“Giáo dục Việt Nam thời kì thuộc địa” qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858 – 1945)
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách GIÁO DỤC VIỆT NAM THỜI KỲ THUỘC ĐỊA qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858 – 1945), do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tiến hành sưu tầm, dịch thuật và biên soạn. Cuốn sách đặc biệt hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách về giáo dục, các nhà khoa học, các bạn học sinh, sinh viên và bạn đọc quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Chính sách giáo dục thuộc địa của Pháp đã mang lại cả những điều tiêu cực và tích cực, có những đóng góp ảnh hưởng đến giáo dục hiện đại. Với mục đích cung cấp tài liệu gốc, góp phần phục vụ cho việc hoạch định đường lối giáo dục mới, cuốn sách này tập hợp các văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa, như các nghị định, quyết định chỉ dụ, sắc lệnh… cùng hồ sơ lưu trữ liên quan đến nền giáo dục các cấp ở Việt Nam từ 1858-1945. Đây là những văn bản được chọn lọc từ khối tư liệu tiếng Pháp hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Nội dung cuốn sách phản ánh tương đối đầy đủ và toàn diện nền giáo dục Việt Nam cũng như những chủ trương và chính sách của chính quyền Pháp về giáo dục giai đoạn 1858 – 1945. Trong giai đoạn này, người Pháp đã tiến hành lần lượt các cuộc cải cách giáo dục, từ đó, nền giáo dục ba cấp ở Việt Nam đã căn bản hình thành. Thông qua chính sách giáo dục của Pháp, người Việt đã tiếp thu những kiến thức mới của văn minh phương Tây một cách có chọn lọc và làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ngoài phần nội dung chính, phần phụ lục cuốn sách có:
– Bảng chữ viết tắt
– Sách dẫn (Index)
– Từ điển chú giải: chú thích tên gọi các cấp học, trường học, lớp học, bằng cấp, các kì thi tuyển, và một số chức danh, tổ chức được sử dụng trong thời kì Pháp thuộc.
Với lượng thông tin đồ sộ, xác thực, được dịch thuật từ tài liệu lưu trữ gốc, đây thực sự là một công trình rất có giá trị về mặt sử liệu và có giá trị tham khảo quan trọng.