Review “TỘI ÁC VÀ HÌNH PHẠT” – Fyodor Dostoievsky

Review “TỘI ÁC VÀ HÌNH PHẠT” – Fyodor Dostoievsky

Xin chào các thành viên của Reading Club. Đây là lần đầu mình đăng bài cảm nhận lên group. Mình xin được dùng “nói lên cảm nhận” chứ không dùng từ “review” vì khả năng viết của mình không được hay như nhiều mem trong group. Nếu có gì chưa đúng hay sai sót, mong được mọi người góp ý ạ. Quyển sách lần này mà mình muốn nhắc đến là “Tội ác và Hình phạt” – một danh tác của F.Dostoyevsky.

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đã dồn con người ta vào “bước đường cùng”

Mở đầu tiểu thuyết chính là cảnh nghèo khó của giai tầng thấp trong St Peterburg lúc bấy giờ, một khu trọ tồi tàn với với những hoàn cảnh cơ cực. Một xã hội mà giai cấp thống trị bóc lột những người dân nghèo, qua hình ảnh nhóm Mikolka hành hạ một con ngựa già, dù nó không còn chút sức nào vẫn bị quất bằng roi, ép phải kéo xe cho nhiều người, bắt phải phi thật nhanh và cuối cùng bị chết do những trận đòn roi, những cú đánh và sự hành hạ của Mikolka.

Nhân vật chính Raskolnikov hiện lên “chàng ăn mặc tồi tàn đến nỗi ngay cả những kẻ đã quen ăn mặc tồi tàn lôi thôi cũng chẳng dám chường mặt ra giữa ban ngày ban mặt ngoài đường ngoài sá trong bộ y phục tả tơi như thế”. Anh xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở một vùng nông thôn, là một sinh viên trường luật nhưng buộc phải bỏ học giữa chừng vì không đủ điều kiện để tiếp tục việc học, mẹ thì không đủ chu cấp cho anh, người em gái giàu lòng hi sinh, Dounia, phải bỏ việc gia sư vì người chủ đầy dục vọng, xúc phạm đến nhân phẩm của cô và chính anh cũng bị mất công việc làm thêm và phải nợ tiền trọ. Không còn cách nào khác, anh phải cầm đến chiếc đồng hồ quả quýt – kỉ vật của cha trong khi chiếc nhẫn kỉ niệm của Dounia tặng anh, vật cầm lần trước anh vẫn chưa có tiền để chuộc về.

“Hoàn cảnh đóng vai trò quan trọng trong sự phạm

Chính vì hoàn cảnh quá khó khăn mà con người ta buộc phải đưa ra những quyết định cũng khó khăn.

“Phải,tôi muốn trở thành một Napoleon,đó là lí do khiến tôi giết người đấy”

Vì khó khăn, mà Sonia Marmeladova, con gái của Marmeladov, người mà anh quen ở quán rượu buộc phải bán thân để kiếm tiền. Cô ” bước vào nhà, đi thẳng đến với Katerina Ivanovna và im lặng đặt lên bàn trước bàn bà ấy 30 rúp. Nó không hé răng nói một lời nào, không nhìn một ai, nó chỉ quơ lấy chiếc khăn choàng lớn bằng dạ xanh của chúng tôi phủ kín đầu và mặt mày, rồi nằm lên giường ngoảnh mặt vào tường. Chỉ có đôi vai nhỏ bé và toàn thân nhỏ bé của nó run rẩy”

Em gái Dounia của anh, vì muốn giúp đỡ anh trai và gia đình, đã nhắm mắt đính hôn với Pyotr Petrovitch Luzhin – hiện làm hội thẩm tòa Thượng thẩm, một kẻ “ra vẻ là người tử tế”, là người muốn cưới ” cô gái đã phải trải qua cảnh nghèo khó vì lẽ, theo lời ông ta giải thích, người đàn ông chẳng nên chịu ơn gì người vợ và làm sao cho người vợ xem chồng như một ân nhân thì là tốt nhất”. Ông nhận chuyển hành lí của Dounia và bà mẹ, còn họ thì phải tự vay mượn để trả chi phí cho chuyến đi. Raskolnikov cho rằng việc này giống như “một chuyện làm ăn buôn bán, lời lỗ chia đôi trong đó,như vậy mỗi người hùn phải góp phần của mình”

