REVIEW SÁCH “BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT” – Haruki Murakami

REVIEW SÁCH “BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT” – Haruki Murakami

Mình lại đọc sách của H.M, quái lạ thật!!?? Tính hấp dẫn của H.M nằm ở phong cách viết hay câu chuyện nhỉ??? Hay những truyện ông viết chỉ mang tính “thời thượng” – tính “thời trang” như ông đang liên kết cho UNIQLO – hãng thời trang nổi tiếng nhất của Nhật, hay chỉ là cái tên “bảo chứng” cho nhà xuất bản – như một bài báo ai đó đã “đánh giá” về sách H.M trên Tuổi trẻ??? Đôi khi người ta “uýnh giá” người khác thì có vẻ dễ dàng hơn thì phải???

Mình có một thói quen suy nghĩ khi đọc sách là “giải mã tên sách” thông qua nội dung của nó: tại sao nó lại có cái tên như vậy và ý đồ tác giả muốn truyền tải qua tên sách là gì..??? Nên điều đầu tiên gây ấn tượng hoặc gây tò mò tìm hiểu & đọc, với mình là tên của quyển sách, chứ cũng không phải hoàn toàn mua một quyển nào đó chỉ do review hay hoặc do nhà phát hành sách giới thiệu – quảng bá về nó, rất ít nếu chỉ do khả năng này!!! Mình nghĩ chắc hẳn đa phần các “mọt” khác cũng nghĩ như thế?? Hay bạn chọn mua một quyển sách, là vì sao???

“Biên niên ký chim vặn dây cót” của H.M được mình biết tới khá lâu rồi – thông qua nhiều kênh, tuy nhiên hết vì lý do này đến lý do khác (hết hàng, chờ giảm giá sâu xíu, sách mình mua nhiều quá chưa đọc hết,…) nên mình chưa mua nó. Và cũng có lẽ sau “một trận dài” liên tục đọc sách của H.M năm rồi (trước đó rất lâu chỉ biết đến ông khi đọc “Rừng Na-Uy” – rất “hot”, sau này là “1Q84”, “Kafka bên bờ biển”, “Ngầm”, tới “Người tình Sputnik” thì …ngán!!! hihi) nên ngưng, chuyển qua đọc sách của các tác giả khác – thể loại khác.

Khi đọc trở lại sách của H.M là do quyển “Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương”, quyển này gợi cho mình nhớ có lẽ ông cũng còn những tác phẩm thể loại khác với style “hiện thực huyền ảo”, “siêu thực” hoặc “phi hư cấu”?? Và văn phong ông viết dù đôi khi hơi “nặng đầu” – nhưng mình cảm nhận “phong cách” khá hợp gout, nên có lẽ nên đọc thêm vài tác phẩm nữa chăng?? Thế là mua thêm “hai ẻm” nữa!!! Hì hì…

“Giải mã” thế nào đây với cái tên “Biên niên ký chim vặn dây cót” nhỉ?? Cái tên có vẻ quá lạ lùng!!!??

– “Biên niên ký” (chronicle), nghe & nói thì có vẻ to tát, thực sự ra, nó kiểu như “một dạng ký sự, ghi chép những ” của/ liên quan đến một người – một vật/ một giai đoạn / một quá trình / một thời đại nào đó…

– “Chim vặn dây cót” (wind-up bird) là một loài chim thế nào nhỉ?? Hay chỉ là một “con chim robot” của đồng hồ treo tường kiểu cổ nào đó mà chúng ta thường thấy, hay nhảy ra kêu “Cookoo, cookoo…” khi đồng hồ điểm đúng giờ?? Hay là một loài chim mà H.M vừa tưởng tượng ra trong đây, với tiếng kêu định kỳ của nó như tiếng lên dây cót đồng hồ…”Kéeet, kéeet…Kéeet”??? (Loài chim mà có vẻ bất kỳ ai cũng không có hình dung gì rõ rệt để nhận diện, chỉ đơn giản nghe tiếng kêu định kỳ của nó đâu đó thảng hoặc…như lên dây cót cho một ngày của thế giới này??? Có nó, thế giới mới cảm thức hoạt động, mới tồn tại…Vắng nó, mọi thứ như chìm lặng trong bóng tối hoặc im lặng của hư vô???)

Thật sự thì nó là thế nào???

Quyển sách khá dày, nặng, khổ lại lớn, >700 trang, nhìn “ghê gớm” thiệt luôn ah!!!

