa hè hẳn còn trở lại trong nhiều dịp.
Từng phần nội dung của tập sách xứng đáng được nối dài thêm một phần “đời sống” sau khi xuất bản, đó là trở thành đề tài cho các tọa đàm, các buổi trao đổi trong những cơ quan công quyền giữ trách nhiệm quy hoạch và kiến tạo đời sống dân cư đô thị: Cuộc sống vỉa hè và ngoại lệ của Sài Gòn; Lịch sử và sự kiên cường: Những nền móng văn hóa của đời sống vỉa hè thường ngày ở Sài Gòn; Tạo lập bản đồ cho những điều bị bỏ sót; Những câu chuyện đối lập về cuộc sống vỉa hè…