Vì quá khó khăn mà Raskolnikov đã ra tay sát hại hai mạng người. Một người là mụ già cầm đồ – Alyona Ivanovna, sau khi bị anh lấy mất túi tiền “bằng da sơn dương cáu ghét” trên cổ, các món đồ nữ trang mà anh lục được trong tủ, trong hòm. Và nạn nhân thứ hai bị anh sát hại là Lizaveta – em gái của Alyona ” quá chất phác ngây dại”, là người bị giết mà không có chủ định.

“Nhưng tại sao…bởi vì anh bảo anh giết người để lấy của…tại sao anh đã không tiêu xài gì hết!”

Sau khi sát hại hai chị em mụ già cầm đồ, anh chưa được trải qua cảm giác được làm anh hùng, mà là sự dằn vặt của tòa án lương tâm. Anh trải qua những cơn sốt liên miên, như người thất thần, chìm vào cơn mê sảng, lang thang trong vô định, trải qua những cuộc đấu tranh trong tư tưởng giữa việc ra tự thú hay không. Anh khổ sở dằn vặt khi trải qua những giây phút ngồi ở cảnh sát cuộc với nỗi lo thấp thỏm sợ mình sẽ bị phát hiện ra, lo sợ từng lời nói của Porfiry. Anh đã không dám tiêu đến số tiền đó – số nữ trang mà anh đã cướp được trong lúc giết người mà đã mang đi giấu ở dưới tảng đá. Và rồi sau 9 tháng sống trong cảnh dằn vặt, trước lòng bao dung và bác ái của Sonia, anh đã ra đầu thú. Anh đã nghĩ mình là một thằng hèn nhát, khi phân vân việc mình sẽ gieo mình xuống dòng Neva. Anh cho rằng mình không xứng đáng được mọi người yêu thương khi biết mình “chai đá, độc ác”. Đúng, anh từng có cảm giác muốn tự tử. Anh có cảm giác bực mình khi mọi người đi đường va vào mình, anh cho người mẹ con ăn xin 5 kopech được tìm thấy trong túi của mình. Anh hôn lên đất St Peterburg, theo lời Sonia nói “hãy hôn lên đất mà anh đã làm hoen ố vì đại tội của anh” . Anh đến cảnh sát cuộc để thú tội và một lần nữa chúng ta lại gặp một cuộc đấu tranh tư tưởng của anh giữa việc thú tội và quay ra. Khi quay ra ngoài anh gặp Sonia “mặt tái xám như một thây ma đang nhìn chàng bằng một vẻ ngơ ngác”. Anh đã quyết định quay lại và thú nhận toàn bộ tội lỗi của mình.

Còn một nhân vật nữa mà chúng ta không thể bỏ qua, Pyotr Petrovitch Luzhin – chồng hụt của Dounia. Ông tìm cách bài xích Dounia và người mẹ với Raskolnikov, không cho anh tham dự vào cuộc gặp mặt của họ và rồi dẫn đến việc hủy hôn. Sau khi bị hủy hôn, ông quay trở về và ước giá mà ông tặng Dounia những nữ trang thay vì nhận chuyển hành kí của mẹ con cô, vì ông chỉ ước muốn lấy một người vợ xinh đẹp, phải trải qua cảnh nghèo khó để rồi coi mình như một vị ân nhân. Hắn chưa quên mối hận bị hủy hôn nên đã tìm cách trả đũa Raskolnikov. Hắn gọi Sonia đến nhà giả bộ tặng cô mười rúp và thả một trăm rúp vào túi áo cô nhằm vu cho cô tội ăn cắp trong tiệc đám ma của cha cô. Nhưng chuyện đó không thành khi mà hắn bị Lebeziatnikov vạch trần và phải bỏ đi trong tức tối.

Kateriana Ivanovna, một người phụ nữ quá nghèo khổ,chồng mất, con gái riêng của chồng bị nghi ăn cắp, bị đuổi ra khỏi khu nhà trọ, tìm đến nhà của một quan chức nhưng bị đuổi về kèm thêm bệnh lao phổi sẵn trong người. Bà đã bắt con cái của mình phải đi làm trò ở ngoài đường. Bà đã qua đời do chứng lao phổi của mình để lại đàn con .

Nhưng đâu đó trong tác phẩm vẫn hiện lên ánh sáng của sự lương thiện, giúp đỡ lẫn nhau trong hoàn cảnh khó khăn.

Raskonikov vẫn hiện lên là một người lương thiện, có tấm lòng bao dung. Dù biết trong người không còn lại nhiều tiền, anh vẫn sẵn sàng để lại tiền cho Marmeladov hay cô gái say rượu ngoài công viên. Khi Marmeladov qua đời, anh vẫn cho gia đình của họ tiền để lo ma chay cho ông. Trong quá khứ, anh từng làm được nhiều việc tốt và Porfiry Petrovitch đã giữ đúng lời hứa của mình giúp giảm nhẹ tội cho Raskolnikov.

Svidrigailov đứng lên lo cho đám ma của Katerina Ivanovna và chăm sóc cho các con của bà đến khi trưởng thành. Ông gửi ba đứa trẻ, con của Katerina Ivanovna, đến những hội dục anh rất đàng hoàng và món tiền là một nghìn năm trăm rúp cho mỗi đứa đến khi trưởng thành. Riêng Sonia, ông cho.cô ba trái phiếu lời năm phân cho một số tiền tổng cộng là ba nghìn rúp. Ông quyết định dùng súng tự sát để trả giá cho việc đầu độc vợ mình là Marfa Petrovna và những hành động sai trái với Dounia.

Dounia kết hôn vs Razumihin. Razumihin có kế hoạch sang Siberia cùng gia đình Rodya, định cư ở thành phố mà Rodya sắp được đưa tới. Sonia đã đi theo đoàn công – voa tù nhân trong đó có Raskolnikov. Tại đây, Sonia được những người tù nhân cùng với Raskolnikov yêu quý dù nàng không hề tìm cách lấy lòng họ, họ họa hoằn mới thấy nàng và chỉ có dịp gặp nàng ở công trường và ở xưởng là nơi nàng tới gặp Raskolnikov. Khi anh ốm, Sonia luôn là người vào thăm anh, chăm sóc cho anh. Khi cô bị cảm không vào thăm anh được, anh đã cảm thấy lo lắng. Ở nơi tù đày này, anh đã nhận ra tình yêu của mình với Sonia. Anh đã quỳ xuống chân cô, anh bật khóc khi vòng tay ôm lấy đầu gối nàng. Họ quyết định cùng nhau trải qua 7 năm tiếp theo ở Siberia.

“Vậy giữa “sống thanh thản trong tù tội và sống cắn rứt anh sẽ chọn cái gì”?  Đây giống như một câu hỏi mà tác giả đã đặt ra cho xã hội chúng ta và quả thật chẳng ai có thể  sống thoải mái khi cứ phải trốn tránh cả”

Mình mới đọc hai tác phẩm của Dostoyevsky là “Anh em nhà Karamazov” và “Tội ác và hình phạt”. Điểm chung giữa hai tác phẩm là những ai gây ra “tội lỗi” thì đều phải trả giá bằng những “hình phạt” thích đáng. Tương tự như Dmitri đã tự nguyện đi đày sang Siberia để trả giá cho suy nghĩ muốn giết cha và Raskonikov cũng tự thú để thoát khỏi những cơn sốt, cơn mê sảng và những ám ảnh tội lỗi của mình. Dù ở vị thế nào, Dostoyevsky vẫn để cho họ một ánh sáng, một lối thoát cho tâm hồn và con người họ…

Review của độc giả Hương Giang – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
TỘI ÁC VÀ HÌNH PHẠT https://bit.ly/toiacvahinhphatNhaNam https://bit.ly/toiacvahinhphatTiki https://bit.ly/toiacvahinhphatFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *