REVIEW SÁCH “NHỮNG MỐI TÌNH NỰC CƯỜI” – Milan Kundera

REVIEW SÁCH “NHỮNG MỐI TÌNH NỰC CƯỜI” – Milan Kundera

Qua những biến đổi nhặt khoan, những mỉa mai bay bổng, truyện ngắn “Sẽ không ai cười” của Milan Kundera khám phá bản ngã con người và đào sâu tận cùng cái tôi cá biệt bằng phương cách tra vấn suy nghiệm vô cùng sắc sảo.

Là tác phẩm văn xuôi đầu tiên trong sự nghiệp tiểu thuyết gia của Milan Kundera sau những bước dò đường định hình phong cách, “Sẽ không ai cười” là truyện ngắn thứ nhất cũng là truyện ngắn được viết sớm nhất trong tuyển tập “Những mối tình nực cười” (tựa tiếng Anh “Laughable loves”, viết ở Bohemia từ năm 1959 đến năm 1968), và ngay lập tức tác giả đã khẳng định được mảnh đất của riêng mình trên cánh đồng văn xuôi rộng lớn.

Chuyện nhà thích đùa.

“Sẽ không ai cười” gồm 2 phần lớn chia làm 13 chương nhỏ, được kể theo ngôi thứ nhất.

Nhân vật “tôi” không được gọi tên, anh đang giảng dạy và nghiên cứu tại một trường đại học. Anh dạy hay, được sinh viên yêu quý. Anh nghiêm túc với công việc và khoa học. Anh ít nói, thỉnh thoảng nói đùa nhưng ít ai hiểu. Anh yêu Klara, cô thợ may của anh.

Mọi rắc rối bắt đầu sau khi công trình nghiên cứu của anh được đăng trên tạp chí khoa học. Bưu kiện nhận về bao gồm ngân phiếu nhuận bút, một lá thư và một bản thảo chờ đăng báo. Lá thư đến từ Zaturecky, cũng là một người say mê khoa học. Zaturecky ngưỡng mộ và ca tụng anh, đồng thời nhờ anh viết một bản tóm tắt bản thảo của lão rồi gửi cho tờ tạp chí đã từ chối bài viết này suốt sáu tháng nay, những mong lời của một chuyên gia như anh sẽ chứng minh được giá trị nghiên cứu của lão.

Vấn đề xuất hiện. Công trình ngốn ba năm trời nghiên cứu tìm tòi của Zaturecky là một mớ hổ lốn những thứ cũ mòn chắp vá, không chút ý thức về phát triển logic, cũng không có lấy nổi một ý tưởng độc đáo. Zaturecky có thể đã không cố ý đạo văn, nhưng lão quy thuận mù quáng trước các bậc đại thụ đi trước. Vì thế, với tinh thần khoa học nghiêm túc, nhân vật “tôi” không thể viết một bản tóm tắt hơi hướm tán thưởng về công trình không hề có giá trị này được. Nhưng anh cũng không muốn viết lời cay độc nào, anh không muốn biến người ngưỡng mộ mình thành kẻ thù, anh ghét phải nói thẳng cho ai đó những chuyện không mấy vui vẻ. Cuối cùng anh chọn không viết một bài tóm tắt nào cả.

Quyết định tránh né của nhân vật “tôi” đạp phải tấm sắt cứng là sự bướng bỉnh đến điên rồ của Zaturecky. Mọi nỗ lực đeo bám của lão khiến anh từ lãng tránh, đến bực mình, đến tức giận, rồi quyết định chơi khăm lão một vố.

Trò bông lơn của nhân vật “tôi” – người tuyên bố ý nghĩa cuộc sống chính là chơi đùa với cuộc sống, gặp phải Zaturecky – người đàn ông sống cuộc đời khắc kỷ như những vị thánh, đã đẩy mọi chuyện đi xa ngoài tầm với. Anh mất việc, mất cả người yêu.

Rốt cuộc, câu chuyện này là bi kịch hay hài kịch?

Review của độc giả Duyên – Nhã Nam reading club

Nguồn ảnh: Diêu Bông Bookstore Đà Nẵng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *