Review Huyễn tưởng về trí tuệ nhân tạo – Gary Smith

Review Huyễn tưởng về trí tuệ nhân tạo – Gary Smith

“Không như con người, máy tính không hiểu thế giới”. Có một dạo AI trở thành một từ khóa quyền năng, biến mọi thứ thành lấp lánh. Có những ảnh chế và câu chuyện cười rằng muốn bán được sản phẩm, muốn nâng tầm dự án của mình lên, thì cứ gắn cho nó cái tag Trí tuệ nhân tạo. Sau giai đoạn sùng bái AI là những ý kiến ngày một tỉnh táo hơn, rằng mọi thứ đang bị đẩy cao quá mức, mọi người kỳ vọng quá mức, không chỉ hyped mà là overhyped về trí tuệ của máy móc, hay một thứ “huyễn tưởng”, như Gary Smith, một chuyên gia dữ liệu thống kê, đã gọi tên hiện tượng này trong quyển sách của mình.

Mình đã rất quan tâm quyển này từ khi thấy nó được giới thiệu. Bản thân mình cũng từng tin vào khả năng kỳ diệu của AI trước khi hiểu hơn và hoài nghi hơn về chúng. Quyển sách mở đầu bằng câu chuyện rất hấp dẫn về cách mà chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton hồi năm 2008 đã thành kính tin vào một phần mềm phân tích dự đoán để đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Kết quả là thất bại ê chề, và lý do đằng sau đó là một trong những take-away message quan trọng của sách: đừng để sự yêu thích say mê của chúng ta dành cho máy tính khiến ta kém lý trí đi về những hạn chế của chúng.

Từ câu chuyện của bà Clinton và một loạt các ví dụ khác, tác giả chỉ ra rằng máy tính có thể làm được nhiều việc không có nghĩa là nó thông minh. AI có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ để tìm ra các mẫu (pattern), nhưng chúng lại bỏ qua các mẫu quan trọng nhưng không nổi bật vì chúng không có lý trí, sự logic, tư duy phản biện, cả những common sense như con người. Từ đó, tác giả lưu ý ta không nên hoàn toàn tin vào máy móc.

Ngoài phần đầu và cuối có những câu chuyện minh họa dễ hiểu, thì toàn bộ phần giữa rất nặng về kiến thức thống kê, mình không đọc hết và nắm bắt được hoàn toàn. Nhưng nó đưa ra những khái niệm mà ta có thể tìm đọc thêm ở nơi khác:  hộp đen của AI (không ai biết máy tính thật sự nghĩ gì khi đưa ra quyết định cuối cùng, dù chính con người tạo nên thuật toán để nó hoạt động), tra tấn dữ liệu, 2 phiên bản Ngụy biện của tay thiện xạ Texas (kiểm tra/tra tấn dữ liệu đến khi nào đạt kết quả có ý nghĩa về mặt thống kê; tìm thấy mẫu có ý nghĩa thống kê rồi mới nghĩ ra lý thuyết, thay vì phải làm ngược lại).
Cảm giác chung của mình là hơi bực vì tác giả cứ chê máy tính thế này máy tính thế kia, thua xa một đứa trẻ, còn lâu mới được như con người, thật ra đó vốn đâu phải thứ người ta muốn hướng đến. Chẳng phải người ta chỉ muốn máy móc làm giúp một số việc mà con người không thể làm được, hoặc làm không hiệu quả bằng hay sao? Mình hiểu ý tác giả không phải trách AI (nó có biết gì đâu) mà là những người lạm dụng chúng, thổi phồng về sức mạnh của chúng, cũng như sùng bái chúng; như ông viết phần kết luận, đại khái trong khi chờ đợi đến ngày AI thông minh xêm xêm con người, hãy “giữ thái độ hoài nghi trước các kịch bản khó tin và hãy cảnh giác với các doanh nghiệp thổi phồng sản phẩm AI của họ”. Nhưng mình vẫn cảm giác quyển này kiểu đánh phủ đầu AI, ra đòn liên tục. AI mà biết nói năng, không rõ nó sẽ phản biện lại thế nào? Chắc nó cũng sẽ nói tôi có muốn thế đâu, do mấy người làm thuật toán và input data, rồi huấn luyện machine đấy chứ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *