Đi hội sách Nhã Nam ngày đầu tiên, cuốn mình săn được trong khung giờ giảm giá chính là Trong khi chờ đợi Godot. Ngay từ ban đầu mình đã nhắm mua cuốn này vì nó được nhắc tới trong một cuốn sách bình giảng về văn học rất thú vị, nên quyết tâm mua về đọc thử. Khi về mở ra đọc thì thấy nó… khoai hơn mình tưởng và mình nghĩ chắc nhiều người cũng thấy cần kha khá kiên nhẫn để đọc hết, dù cuốn sách cũng tương đối mỏng. Đầu tiên thì mình muốn nói về việc vì sao cuốn sách này lại khó đọc với nhiều người.
- Cuốn sách này được viết dưới dạng một vở kịch, chỉ có các chuỗi đối thoại giữa các nhân vật và rất ít những đoạn miêu tả bối cảnh. (Đây là vở kịch khá nổi tiếng và hiện vẫn đang được công diễn ở nhiều nơi).
- Nó là loại kịch “phi lý” (absurd comedy), không có cốt truyện rõ ràng. Các đoạn đối thoại cũng khá khó hiểu, thậm chí phi logic, đang nói chuyện nọ lại xọ chuyện kia. Các nhân vật không được xây dựng bối cảnh, tính cách rõ ràng, cụ thể là 2 nhân vật chính Estragon và Vladimir. Ban đầu bạn sẽ khó mà phân biệt họ với nhau, cảm giác tuy 2 mà 1, từ đó bạn sẽ nảy ra câu hỏi: Sao tác giả lại làm thế nhỉ? Mục đích của ổng là gì? (Troll người đọc? Có thể lắm!)
- Tác giả Samuel Beckett là người theo đuổi chủ nghĩa hiện sinh, mà với mình thì đây không phải là thứ dành cho những ai thích những thứ thực tế, bận mưu sinh, lo cơm áo gạo tiền, những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Nói tóm lại là cả đề tài lẫn cách tiếp cận đều không gần gũi với độc giả/khán giả đại chúng chút nào. Nhưng tất nhiên, nếu bạn tò mò và có niềm yêu thích với những câu hỏi kiểu “ý nghĩa của tồn tại”, “đằng nào cũng chết thì sống làm gì” thì chắc sẽ muốn đọc và khám phá ý nghĩa của cuốn sách này.
Nội dung
Giông dài thế thôi giờ đi luôn vào phần review nè. Trong khi chờ đợi Godot là câu chuyện về 2 nhân vật Estragon và Vladimir, hai người đàn ông không rõ tuổi tác (nhưng một chi tiết trong sách có nói rằng họ có thể đã ở bên nhau hơn 50 năm rồi), nên hai ông này cũng cỡ 5x 6x tuổi trở lên. Hai ông ngày ngày đến một địa điểm, nơi có 1 cái cây chết để đợi một người tên là Godot (nhiều người cho rằng đó chính là Đức Chúa Trời – God).
Họ gặp Godot để làm gì thì không ai nói rõ, song có vẻ (theo lời Vladimir) là để được có một chỗ nằm ấm áp trong ổ rơm, được ăn uống nghỉ ngơi tử tế trong nhà Godot. Nhưng ngày này qua ngày khác, họ cứ đến cứ đợi, thậm chí quên mất thời gian chờ đợi là bao lâu, không chắc là hôm qua đã làm những công việc gì, nhưng vẫn không thấy ông Godot đến, mà chỉ có một Cậu bé chăn dê, người làm của ông Godot đến gặp và nói rằng, hôm nay ông ta sẽ không đến, nhưng ngày mai có thể sẽ đến.
Trong lúc chờ đợi Godot, họ gặp 2 người khác là Pozzo và Lucky. Ông Pozzo có vẻ là chủ nhân của ông Lucky (cả 2 đều có vẻ là những ông già) khi mà ông ta buộc dây vào cổ Lucky, sai khiến đủ thứ, quát nạt đủ điều và thậm chí còn quất roi và người Lucky nữa. Họ có liên quan gì đến ông Godot hay không thì không rõ, chỉ biết rằng họ xuất hiện, làm đủ trò (mua vui hay gây phiền phức) cho 2 nhân vật chính, để rồi lại bỏ đi. Hai nhân vật chính tiếp tục chờ đợi, có lúc nghĩ đến việc tách nhau ra (và họ có tách ra thật), song lại gặp lại vào ngày hôm sau; có lúc nghĩ đến việc treo cổ lên cây tự tử, nhưng rồi cũng không ai làm thật. Tình cảnh hai người ở đầu truyện và cuối truyện không thay đổi gì.
Ý nghĩa
Rốt cuộc thì câu chuyện này có ý nghĩa gì? Có vô số cách lý giải nó và cũng có rất nhiều nhà phê bình làm điều đó. Về mặt cá nhân cảm nhận thì mình thấy nó là sự chờ đợi một Đấng cứu rỗi (Godot = God), một tín hiệu từ vũ trụ, một bước ngoặt để con người có thể thay đổi vận mệnh của mình. Hai nhân vật chính có vẻ như là đại diện cho hai khía cạnh trong một con người. Ông Estragon thì có vấn đề với đôi giày/chân còn ông Vladimir thì có vấn đề với cái mũ/đầu. Lý trí – Cảm xúc, Cơ thể (Physical Body) và Tinh thần (Mind). Họ đứng trước một con đường, có thể bỏ đi bất cứ lúc nào, liên tục nói về điều đó nhưng cuối cùng vẫn không nhúc nhích. Trong khi chờ đợi, họ lãng phí thời gian sinh mệnh, chỉ để tranh cãi, than thở những điều ba lăng nhăng khiến độc giả khó hiểu, phát bực, ngán ngẩm song cũng tự ngẫm về tình cảnh của chính mình.
Những câu hỏi mở
Thế thì điều gì khiến cho Trong khi chờ đợi Godot trở nên hấp dẫn với nhiều người đến vậy? Mình nghĩ là do lối viết đầy ẩn dụ, thậm chí mỉa mai đa tầng nghĩa của Samuel Beckett. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ liên tục có những câu hỏi nảy ra trong đầu. VD: Vì sao Vladimir và Estragon lại đợi Godot? Ý là ai bảo họ làm thế, có người nào đó hẹn chăng? Sao ông Godot cứ lần khất mãi không chịu đến? Liệu có phải cuộc hẹn ấy là một cú lừa ngoạn mục, khi mà hai người cứ đứng yên chờ thì ông ta sẽ không bao giờ xuất hiện, còn không chờ nữa, cứ ra đi thì ông Godot lại bất thình lình nhảy ra ở đâu đó?
Sao họ không đi làm những việc gì ý nghĩa một chút, hay đơn giản là vui vẻ một chút, tham gia vào những hoan lạc trên cõi đời này? Sao Vladimir lại có vấn đề với cái mũ và Estragon lại có vấn đề với đôi giày?
Sao Pozzo lại đối xử với Lucky như thể một giống loài thấp hèn (nô lệ? loài chó ngựa chuyên thồ hàng? thậm chí là một con robot vô tri được lập trình bằng những dòng code?). Những suy nghĩ tuôn ra từ đầu Lucky có ý nghĩa gì? Sang màn thứ hai, vì sao ông Pozzo lại bị mù? (đoạn chuyển cảnh chỉ nói rằng, chuyện diễn ra vào ngày hôm sau). Điều gì đã xảy ra? Sao Estragon dường như không nhớ gì về việc gặp Pozzo và Lucky cho đến khi được Vladimir gợi nhắc?
Hmm, có vẻ như để diễn giải hết ý nghĩa của các biểu tượng này thì cần đến kha khá bài viết và những cuộc tranh luận, mình mới chỉ lờ mờ có vài câu trả lời trong đầu song không có gì là chắc chắn. Do đó mình quyết định chỉ ghi lại vài dòng cảm nhận để nhớ đã, có lẽ một lúc nào đó trong tương lai sẽ đọc lại xem có mở mang được gì hơn không. Nếu như ai đó đã đọc cuốn sách này rồi và thấy nó hay ho thì hãy comment giải thích giúp mình nhé.
Review của độc giả Quỳnh Nga – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA | SHOPEE |
TRONG KHI CHỜ ĐỢI GODOT | https://bit.ly/trongkhichodoigodotNhaNam | http://bit.ly/trongkhichodoigodotTiki | https://bit.ly/trongkhichodoigodotFHS | https://bit.ly/trongkhichodoigodotShopee |