Giải thưởng Akutagawa được thành lập vào năm 1935 bởi Kan Kikuchi, biên tập viên của tạp chí Bungei Shunjū để tưởng nhớ tác giả người Nhật Akutagawa Ryūnosuke (1892-1927). Được tổ chức hai lần mỗi năm, giải Akutagawa trao cho tác phẩm văn học hay nhất được xuất bản trên báo hoặc tạp chí của một tác giả mới hoặc đang lên, cũng bởi vậy mà các tác phẩm đạt giải Akutagawa thường thiên về thể loại tiểu thuyết ngắn. Cùng với giải Naoki, đây là là hai giải thưởng văn học thu hút nhiều sự chú ý nhất của Nhật Bản.
Giải Akutagawa thường được trao cho các tác phẩm có tính văn chương thuần túy: nghệ thuật kể chuyện độc đáo, nội dung đi sâu khám phá và khắc họa những khía cạnh “chìm” của cuộc sống như góc khuất của xã hội hiện đại hay tâm lý con người, đặc biệt quan tâm tới những nhóm người thiểu số hoặc bị lề hóa. Các bạn có thể thấy rõ điều này qua một số tác phẩm đã đạt giải Akutagawa mà Nhã Nam xuất bản, bốn tiểu thuyết tuy nhân vật và bối cảnh khác biệt nhưng đều chung một cốt lõi là khắc họa nỗi cô đơn, sự lạc lõng, thế cô lập và bị cô lập ngày càng sâu sắc của những người yếu thế trong xã hội hiện đại Nhật Bản:
CÁI LƯNG MUỐN ĐÁ: Chân ướt chân ráo vào trường cấp 3, Hasegawa hầu như không quen biết ai và vô cùng cô độc. Ngay cả người bạn từ hồi cấp 2 cũng bỏ rơi cô bé để nhập hội khác. Hasegawa chẳng biết làm gì hơn là âm thầm quan sát, thậm chí ngầm tỏ ra khinh thị các bạn học để lấp đầy khoảng thời gian trống rỗng. Luôn luôn bồn chồn và lạc lõng, Hasegawa tưởng như có thể an phận làm một người thừa trong lớp, vậy nhưng khi ngắm nhìn các bạn chơi đùa, trong lòng cô bé vẫn khỗng khỏi thấy tủi hờn…
LỜI NGUYỆN CẦU CHÍN NĂM TRƯỚC: tập truyện ngắn về những mảnh đời ở một làng chài ven biển trên đảo Kyushu, nơi chỉ cách Tokyo chưa đầy hai tiếng máy bay nhưng dường như muốn cự tuyệt mọi thứ từ thế giới bên ngoài. Cuộc sống nơi đây diễn ra đơn điệu với những mảnh đời tù túng, không lối thoát. Một bà mẹ trẻ đơn thân với đứa con lai “ngoại quốc” mắc chứng tự kỷ. Một gã nát rượu bị vợ bỏ. Một phó giám đốc nhu nhược, sắp lên chức ông ngoại nhưng vẫn sợ bị bố và các anh trai mắng. Một bà lão tám mươi, ly dị chồng từ hồi trẻ, sắp gần đất xa trời nhưng vẫn không thôi bị ám ảnh bởi bà mẹ chồng vốn là một pháp sư. Với bút pháp vô cùng khơi gợi, Ono Masatsugu đã vẽ nên thật sinh động một Nhật Bản thôn quê và xưa cũ, nơi lưu giữ những đặc tính con người Nhật vừa cực đoan lại vừa đơn giản, cởi mở.
CÔ NÀNG CỬA HÀNG TIỆN ÍCH: Furukura Keiko bị coi là một phụ nữ lập dị, vì ở tuổi 36 cô độc thân và làm một công việc khá đáng ngại, nhân viên part time của cửa hàng tiện ích Smile Mart trong suốt 18 năm trời. Cô luôn phải vật lộn từ nhỏ để đóng vai một người bình thường. Keiko thấy bình yên khi ở cửa hàng tiện ích, nơi cô được công nhận, nơi mọi quy tắc đều rõ ràng. Cho đến một ngày, người đàn ông kỳ quặc tên Shiraha xuất hiện, và sự va chạm giữa hai con người khác thường như một tia sét nổ do va chạm điện cực, đẩy Keiko khỏi quỹ đạo quen thuộc, buộc cô nhìn thẳng vào những áp lực cô luôn lẩn tránh…
CÔ GÁI MẶC VÁY TÍM: câu chuyện lạ thường về một cô gái hay mặc váy tím có hành tung bí ẩn, khó tiếp cận và quá trình nỗ lực kết bạn với cô gái mặc váy tím cũng kỳ dị không kém của “tôi” – cô gái áo khoác len vàng. Động cơ của nỗi ám ảnh kỳ quái “tôi” dành cho cô gái mặc váy tím là gì và cuộc sống của hai cô gái danh tính không rõ ràng, nghề nghiệp bấp bênh, tương lai vô định này liệu sẽ giao nhau hay rẽ sang những ngả dị thường nào khác nữa…