“Hố đen sâu thẳm” là tiểu thuyết bán chạy nhất ở Hàn Quốc, từng đoạt giải Shirley Jackson Award năm 2017. Nó cũng lọt vào danh sách 10 tác phẩm rùng rợn, ly kỳ của mùa hè năm 2017.
Hố đen sâu thẳm của Pyun Hye Young mở đầu bằng một tình huống tiến thoái lưỡng nan của nhân vật chính. Người đàn ông mang tên Ogi, tỉnh dậy sau cơn hôn mê vì tai nạn giao thông và hoàn toàn mất đi cảm giác về mọi thứ xung quanh.
Thế lưỡng nan của người đàn ông
Toàn thân tê liệt, anh chỉ có thể phán đoán sự việc qua “mùi cô y tá”. Mùi người vợ phảng phất trên người anh ta, thậm chí hiện về hàng đêm trên trần nhà, mặc dù thực tế cô ấy đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Một bức tường phong bế mọi giác quan của Ogi, khiến người đọc gợi dần những mơ hồ đầy ám ảnh.
Hye Young dệt nên câu chuyện lớp lang rõ ràng như con nhện cần mẫn giăng tơ. Cô mào đầu bằng một bức tranh toàn cảnh về Ogi từ thuở thiếu thời đến khi trưởng thành. Mẹ tự tử khi anh còn nhỏ, cha cũng mất sớm vì bệnh ung thư. Lớn lên, anh trở thành giáo sư Địa lý ở tuổi 40, trong khi vợ anh vẫn còn bế tắc trong công việc viết lách.
Hai vợ chồng tích cóp sắm sửa được một căn nhà giá rẻ, nhưng có sân vườn quang đãng, đẹp đẽ. Nhìn bên ngoài có thể nhận định đây là gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, bi kịch con người là khi Ogi với bản tính cô độc dần dần hình thành thói quen xa lánh người đời, kể cả người vợ đầu gối tay ấp.
Hố đen sâu thẳm là câu chuyện ngột ngạt, khiến người đọc bồn chồn theo nhất cử nhất động của Ogi. Anh hầu như không thể làm bất cứ điều gì cho bản thân nhưng vẫn nhạy bén nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh mình.
Thất bại trong hôn nhân trở lại ám ảnh anh, người thân duy nhất anh có thể dựa vào lúc này là mẹ vợ. Nhưng bà ta rõ ràng nghi ngờ về lòng chung thủy của Ogi và muốn trả thù cho những sai lầm của anh đối với người vợ đã khuất.
Ogi trở về nhà sau một thời gian dài dưỡng bệnh cùng hy vọng có thể phục hồi sức khỏe thông qua vật lý trị liệu, nhưng mẹ vợ dùng trăm phương nghìn kế ngăn cản anh tiếp xúc người khác. Bà nhẫn tâm bỏ mặc Ogi cả ngày lẫn đêm, chỉ xuất hiện thoáng qua để đổ vào miệng anh chút ít chất lỏng cầm hơi.
Câu chuyện về những kẻ cô đơn
Thế giới của Ogi rộng lớn là thế phút chốc chỉ quẩn quanh chiếc giường anh nằm. Chính trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này, những mảng ký rời rạc về người vợ quá cố dần trở về bên anh.
Vợ của Ogi là người phụ nữ nhạy cảm, thông minh nhưng lận đận trong đường công danh. Thứ khiến cô vui vẻ sau một loạt thất bại là được chăm sóc khu vườn trước nhà của họ.
Khu vườn tươi mát trước nhà trở thành ẩn dụ trung tâm của cuốn tiểu thuyết: Mảnh đất cằn cỗi mà vợ Ogi lao tâm khổ tứ cải tạo thoáng chốc lại úa tàn và bị mẹ vợ Ogi đào bới hàng ngày. Bà trả lời cho những nghi vấn về những cái hố càng lúc càng lớn là bà đang đơn thuần hoàn thành những gì cô con gái đã khởi đầu.
Tiêu đề của cuốn sách là một cách chơi chữ nhiều ẩn ý: Trong tiếng Hàn, “cái hố” đồng thời cũng là một tiền tố có nghĩa là “một mình”, thường thấy để chỉ người góa vợ và cũng để chỉ “hố đen” ký ức bị khuyết trong trí nhớ của Ogi.
Mỗi nhân vật trong Hố đen sâu thẳm đều là những kẻ cô đơn, ngay cả khi họ cố gắng ràng buộc với nhau bằng sợi dây tình cảm vô hình. Anh càng chiêm nghiệm những mất mát trong những ngày tháng bị bỏ quên tưởng dài vô tận, thì anh càng nhận ra anh đã liên tục đánh mất một thứ gì đó.
Trong hoàn cảnh như vậy, đáng lẽ mẹ vợ Ogi phải là người đồng cảm với anh nhất vì chính bà cũng trải qua gia đình ly tán, bị xa lánh vì mang trong mình dòng máu Nhật Bản. Nhưng bà lựa chọn cách tra tấn cả về vật chất và tinh thần của người con rể, khiến anh kiệt quệ, dồn chút sức tàn lực kiệt trốn thoát khỏi căn nhà.
Nhưng đón chờ anh không phải là một cái kết tốt đẹp mà anh chỉ có thể vĩnh viễn mắc kẹt giữa cái hố đã đào sẵn cho anh, giống như anh vẫy vùng giữa cuộc đời đầy bế tắc. Chính lúc đó, Ogi mới hiểu được những “hố đen” đã luôn bủa vây trong cuộc đời người vợ đã khuất đáng thương.
Hố đen sâu thẳm là một bước tiến trong sự nghiệp của Pyun Hye Young: Bóng tối vẫn luôn bao trùm lên cuộc sống hàng ngày phút chốc bị lật tẩy, phơi bày ra ngoài ánh sáng.