REVIEW “THIÊN NGA HOANG DÔ (Jung Chang) – Khi nỗi đau được cất tiếng nói trong “Thiên nga hoang dã”

REVIEW “THIÊN NGA HOANG DÔ (Jung Chang) – Khi nỗi đau được cất tiếng nói trong “Thiên nga hoang dã”

Hôm trước mình đăng một đoạn của Thiên nga hoang dã, mình không ngờ nhiều bạn quan tâm đến cuốn này đến thế, đây là cuốn thứ 2 của văn chương mà mình đọc nhanh nhất (trong 5 ngày) sau cuốn Hồng lâu mộng.

Việc đầu tiên khi mình đọc một cuốn sách là mình xác định thể loại của cuốn sách đó là gì. Nếu là cuốn tiểu thuyết thì mình sẽ quan tâm đến hành trạng của nhân vật, sự phát triển trong nội tâm nhân vật ra sao. Còn nếu là truyện ngắn thì mình chú ý đến góc nhìn của tác giả về mà tác giả phản ánh. Đến với Thiên hoang dã, cuốn sách này mình xếp vào thể loại phi hư cấu, nghĩa là những câu chuyện có thật được kể lại qua lời kể của nhân vật “tôi” – người từng trải qua và chứng kiến hoặc nghe kể lại từ những người thân trong gia đình. Thể loại phi hư cấu này cũng khá quen thuộc nếu chúng ta từng đọc qua sách của Svetlana Alexievich như “ không có một khuôn mặt phụ nữ”, “Lời nguyện cầu Chernobyl”… hay văn xuôi phi hư cấu của Phan Thúy Hà với “Tôi là con gái của cha tôi”, “Gia đình” (viết về cải cách ruộng đất)… Nói dông dài như thế để chúng ta xác định được điều chúng ta quan tâm đến văn xuôi phi hư cấu là những điều có thật chứ không phải được tô vẽ nên.

Nếu dân tộc là một dòng chảy miên man từ quá khứ đến hiện tại thì ký ức cá nhân của mỗi người là một chi lưu trong đó, tất cả các chi lưu sẽ gặp gỡ và hòa nhập lại với nhau để tạo nên một dòng chảy không ngừng. Vì thế, cuộc đời của ba người phụ nữ từ người bà, người mẹ và nhân vật “tôi” là ba chi lưu quan trọng ghi dấu những hành trình của lịch sử dân tộc. Dẫu lịch sử ấy đã phải lặng câm, không được cất lên tiếng nói của mình thì chính những ký ức cá nhân đã thúc ép những người trải qua lịch sử ấy buộc phải lên tiếng, dù biết rằng tiếng nói của họ sẽ bị phớt lờ như cách cuốn sách này bị cấm ở Trung Quốc vậy!

Đọc Thiên nga hoang dã, người đọc dường như ngồi trên một chuyến tàu hỏa, không ngừng lại mà cứ liên tục tiến tới, mỗi chặng đường là mỗi lần nhìn ngắm khung cảnh xung quanh. Thiên nhiên và những vùng đất của Trung Quốc đẹp đẽ đang vẫy gọi người đọc khám phá nhưng ẩn sau vẻ đẹp đó là những tổn thương trong tâm hồn của mỗi con người đã bị thời gian bỏ quên. Từ những năm tháng trong thời kì phong kiến, người đọc thấy được nỗi đau của người phụ nữ trong hủ tục bó chân, đánh giá phẩm hạnh phải được đánh giá qua đôi chân nhỏ bé với tên gọi miều là “gót sen ba tấc”. Từng bước chân của người phụ nữ đi uyển chuyển là trăm ngàn nỗi đau mà họ phải trải qua từ nhỏ. Đọc những lời tâm sự của người bà trong việc bó chân, tôi bỗng nhớ đến cuốn sách “Gót sen ba tấc” của Phùng Ký Tài, cũng nói về hủ tục đầy đau đớn ấy. Không những thế, sự khốc liệt của xã hội phong kiến còn bắt họ phải gánh chịu kiếp chồng chung, những người vợ làm lẽ được xem như người hầu kẻ hạ cho chính thất. Khoảnh khắc người vợ lẽ cố gắng ôm con bỏ trốn làm người đọc quặn thắt cõi lòng. Nếu ai từng đọc “Thê thiếp thành quần” của Tô Đồng đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu cải biên thành phim “Đèn lồng đỏ treo cao” thì sẽ hiểu được phần nào sự mong chờ tình yêu thương, ngóng đợi ơn mưa móc của người thiếp và thấu hiểu cho cõi lòng của người phụ nữ.

Lịch sử luôn vận động không ngừng, tiến về phía trước và đưa đến những kết quả mà ta không ngờ đến. Cứ tưởng cuộc đời đau khổ của người bà qua đi sẽ đem lại hạnh phúc cho người mẹ (đứa con gái của bà khi làm thiếp) thì không ngờ những cuộc chiến tranh với quân Nhật, nội chiến Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Hoa đã đưa cuộc đời bình yên của người con gái này sang trang khác. Trong cuộc hôn nhân với người chồng đặt trách nhiệm với Đảng cao hơn tình yêu gia đình, đã không ít lần mình bức xúc thay cho người vợ. Làm thế nào mà người chồng bắt vợ mình phải làm việc, không được hưởng những đãi ngộ khi mang thai? Câu chuyện của một người phụ nữ nông thôn bị mất con sau khi trở thành cán bộ cũng bắt ép những người vợ đang mang thai phải lao động với lí do “ngày xưa tôi làm được thì cô cũng làm được”, mình bật cười mỉa mai cho việc kẻ đã bị tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác. Cứ tưởng sau cơn mưa trời lại sáng nhưng cuộc đời đâu như ta tưởng tượng, từ việc bị nghi ngờ nội gián cho đến vòng xoáy Cách mạng đã khiến cuộc đời của những con người bé mọn bị vùi dập.

Cách mạng Văn hóa – 10 năm khủng khiếp của lịch sử Trung Hoa, nếu ai từng đọc qua một số tác phẩm như Đỗ quyên đỏ, Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, Hảo nữ Trung Hoa, Sống, Huynh đệ, Phồn hoa, Tứ thư (Diêm Liên Khoa)… thì sẽ phần nào hình dung được sự khủng khiếp của cuộc cách mạng văn hóa. Vợ tố chồng, con đấu tố cha, hàng xóm đấu tố lẫn nhau, học sinh đấu tố thầy cô… tất cả đều bị quy chụp cho những chiếc mũ và bị hành hạ. Những trang viết về thời kì Cách mạng văn hóa của cuốn sách này đã đưa đến một cái nhìn chân thật, để chúng ta hiểu rõ hơn vì sao Cách mạng văn hóa lại tạo nên tổn thương trong tâm hồn con người lớn đến thế. Lớn đến mức mà sau thời kì này, ở Trung Quốc hình thành dòng “ vết thương” để phản tư lại thời đại này.

Thiên nga hoang dã – một cuốn sách phi hư cấu nhưng cuốn hút không thua gì một quyển trường thiên tiểu thuyết. Những ám ảnh, những nỗi đau, sự câm lặng… tất cả nay đã được giải phóng. Ẩn sau những câu văn lạnh lùng, không bày tỏ cảm xúc riêng tư để giữ thái độ khách quan cho văn xuôi phi hư cấu là một trái tim cháy rực, đau đáu trước những mất mát của cuộc đời. Một cuốn sách đã phác thảo toàn bộ bức tranh lịch sử hơn 100 năm của Trung Quốc và giúp người đọc hiểu hơn phần nào về một Trung Quốc đầy bí ẩn!

Đi qua hơn 642 trang của một cuốn sách nặng kí cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mình không thể dừng lại trong khi đọc vì sự cuốn hút của nó. Dự định ban đầu của mình chỉ tính viết một bài review ngắn gọn nhưng sau khi đọc xong thì mình nghĩ phải viết dài về nó rồi. Thật sự đây là cuốn sách rất đáng đọc! Phải cảm ơn đã phát hành cuốn sách này và hai dịch giả Nguyễn Thành Trung – Mai Đình Ái Đoan đã chuyển ngữ uyển chuyển, mượt mà để cuốn sách được đến với người đọc. Tuy giá cuốn sách khá đắt nhưng mình nghĩ nếu canh sale để rinh cuốn này về sẽ ổn, mọi người sẽ không thấy tiếc tiền về một cuốn như thế đâu.

Review của độc giả Huỳnh Quốc Cường – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
THIÊN NGA HOANG DÃ https://nhanam.vn/products/thien-nga-hoang-da https://bit.ly/thienngahoangdaTiki https://bit.ly/thienngahoangdaFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *