Activités de la société enfantine annamite du Tonkin ( Các hoạt động trong xã hội trẻ em An Nam ở Bắc Kỳ)
Dưới đây là phần DẪN NHẬP cuốn sách của tác giả NGÔ QUÝ SƠN.
DẪN NHẬP
Người An Nam dùng từ “chơi” để chỉ các trò chơi của cả người lớn và trẻ em. Theo hướng này, thì chỉ cần thêm vào vài từ nữa là thành các từ ghép có nghĩa như chơi đùa, chơi giải trí, chơi nghịch…
Ngoài một số chỉ dẫn được đưa ra bởi R. P. Cadière[1] vào năm 1902, G. Dumoutier[2] vào năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh[3] vào năm 1935 và G. Cordier[4] vào năm 1940, thì theo như tôi biết, chưa có bất kỳ tác phẩm nào khai thác chủ đề là trò chơi của trẻ em An Nam. Để khắc phục thiếu sót này, tôi thấy dường như đã đến lúc làm cho người An Nam điều mà ta từng làm cho các dân tộc khác[5], nghĩa là cung cấp, dẫu không phải một nghiên cứu có hệ thống về các trò chơi, thì ít nhất cũng là một tư liệu đưa lại ý niệm tương đối về các hoạt động của trẻ em.
Tại thành phố, trong lúc trẻ em chơi bi, bóng nhỏ, bóng lớn, nhảy ô, nhảy cừu cùng một loạt các trò giải trí khác đến từ nước ngoài, thì tại vùng quê, các bé trai và các bé gái lại có những thú vui mang bản chất khác hẳn. Chính nhờ các trò chơi thôn dã này mà ta hiểu rõ hơn tính chất các hoạt động của thiếu niên An Nam và các trò chơi ấy chính là đối tượng của tuyển tập này.
Dĩ nhiên các trò chơi tôi sắp kể ra sau đây cũng được chơi ở thành phố. Song đó lại là trường hợp tương đối hiếm hoi, thường chỉ diễn ra trong những hẻm nhỏ hay ngõ cụt. Nhìn chung, ở chốn đô hội, các thú vui mang đặc tính An Nam đang có xu hướng biến mất bởi khi tiếp xúc với người nước ngoài và dưới sức ép của cuộc sống hiện đại, bản thân các hoạt động trẻ em cũng phải chịu thay đổi đáng kể[6], hệ quả là chúng không cho chúng ta biết được gì về tập tục và truyền thống.
Sau khi cân nhắc, tôi đã bỏ qua các trò chơi của người lớn, một số trò đã được G. Dumoutier nghiên cứu vào năm 1900[7], hơn nữa, với tính chất nghiêm túc của mình, chúng rất khác so với các trò chơi của trẻ em. Trong khuôn khổ tuyển tập này, tôi sẽ chỉ nhắc đến các trò giải trí trẻ em, nói cách khác là những trò chơi vô tư vẫn luôn được bọn trẻ ưa chuộng.
Các tài liệu đi kèm được thu thập vào các năm 1940 và 1941 tại một số làng Bắc Kỳ. Phần đa trò chơi được quan sát trực tiếp tại các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh và Sơn Tây. Thông tin về trò chơi ở các địa phương khác được cung cấp bởi những người đưa tin là dân gốc tại đó song tạm trú ở Hà Nội.
Nhờ các thông tin này mà tôi biết đến một lượng lớn các trò chơi vẫn chưa thành đối tượng của bất cứ nghiên cứu nào. Trong đóng góp này của mình cho lĩnh vực văn hóa dân gian Đông Dương, tôi mô tả tất cả các trò chơi tôi biết song không vì thế mà có ý định đưa ra một danh sách toàn vẹn, dẫu là cho riêng vùng Bắc Kỳ. Ngược lại, tôi cho rằng bản thân mình hẳn đã không nắm bắt được một số lượng trò chơi nhất định và đó có lẽ là cơ hội để thúc đẩy những nghiên cứu sâu hơn nữa tại tất cả các làng.
Để tránh trường hợp những người đưa tin của tôi bịa chuyện, tôi cũng đã cẩn thận nói chuyện với lũ trẻ. Quả tình là tại các xứ An Nam, có rất nhiều khó khăn bất khả vượt qua, chẳng hạn khi ta muốn tìm kiếm sự cộng tác từ phía người lớn. Những người này, hệt như những người hàng xóm Vân Nam của họ, khi được nhờ giúp các việc tương tự, thường sẽ chỉ hạ cố mỉm cười bởi thấy một công chức lại đi lãng phí thời gian cho những cuộc điều tra mà có lẽ họ đánh giá là trẻ con, nên hẳn là ngu ngốc và vô bổ[8].
Mỗi trò chơi được giới thiệu theo tên gọi, mặc dù đôi khi tên gọi này không có ý nghĩa rõ ràng. Ở cuối mỗi trò ta sẽ thấy có liệt kê thêm giới tính của trẻ, mùa, địa phương và nếu có thể là đặc tính bói toán của trò chơi.
Các trò chơi được một số lượng lớn làng xã đồng tình chấp thuận trở thành các trò chơi điển hình. Trò nào chỉ được chơi ở một số làng xã thì chỉ là các biến thể. Trong trường hợp đầu, thay vì liệt kê tên khoảng một trăm ngôi làng, tôi sẽ để dòng chữ thực hành chung. Nếu nhiều làng trong cùng một địa phương cùng chơi một trò, tôi sẽ để tên tỉnh, huyện, phủ hoặc vùng.
***
Xác định thời điểm ra đời cho một trò chơi là việc khá khó khăn. Có những trò vừa mới được tạo ra, chẳng hạn để giễu nhại đám học trò học chữ quốc ngữ; lại có những trò khác như nu na nu nống hay chi chi chành chành chắc hẳn phải tồn tại từ lâu lắm rồi do chúng từng được chơi bởi cả những người già nhất trong số những người đưa tin của tôi.
Như vậy, bản thân lịch sử cũng cung cấp cho chúng ta không mấy tư liệu.
Dưới triều Lê Thái Tôn (1433-1442), một văn sĩ có tên Trịnh Thiết Tường từng yêu thích một món đồ chơi rất lạ khi ông còn nhỏ. Ông dùng đất sét nặn một con voi với cái mũi là con đỉa còn sống và hai tai là hai con bướm cũng còn sống[9].
Khi Đinh Bộ Lĩnh, người sau này trở thành hoàng đế sáng lập triều Đinh (968-979), còn đi chăn trâu trên đồng, ông được bạn bè khênh trên một cái “đài” tự chế bằng cách đan cánh tay vào nhau. Để che nắng cho ông, đám bạn dùng những phiến lá rộng làm lọng. Trước và sau ông là hai dãy dài trẻ em sắp hàng thẳng thớm cầm hoa lau có hình dáng giống cờ đuôi nheo; một nhóm trẻ đóng vai nhạc công khua khoắng ầm ĩ những âm thanh mà thuở nhỏ người ta vẫn thích. Ai nấy bước đi chậm rãi, nhất nhất theo hàng và rất mực điềm tĩnh[10].
Tương tự, khi vị vua thứ hai nhà tiền Lý là Lý Phật Mã (1028-1054) còn nhỏ, ông thường bắt đám bạn bước đi trước và sau mình như thể ông là vị vua thực thụ được đoàn tùy tùng hộ tống.
Những câu chuyện vắn lược này cho thấy từ rất lâu rồi, người ta đã nhận ra rằng có nhiều trò chơi trẻ con dường như thể hiện những gì đang chờ đợi người chơi khi họ trưởng thành, chúng tôi sẽ nêu rõ các nhận xét đó trong các trang sách tiếp sau đây.
Hơn nữa, không sự việc nào dẫu khiêm nhường đến đâu lại không mang ý nghĩa nào đó; nếu một bé gái tung một số lượng hòn sỏi nhất định lên không trung rồi dùng mu bàn tay đỡ lấy, sau đó lại tung chúng lên không trung rồi dùng lòng bàn tay đỡ lấy[11], thì đó không chỉ là hành động giải trí trẻ con mà còn là ấn tượng ban đầu về công việc sảy thóc, còn nếu một cậu bé thực hiện hành động ném một viên sỏi vào một vòng tròn được vẽ trên đất[12] thì đó cũng không phải một màn giải khuây vô nghĩa mà là một bài tập luyện cho đôi bàn tay của người trồng trọt tương lai được khéo léo và vững vàng để có thể gieo mạ sau này.
Nhưng các bài vè miệng như ru em, đồng dao, bắt nạt hay giễu nhại mới đặc biệt mang lại cho ngành dân tộc học về người An Nam một kho thông tin dồi dào; nhất là các bài đồng dao, dẫu qua mỗi vùng miền lại một đổi khác, ý tưởng thì thường cực kỳ đơn giản, ngôn từ chỉ lôi cuốn nhờ nhịp điệu chứ đôi khi chẳng bận tâm gì đến nghĩa.
Tóm lại, thông qua việc phản ánh quãng đời đã qua và quãng đời hiện tại của người lớn, thông qua vô số chỉ dẫn liên quan đến suy nghĩ về tương lai của người chơi, các trò chơi trẻ em xứng đáng được tìm hiểu không kém bất cứ biểu hiện xã hội nào khác của một dân tộc.
[1] Xem thêm Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ, tập II, trang 362-367 (chú thích của tác giả, mọi chú thích sau đây nếu không lưu ý gì thêm đều là của tác giả).
[2] Xem thêm Tạp chí Đông Dương, 1907.
[3] Xem thêm Tứ dân văn uyển, số I, tháng Năm 1935, Nguyệt san bằng tiếng An Nam.
[4] Xem thêm G. Cordier, Nghiên cứu về văn học An Nam. Phần ba, Dân ca, trang 165.
[5] Ông Marcel Griaule, phó giám đốc Viện Dân tộc học thuộc Trường Nghiên cứu Chuyên sâu Đại học Paris, từng xuất bản hai tác phẩm về các trò chơi trẻ em ở châu Phi. Một tác phẩm nhan đề Jeux et divertissements abyssins [Trò chơi và thú tiêu khiển ở Al-Habash] (Thư viện Trường Nghiên cứu Chuyên sâu. Khoa học tôn giáo. Tập XLIX, Paris, 1935), tác phẩm còn lại nhan đề Jeux Dogons [Những trò chơi của người Dogon] (Nghiên cứu và Hồi ký của Viện Dân tộc học, tập XXXII, Paris, 1938).
[6] Chính vì vậy mà ở Hà Nội, vào dịp lễ Trung thu, có thể thấy các món đồ chơi pha trộn giữa ảnh hưởng của Trung Hoa và ảnh hưởng của châu Âu (xem thêm M. Colani, Dân tộc học so sánh, Tuần san Viện Viễn Đông Bác cổ, tập XXXVIII, 1938, trang 230-232).
[7] Xem thêm Tạp chí Đông Dương, quý I năm 1900, trang 289 và 290.
[8] Xem thêm G. Cordier, Văn hóa dân gian Vân Nam. Trò chơi trẻ con và các bài đồng dao khác, Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ, tập XXVIII, trang 349.
[9] Theo Nam sử tập biên, tập I, quyển 3, trang 27.
[10] Theo Đại Việt sử ký, chương “Bản kỷ”, quyển 1, trang 1.
[11] Xem phần sau, trang 107.
[12] Xem phần sau, trang 109.