Review “DANH SÁCH CỦA SCHINDLER” – Thomas Keneally

Review “DANH SÁCH CỦA SCHINDLER” – Thomas Keneally

Danh sách của Schindler là cuốn sách viết về một con người – một con người đặc biệt, với những nghĩa cử đặc biệt và tồn tại trong bối cảnh cũng thật đặc biệt nữa.

Oskar Schindler – nhà tư bản , giàu có, quyền lực, là bạn tâm giao của hàng loạt những nhân vật máu mặt không chỉ về mặt mà còn cả trên cả lĩnh vực quân sự, chính trị. Ông đeo huy hiệu Quốc xã trên áo, treo ảnh của Führer Hitler trên bàn làm việc, cùng chén chú chén anh với không chỉ một mà là rất nhiều những tướng lĩnh SS cấp cao. Vậy nguyên cớ gì đã khiến ông – một kẻ thân tín với chế độ, sẵn sàng dốc cả gia sản, đút lót hàng ngàn những chai rượu đắt tiền, bỏ ra hàng vạn những vali chứa đầy đá quý; đánh đổi cả danh dự, thậm chí là sinh mạng – để cứu vớt hàng triệu con người Do Thái – những người mà đối với ông, hoàn toàn là những kẻ xa lạ, thậm chí, nếu nói một cách công bằng, là vô giá trị và có thể đem lại hiểm nguy.

Lấy bối cảnh những năm Thế chiến thứ II, tại một thị trấn nghèo ở Ba Lan, bóng đen kinh hoàng mang tên Quốc xã đã bắt đầu từng bước bủa đặc nơi đây, đẩy những con người vô tội vào cảnh khốn cùng, bi thảm. Những bước đầu tiên của cuộc diệt chủng vô nhân tính bắt đầu được thực thi bằng việc dồn những người dân Do Thái vào các ghetto – những khu ổ chuột bẩn thỉu, nghèo nàn – nơi con người phải so kè nhau từng cọc sào, từng gáo nước, từng sợi dây phơi đồ một. Từ các ghetto, lính Đức tiếp tục dồn họ tới các trại lao động cưỡng bức, các trại tập trung, sau đó đi thẳng tới phòng hơi ngạt, tới các lò thiêu man rợ, khủng khiếp vượt xa sức tưởng tượng. Bằng quyền lực của một kẻ xâm lăng và những ảo tưởng đáng tởm về vị thế của một chủng tộc thượng đẳng, những tên Đức Quốc xã sẵn sàng xả súng không ghê tay vào những đoàn người đang chen chúc nhau trên phố, thả những con chó điên cắn xé xác thịt của những con người vô tội; chia tách mẹ con và giết sạch cả hai, tàn sát điên cuồng những bệnh nhân nguy kịch không còn khả năng chống cự.

Tội ác của SS, dù đã được nghe kể hay đọc qua không biết bao nhiêu lần, vẫn không khỏi khiến mình rùng mình ghê sợ. Trong Danh sách của Schindler, những điều kinh khủng ấy lại một lần nữa được phơi bày, thậm chí có phần trần trụi hơn dưới ngòi bút của Thomas Keneally. Những tội ác không thể dung thứ, hoàn cảnh thảm thương tới khôn cùng của những người dân Do Thái, đều được ông tái hiện vô cùng sinh động. Trước tiên là bị bắt buộc rời khỏi căn nhà của mình, bị tước bỏ nghề nghiệp, nặng hơn là tước bỏ mạng sống, và kinh hoàng nhất, có lẽ là thảm cảnh sống không bằng chết trong những trại tập trung – nơi con người bị chính đồng loại của mình đối xử không khác gì dòi bọ, nơi quyền sống bị chà đạp dưới gót giày cao su, nơi hạnh phúc bị nhàu nát và buộc phải chui rúc vào một xó xỉnh tối tăm chứa đầy chấy rận – nơi con người phải oằn mình học cách sinh tồn, nếu không muốn vào một buổi sáng sẽ lập tức lìa đời vì một phát đạn từ một tên đồ tể không vui. Tất cả, tất cả ập tới tầng tầng lớp lớp như hàng ngàn đợt sóng dữ dội khiến mình không thở nổi. Trong lịch sử văn minh nhân loại, cũng từng có thời kỳ đen tối tới rợn người như thế này sao?