“Biên niên ký” của một con người – là nhân vật chính Toru Okada – ở một giai đoạn khó khăn của đời người – và như phải tới một nhánh bẻ ngoặt bất ngờ của đường ray cuộc sống bất tận – anh phải đối diện, trăn trở với con đường tìm kiếm gốc rễ bản thể và con đường tìm kiếm lại hạnh phúc của con người ấy – là chính là bản thân mình trong tương lai…Ta nên/ phải đối mặt với nó hay trốn chạy nó?? Ta sống trong “thực tại” hay sống trong “thế giới khác”?? Ta là “chính ta” của thực tại hay ta là “ai khác ta” và bị nó “đồng hóa”, “làm biến mất” không còn là chính ta???…Những câu hỏi đan xen với những giấc mơ phi hiện thực hoặc cả hiện thực luôn được trăn trở, lăn đi lăn lại, tự hỏi đi hỏi lại bao lần trong suy nghĩ của– Toru, như những vết thương ở nơi chí mạng, chỉ cần ta xoay trở một chút thôi – nó cũng đau tấy trở lại…

Nếu bạn nghĩ mình cần đọc hay chờ đón hoặc thích đọc một quyển sách có mạch truyện, có gút kết, có chuyển biến nhanh,…thì quyển “Biên niên ký” này sẽ làm bạn thất vọng!!!

“Biên niên ký” – thực chất đúng và chính xác là một biên niên ký!!! Vậy thôi,

Những ghi chép khi đọc, đôi khi ta cảm giác chúng rời rạc, tản mạn, không chút kết nối…

Suy nghĩ cũng vậy, khi thì quá sâu xa, khi thì hời hợt và đành buông xuôi chờ một “cái gì đến phải đến”(#hiện thực), đôi khi lại kiểu như “vận chân khí” bằng ý chí, suy nghĩ (#siêu thực) để bản thể chuyển sang một dạng khác – một thế giới khác mà ta mong muốn biết mình là ai & làm gì ở đó – khi đó để thay đổi hiện tại(#huyền ảo),….nên nhân vật Toru mà chúng ta được biết, dù với vẻ ngoài tầm thường, nhưng lại được xem như – được xếp vào dạng người “dị thường” – có thể có những “năng lực đặc biệt” nào đó mà chính anh cũng không tự nhận biết về mình, cho đến khi “cần phải”!!! Và dường như cũng có khá nhiều những người “dị thường” như vậy (#chị em Kano Malta, Kano Creta; Ashakara Nhục đậu khấu, Quế, May,..) ở các khía cạnh khác nhau – làm ta nhớ đến series film “X-man – Dị nhân” của hãng 20th Century Fox với các cá nhân – những siêu năng lực có thể thay đổi thế giới hiện tại & cả tương lai…

Những nhân vật khác, đôi khi mới – cũ xen ngang vào cuộc sống của Toru một lúc nào đó, rồi biến mất như một cơn thủy triều – ra đi cùng với những con sóng, ta sẽ cảm nhận (y như thực) là chỉ còn mỗi mình trơ lại với bãi biển trống trơ, hoang vắng của chính mình hay của Toru – “Chim vặn dây cót” – cách gọi anh như một bí danh…

Nhưng chúng ta – người đọc, đồng thời lại được đóng vai “người quan sát” nên toàn cảnh sự việc liên quan như diễn ra trước mắt ta… ảo giác hay sự huyền ảo giữa mơ & thực có đánh lừa ta trong hiện thực hay không – có lẽ chính ta cũng còn không biết rõ, huống gì là nhân vật chính???…Cảm giác “bị đánh lừa”, cảm giác không xác định “cái nào là mơ – cái nào là thực” trải dài suốt biên niên ký về giai đoạn sống ấy của Toru!!!

Tuy nhiên, như ta chơi “một ghép hình” của một bức tranh khổng lồ, các “mảnh ghép” dù rời rạc, dù được nhận diện ra “vị trí ghép đúng” trước hay sau…dần dần đến cuối cùng, bức tranh cũng hoàn thiện. Cách xuyên suốt tác phẩm “Biên niên ký” này của H.M là thế!!!

Trong đây, cứ mỗi một ghi chép vào biên niên ký, H.M đều chèn vào những ẩn ý hoặc những triết lý sống hay thông qua lối viết ẩn dụ, sự việc ẩn dụ – như từ nào giờ vẫn thế, nhưng mật độ dày đặc hơn các quyển khác, có lẽ vì đây được xem như hiển thị nội tâm – suy nghĩ – hành vi biểu hiện của một hay những con người – sống trong thời đại hiện đại đang diễn tiến ngoài kia, nhưng trong bản thể đầy những góc tối của quá khứ – dù không còn rõ nét nữa…MÀ QUÁ KHỨ THÌ CHÚNG TA KHÔNG BAO GIỜ XÓA BỎ ĐƯỢC NÓ, NẾU THẾ, KHÁC NÀO TA PHỦ ĐỊNH CHÍNH TA??? Và Toru – một kẻ dù trong mắt đa số người khác chỉ là hình ảnh mờ nhạt– một kẻ thất bại trong cuộc sống hiện thực – nhưng đơn giản với những chân thật & cố gắng, với “bản thể gốc” – anh lại giống như một con “Chim vặn dây cót (lên dây) đều đặn cho cuộc sống này mỗi ngày”,giúp con người ta nhận diện rõ mình – giúp cuộc sống trở nên thực tại hơn – họ bớt ảo tưởng hơn về chính mình và thế giới mà họ “đang sống” (hay chỉ “đang tồn tại”) theo kiểu nhiều “lớp mặt nạ” như nhân vật Wataya Noboru – đối nghịch với thế giới quan của Toru??

“Anh ta có cái bản năng của loài thú là đánh hơi chiều gió.Nhưng nếu để ý kỹ những gì anh ta nói hay viết, ta sẽ thấy lời lẽ anh ta thiếu sự nhất quán. Chúng không hề phản ánh một thế giới quan duy nhất dựa trên một niềm tin sâu sắc. Thế giới của anh ta là một thế giới mà anh ta dựng nên bằng cách lắp ghép vài ba hệ tư tưởng một chiều. Nếu cần, anh ta có thể xào xáo lại kết cấu đó để tạo nên một hệ quan điểm mới trong nháy mắt. Đó là những trò biến dị và tổ hợp tư duy tài tình…Và nếu anh ta có một thế giới quan thì thế giới quan đó có thể gọi là “chẳng có thế giới quan nào sất”,nhưng đó lại chính là “hành trang trí tuệ” của anh ta…”

Xã hội hiện đại bây giờ phải chăng đầy những “phiên bản nhân bản” kiểu như Wataya Noboru??

Phải không họ là những người như thế này,

– Họ tưởng chừng như/ được xem là lớp “người tinh hoa” của xã hội, thực chất họ chỉ như lớp “bọt nổi”, hời hợt, vô nghĩa của một ly bia vừa rót – với đầy váng bọt…tưởng như ngon & mát lạnh, nhưng chúng sẽ tan vỡ nhanh chóng trong thoáng chốc, chỉ còn lại dư vị nhạt nhẽo & chua lét!!

– Họ sống không với bản thể gốc, như một cái vỏ “người rỗng”, chỉ là thay đổi liên tục lớp vỏ bọc bên ngoài, có thể được người khác đánh giá như “tắc kè hoa trí thức” hoặc “hiểu chuyện, biết điều”,nhưng thực sự dục vọng ẩn chứa & ước muốn sau cùng của họ là gì?? “ĐỘNG CƠ LÀ GỐC RỄ CỦA DỤC VỌNG HAY NGƯỢC LẠI DỤC VỌNG SẼ TẠO NÊN ĐỘNG CƠ??”

– Họ sống theo quy tắc “đám đông”, nghĩa là “đám đông làm gì cũng đúng” và làm sao để kiểm soát “đám đông” đó – định hướng họ – rồi “làm rỗng” để sử dụng họ,…Chính điều này làm chết dần những bản thể “khác biệt”, khiến con người/ chúng ta dần dần bị “biến chất” và “trở nên tồi tệ” khi nào không biết??

– Và họ ngày càng hoàn thiện “phiên bản nhân bản mới” ấy của chính mình, xem như đó là một “đích đến”,một “mục tiêu”,một “gene lạ” tạo nên “phiên bản hoàn hảo hơn” – theo ý nghĩ của chính họ…???Và một khi xã hội hiện đại này đầy những “phiên bản nhân bản mới” này, bạn nghĩ nó sẽ ra sao nhỉ, hãy thử tưởng tượng…???

Dường như hiển nhiên, sẽ chẳng có ai – chẳng có kẻ nào chấp nhận mình là một “phiên bản lỗi” như Toru đâu!!! Ai cũng muốn mình là người “hoàn hảo” nhưng thực chất từ trong gốc rễ của mỗi bản thể – CHÚNG TA LÀ NHỮNG PHIÊN BẢN DUY NHẤT – KHÁC BIỆT VÀ LÀ NHỮNG PHIÊN BẢN HOÀN TOÀN KHÔNG HOÀN HẢO…Nhưng không ai chịu hiểu và không ai chấp nhận mình là thế cả!!??

Bản thể có thể sinh ra đã là “rỗng”(#Kumiko, Toru) – không tự hiểu được chính mình, bị người khác áp đặt ý muốn lên; hoặc ngay cả khi ta “bị làm rỗng” bởi các nhân tố hay tác nhân nào đó (#Kano Creta, Trung úy Mamiya); hoặc ta đã phải tồn tại thông qua “các dạng rỗng trung gian” – không là mình – đã mất bản gốc, đã bị “biến đổi gene”(#Wataya Noboru), thì chính chúng ta phải tìm cách “tự làm đầy lại nó” trong quá trình sống của mình…Còn “làm đầy” như thế nào và bằng những gì – hãy tự hỏi chính mình???

MÌNH ĐANG LÀ “MỘT PHIÊN BẢN NHƯ THẾ NÀO” SO VỚI CHÍNH MÌNH – BẢN GỐC, VÀ MÌNH MUỐN “TRỞ THÀNH MỘT PHIÊN BẢN RA SAO”???

Và khi đọc đến chỗ giấc mơ của Toru – diễn tả sự biến hình của lớp da người khác trên một con người, tự nhiên mình nhớ ngay đến [screen] bị đồng hóa và biến chất của [Spider man] bởi lớp cấu tạo “vật chất đen”… Không biết ai là người thấy trước ai trong viễn ảnh – thực tế ảo đó nhỉ??? Haruki Murakami hay chính là những ý tưởng từ Hollywood films ảnh hưởng đến ông???

Mình thích cách nhận xét logic & triết lý về “ảo ảnh của chính mình” qua gương của ông,

“Biết được tình trạng của chính mình không phải là việc đơn giản.Chẳng hạn, người ta không thể nhìn thẳng vào mặt mình bằng chính mắt mình. Người ta không có cách nào khác ngoại trừ nhìn ảnh phản chiếu ở trong gương. Qua kinh nghiệm, ta đâm ra tin hình ảnh đó là chân thực, nhưng đó chỉ là niềm tin mà thôi…Tin là mình là thế!!!”

Mình nghĩ, có lẽ mình sẽ cũng y như Toru Okada, trong cơn “cáu giận không cần kiểm soát nữa”,H.M đã cho anh nói lên những suy nghĩ kiểu “gớm ghiếc” – triết lý về “lũ khỉ trên đảo cứt” – nhưng thật ra cũng chính là cách người ta cần làm khi phải “lật mặt” những thứ “cứt đái” một cách logic nhất,

“- Anh có biết chuyện lũ khỉ trên đảo cứt không? Tôi hỏi Wataya Noboru.

Hắn lắc đầu, vẻ không hề quan tâm.

– Ở nơi kia, xa, xa lắm, có một hòn đảo cứt. Một hòn đảo không tên, một hòn đảo không đáng được đặt tên. Một hòn đảo cứt, hình thù như cứt. Trên hòn đảo cứt đó mọc những cây dừa hình thù cũng cứt.Những cây dừa đó cho những quả dừa có mùi cứt. Có lũ khỉ như cứt sống trên những cây dừa đó, chúng thích ăn những quả dừa có mùi cứt đó, ăn xong chúng ị ra thứ cứt kinh tởm nhất trên đời. Cứt đó rơi xuống đất, lâu ngày thành cả ụ cứt, làm những cây dừa mọc trên đó đã cứt lại càng cứt. Đó là một chu trình vô tận…

– Ngồi đây nhìn anh, bỗng tôi nhớ lại câu chuyện về hòn đảo cứt nọ. Điều tôi muốn nói là: một thứ cứt, một thứ thối tha, một thứ bóng tối nào đó đang tự phát tán ra hoài hoài, liên tục theo chu trình tự thân của nó, dù cho có muốn ngừng cũng không ngừng được…”

Hahahaha…

Và thông qua quyển “Biên niên ký” này, H.M còn nói lên quan điểm của ông về chính trị, những gì ông nhận xét thông qua câu chuyện kể ghê rợn – đầy máu me của trung úy Mamiya, có lẽ cảnh tượng “ghê gớm” nhất mà mình đọc là đoạn tả “quy trình lột da tù nhân sống” cho đến khi họ chết tắm trong vũng máu chính mình của “Boris lột da” trong & thời hậu chiến Thế giới II, khi phe Phát xít (có Nhật) đầu hàng và phe Đồng minh (có Liên xô) trả thù họ (dù sự thật hiển nhiên phải công nhận là bên nào cũng có cái sai trong cuộc chiến đó – thông qua nhận định của chính những người tham chiến),

Cũng giống như quan điểm mà George Orwell đã “ẩn dụ” trong “The animal farm”,ông xác nhận quan điểm của mình – qua nhân vật trung úy Mamiya,

“Tôi không hẳn là hoàn toàn có ác cảm với chủ nghĩa cộng sản, chỉ có điều tôi đã thấy quá nhiều chuyện, nên không thể nào nuốt trôi cái chủ nghĩa đó được…Thậm chí dù tôi có thể tin ở ý thức hệ cộng sản, tôi vẫn không thể nào tin ở những con người hay cái hệ thống đang đảm nhận việc biến cái ý thức hệ và các nguyên lý ấy thành thực tế…”

Trong “Biên niên ký chim vặn dây cót” còn một thứ luôn luôn hiện hữu như một “bóng ma” theo đuổi các nhân vật…đó chính là “ BÓNG TỐI”.Bóng tối huyền tịch và sâu thẳm của những giấc mơ, trong những giấc mơ ám thị; Bóng tối đặc sệt, lạnh lẽo và đầy hiện thực nhưng không thể sờ mó hay đong đếm được của đáy giếng cạn – nơi Toru tìm đến & tìm kiếm điều mình mong chờ; Bóng tối nhân tạo do con người ta tạo ra cho chính mình & phủ bóng lên người khác – mục đích tìm thấy hay thỏa mãn những khát khao sâu kín & xấu xa của bản thể; Bóng tối huyền ảo & nhập nhoạng tràn lan của những buổi chiều sập tối trải dài hầu như suốt những ghi chép, làm mờ đi tất cả quá khứ – hiện tại – tương lai, xóa đi ranh giới giữa thực & ảo, giữa ta & kẻ là ta ở một thế giới khác – nhưng không phải là ta…“BÓNG TỐI” đầy bí hiểm, che giấu mọi thứ hung ác, nguy hiểm đang rình rập, những bất ngờ và bất khả kháng ở trong nó, như bụng một con quái vật khổng lồ…muốn nuốt trọn hết mọi thứ vào trong nó.

BÓNG TỐI CỦA BẢN THỂ HAY BÓNG TỐI ÁM THỊ CỦA THỜI ĐẠI MÀ CON NGƯỜI CHÚNG TA ĐANG SỐNG, LÀ TÙY BẠN NGHĨ VỀ NÓ Ở VI MÔ HAY VĨ MÔ…

“Biên niên ký chim vặn dây cót” cũng chứa đầy những sự kiện ám ảnh của ký ức – nội tâm của con người, nhiều triết lý ẩn ý và thực sự khá “nặng đầu”…Đã từng nói với nhau là, phong cách H.M viết luôn gợi cho chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn những gì chúng ta đọc được bằng mắt thường mà!!! Ahihi…

Huyền ảo, siêu thực, pha trộn giữa hiện thực – giấc mơ, giữa quá khứ – hiện tại – vị lai, giữa ta – kẻ khác ta, giữa thế giới này – thế giới khác thế giới này…làm chúng ta hình dung câu chuyện như một bức tranh sống động, đa màu sắc, đa chiều, lại dường như mang phong cách trừu tượng & siêu thực của danh họa Picasso…

Dù sao cuối cùng “Chim vặn dây cót – Toru” cũng biết được lý do và cho chúng ta – người đọc một “câu trả lời” cho câu chuyện cuộc đời của anh, dù khá mơ hồ (kiểu “tự luận”) ở phút thứ 89…với “Biên niên ký chim vặn dây cót số 17”

Nói chung, đây là quyển thứ tư thuộc motif “huyền ảo, siêu thực” của H.M (#Kafka bên bờ biển, 1Q84, Người tình Sputnik) mà mình đã đọc, nếu bạn nào chưa từng đọc hay mới bắt đầu đọc H.M, chắc khó lòng hiểu nổi tác giả muốn nói gì qua cuốn “Biên niên ký khổng lồ – khổ lòng” này!!! Hehehe…

Câu chuyện về cội rễ sâu xa của bản thể con người và cuộc sống giữa hai thế giới (như mặt trái – mặt phải, chính mình – cái bóng của mình,..) hoặc nhiều điểm thời gian được kết nối nhau một cách kỳ bí giữa các tầng thế giới siêu thực của H.M là một câu chuyện dài, nhiều kỳ mà có lẽ ông kể mãi không hết… Ahihi!!!

Review của độc giả Giang Nguyen Thi Minh – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT https://bit.ly/biennienkychimvandaycottb2020Tiki shorturl.at/aGNP5

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *