Nhân dịp Lụa vừa trở lại trong hình thức mới đầu năm 2021 bởi Phanbook với bản dịch nhuận sắc của dịch giả Quế Sơn (bản dịch đầu cũng của dịch giả Quế Sơn xuất bản bởi Nhà xuất bản Trẻ khoảng năm 2001), người viết nhớ lại thời điểm đọc Lụa cách đây khoảng 10 năm, bản dịch của dịch giả Tố Châu và được phát hành thông qua Nhã Nam.
Lụa kể về chàng thương nhân chuyên buôn trứng tằm tìm đường duy trì việc kinh doanh khi dịch bệnh đang đe dọa sự sống sót của tằm và ngành dệt lụa ở quê nhà của anh là nước Pháp. Hervé Joncour dấn thân đến tận xứ Phù Tang để săn tìm giống tằm tốt nhất. Từ Châu Âu đến Nhật Bản, quả thật là hai đầu mút xa xôi cho cuộc viễn chinh trên con đường tơ lụa.
Thử thách thay cho Hervé Joncour, không chỉ có đường xa hiểm nguy mà còn ở trái tim của anh, một chàng trai phương Tây khi bắt gặp vẻ đẹp phương Đông huyền bí. Điều anh thu về không chỉ có tằm, mà còn cả nỗi nhớ mong vì phải lòng vị thiếp của một lãnh chúa nơi đây, một sự phải lòng thăm thẳm trong ánh mắt, của những lời chưa nói và cũng đã chẳng bao giờ được nói ra, của những cái chạm chưa bao giờ được chạm. Mà một khi tình cảm này chất chứa trong lòng, mọi thứ chỉ có thể ngày càng đong đầy, khôn cùng mà thôi.
“Lửa đam mê cứ đong đầy trong mắt
Lời chưa buông, lòng có khép được chăng?!”
Cứ thế, như những cơn sóng tình chẳng bao giờ ngưng tìm bờ, Hervé Joncour ôm ấp hình ảnh của ánh mắt “không có chút gì Phương Đông” của người phụ nữ Á Đông kia trong tâm khảm, và tìm mọi cách quay lại nơi mọi thứ bắt đầu dù bệnh dịch gây ra cái chết cho tằm đã được kiểm soát ở quê nhà, đối lập là hình ảnh người vợ thủy chung vẫn ngóng trông, lặng im và đặt trọn vẹn niềm tin vào chồng.
Giống tằm nào làm ra thứ lụa tuyệt mỹ có lẽ không còn khiến Hervé Joncour bận tâm bằng ánh mắt làm nên cuộc vụng trộm say đắm trong tâm tưởng.
Những mộng ảo dẫu có ngỡ như thực, sau rốt cũng chỉ là phù phiếm khi đặt bên cạnh hiện thực giản đơn và đáng trân quý. Herves Joncour vẫn may mắn khi được sống thảnh thơi cuối cuộc đời, khi nút thắt cuối cùng đã giúp anh thấu hiểu được tấm chân tình của vợ anh – Hélène, dù là hơi muộn màng.
Dẫu cách hành văn rất khúc chiết, gãy gọn, đôi khi giống như đang trần thuật, Lụa vẫn mang lại cảm giác mênh mang như đang tung mình trong gió, khoe những mỏng manh, uyển chuyển nhưng bền bỉ và thêm cả âm thanh dịu dàng như một khúc nhạc ngắn ngủi nhưng khắc khoải, xao động và vẫn còn vang vọng khó dứt. Sau cùng giai điệu của Lụa vượt qua khoảng cao trào, lắng đọng, sánh đặc khi Hervé Joncour khám phá ra sự thật đằng sau bức thư rồi lơi ra để vào hồi kết.
Thế cho nên, kết tinh ở Lụa không phải chỉ có câu chuyện tình, bản thân tác giả Alessandro Baricco cũng là nhà phê bình âm nhạc, cộng với nhạc tính sẵn có của tiếng Ý, Lụa được cho là mang nhạc tính rất cao và mang cấu trúc, theo một trình tự, cao trào cũng như khép lại của một vở opera, với những đoạn lặp lại đầy dụng ý. Theo chia sẻ từ dịch giả Quế Sơn và Nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu trong buổi tọa đàm mình tham gia có tên “Lụa và một cuộc gặp gỡ Nhật Bản” thì sự súc tích, ngắn gọn của Lụa rất tương đồng với những nét trong thơ ca Nhật Bản, những dư bạch (khoảng trắng) luôn truyền tải thêm những điều vô ngôn mà chính những điều này, làm cho tác phẩm càng thêm giá trị và đáng suy ngẫm, làm nổi bật lên sự giao hòa giữa Đông (Nhật Bản và văn phong Nhật) và Tây (đất nước Ý và nhạc tính của tiếng Ý).
Thủ pháp dụng ngôn của tác giả vô cùng chắt lọc, cũng có thể áp dụng nhận định dành cho một tác phẩm nổi tiếng khác của ông là Đại Dương Biển: “Dấu hiệu của những kiệt tác là người ta không thể thêm gì vào đó cũng chẳng thể bớt đi dù chỉ một từ” cho Lụa.
Và bên dưới câu chuyện, lắng lại một cái nhìn sâu và trực diện vào bản chất của con người: luôn nghĩ rằng mình đã hiểu người thương yêu mình (mà thật ra mình có hiểu đâu), sống thiên về bản năng, luôn nặng lòng níu giữ những hư ảo, thậm chí biết mình cần thoát ra nhưng không can đảm thoát ra… cùng nhiều suy tư khác mà âm nhạc trắng trong Lụa sẽ còn gợi lên trong lòng người đọc. “Mọi truyện đều có âm nhạc riêng, truyện này có âm nhạc trắng” – trích lời tác giả.
Vậy nên không quá ngạc nhiên khi Lụa, tiểu thuyết vỏn vẹn chưa tới 150 trang, tạo nên tiếng vang cho tên tuổi của nhà văn Alessandro Baricco ngay từ khi xuất bản lần đầu, rồi được tái bản nhiều lần sau đó, kể cả được chuyển thể thành phim. Quả thật, Lụa tiểu thuyết đã vượt xa con đường “khiêm tốn” từ Pháp sang Nhật của Lụa trong truyện.
P.s:
Tự dưng hôm nay nhớ đến Lụa nên lục lại một bài viết cũ. Cũng rất buồn vì sau nhiều lần đổi chỗ ở mình đã thất lạc cả Lụa và Đại Dương Biển của Alessandro Baricco – 2 trong số những cuốn đầu tiên của Nhã Nam mà mình mua.