Dưới màn đêm tội ác đen đặc ấy, với những người Do Thái, sự xuất hiện của Oskar như là hiện thân của một vị thiên sứ với vầng hào quang chói lọi, một đấng cứu thể xuất thân từ trên thiên đàng cao xa. Sau khi chứng kiến thảm cảnh của đồng loại, sau khi tận mắt nhìn thấy hàng dài người bị kéo lê trên hè phố và bị nã súng không thương tiếc, trong lòng Oskar đã nhen nhóm ngọn lửa báo thù và khát khao cứu rỗi, cưu mang những người dân tội nghiệp. Và việc trả thù, hay giúp đỡ của ông, cũng theo những cách hoàn toàn không thể ngờ tới. Dưới danh nghĩa là những công xưởng phục vụ quân đội, ông đã giúp đỡ hàng triệu người dân Do Thái, giang tay chào đón họ, cho họ một mái nhà, nắm tay họ và kéo họ khỏi cái thực tại thảm khốc đang cố gắng nuốt chửng họ từng giờ. Ông sẵn sàng thu nạp lớp người đang bị truy lùng, thảm sát, sẵn sàng bỏ tiền nuôi không cả người già và trẻ em – những người với sức lao động gần như bằng không; vứt bỏ danh hiệu Đảng viên Quốc xã, thực hiện những hành vi gần như là bán rẻ danh dự. Tại sao Oskar lại làm như vậy? Vì tiền chăng? Không, ông chẳng được lợi lội gì từ hành động này hết. Vì danh tiếng chăng? Không, trong cảnh khói lửa đạn bom, nơi những quy chuẩn đạo đức thường tình đã bị suy đồi tới mức gần như bấy nát, thì hiếm có ai đủ can đảm để suy tôn ông lắm. Vậy, chắc có lẽ, động lực của ông, không gì khác là lòng khoan dung, tình yêu thương và tình đồng loại.

Khắc họa chân dung Oskar Schindler, tác giả không bóng bẩy hóa, thần thánh hóa ông. Mặt khác, vẫn để ông hiện lên với những gì bình thường nhất, trần trụi nhất, “người” nhất. Chẳng hạn như việc ông lạnh nhạt với vợ mà có tới tận hai người tình xinh đẹp, hay những trận chè chén, những yến tiệc xa hoa ngay giữa cảnh nghèo đói, khốn cùng của tầng lớp nhân dân lao động v.v… Thomas Keneally đơn giản chỉ lượm lặt, ghi chép và cung cấp cho độc giả những góc nhìn khách quan nhất.

Song có lẽ chính bởi vậy, mà thú thực, Danh sách của Schindler là một cuốn sách cực kỳ khó đọc. Khó đọc thứ nhất là bởi vì lượng thông tin kinh khủng khiếp mà nó đem tới, thứ hai là bởi vì tính tiểu thuyết/chất văn chương mờ nhạt tới mức khó tưởng tượng. Đặc biệt là khoảng vài trăm trang đầu tiên, đầy những địa danh, tên riêng… và khô khan tới nỗi khiến mình có cảm giác không thể tiếp tục nổi nữa. Tuy nhiên, nếu gắng gượng vượt qua những trang đầu tiên và quen dần với lối viết của tác giả, mình có thể đảm bảo đây là một cuốn và đáng để tìm kiếm, đặc biệt là với những ai có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, về Holocaust, về Đức Quốc xã v.v… Sách đã được , có lẽ dăm ba hôm nữa sẽ tìm coi để thẩm thấu tốt hơn đi vậy.

Instagram: @albertshadou

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *