Ở tuổi 18, bạn như thế nào?
Có người vò đầu bứt tóc, trằn trọn trước những lựa chọn cuộc đời.
Lại có người, vì chuyện tình cảm, mà “được” một tờ báo mạng nào đó ra sức đòi lại tuổi hồng “cười cười, nói nói chẳng chút tổn thương”.
Cảm giác mông lung “ăn chưa no, lo chưa tới” khiến những non nớt cứ thế được gán cho tính chất hiển nhiên phải-xảy-đến ở lứa tuối này, tất thảy chắc trừ mỗi cô nàng Francoise Sagan thời 1952.
Vì sao ư? Vì cái cách mà Sagan viết nên những trang văn bóc tách rất khéo đường nét tâm lý nổi loạn ở tuổi 17 của cô bé Cecile trong “Buồn ơi chào mi“, dường như, phải được thai nghén qua những trải nghiệm và tuổi đời khác hẳn.
Đó là một cô gái ở lứa tuổi dễ hờn giận, với một tâm sinh lý “nhất thời” trong mọi chuyện. Cecile có thể khinh bỉ người tình của cha mình để rồi trong thoáng chốc lại đồng cảm trước cám cảnh bị gạt ra ngoài lề hạnh phúc. Cô thay đổi góc nhìn về Anne như chiếc phong vũ biểu – người phụ nữ mà cha cô sẽ tái hôn – từ cảm giác “cô này dễ thương”, đến quá khắc nghiệt rồi sau cùng nhận ra sự khắt khe đó là điều còn thiếu cho cuộc sống cha con cô. Cô đắm say trong tình yêu với Cyril, sẵn sàng vạch ra một kế hoạch để mối tình được chấp nhận nhưng rồi lại cảm thấy không thể cùng anh đi đến cuối chặng đường hạnh phúc.
Ở Cecile là một thế giới luôn xoay vần vô định. Cô luôn nhạy cảm với nỗi cô đơn, cô sẵn sàng để hạnh phúc của mình ở lằn ranh thử thách trên hành trình né tránh sự cô đơn đó. Điều đó khiến tính ích kỉ trỗi dậy trong cô chỉ để thoả mãn những xúc cảm thực tại. Sự ích kỷ đó đã làm vụn vỡ đi bức tranh gia đình đẹp nhất mà cô muốn, gây nên một bi kịch không thể cứu chữa.
Francoise Sagan đem vào “Buồn ơi chào mi” một nhịp điệu u buồn lãng đãng. Nó không phải kiểu man mác vời vợi như trong các ngõ phố Paris của Modiano mà nó thoáng thêm chút vô tình. Cecile đánh mất đi một gia đình hạnh phúc bởi sự bướng bỉnh của mình nhưng sau đó không phải là sự hối tiếc như trong Chuộc tội mà là một sự tỉnh rụi gây ngạc nhiên.
“Một cái gì đó dâng lên trong lòng tôi và tôi đón chào nó bằng chính tên của nó, mắt nhắm lại: Buồn ơi chào mi”.
Nét lạnh lùng đó có thể khiến người ta ghét bỏ cha con Cecile luôn muốn hưởng thụ nhưng nó dát cho “Buồn ơi chào mi” một vẻ đẹp mong manh của hạnh phúc có thể vỡ tan đến đau lòng.
Nhưng rồi, người ta cũng sẽ cho nó vào vùng lãng quên của ký ức, đúng chứ? Dù chuyến hành trình lớn lên sẽ không tránh khỏi những va vấp nhưng quan trọng là, sau mỗi biến cố, người ta vẫn có thể gượng dậy như cái cách Cecile tự nhủ:
“Mùa hè năm ấy, tôi mười bảy tuổi và hết sức hạnh phúc.”