Review Cuộc đời là một tiểu thuyết – Guillaume Musso

Review Cuộc đời là một tiểu thuyết – Guillaume Musso

Musso Musso Musso, chưa cần biết nội dung ra sao, cứ thấy tên tác giả là mua liền cho yên tâm cái đã.

Cuộc đời là một tiểu thuyết thực ra yếu tố trinh thám không nhiều, cũng có, nhưng tác phẩm mới nhất của Musso lại nghiêng hơn về tâm lý xã hội đan xen yếu tố ly kì hơn. Đặc biệt, bạn nào mà thích viết lách sáng tạo thì nhớ ngó qua cuốn này nha, có thể bạn sẽ tìm thấy hình ảnh của mình trong sách đó.

Cuộc đời là một tiểu thuyết đã đánh “nhanh gọn lẹ” vào trí tò mò của độc giả khi mở đầu là vụ mất tích bí ẩn của cô con gái ba tuổi của nữ tiểu thuyết Flora Conway – một tiểu thuyết gia nổi tiếng với phong cách sống kín đáo và khép mình. Kỳ lạ và khó tin hơn nữa, Carrie mất tích ngay trong thời gian cô bé đang vui vẻ chơi trò trốn tìm cùng mẹ trong chính ngôi nhà của họ, cửa chính lẫn cửa sổ đều đóng kín, camera giám sát thì không hề phát hiện ra bất cứ điều gì khả nghi, và rốt cuộc cảnh sát cũng phải bó tay trước sự biến mất không dấu vết của cô bé. Úi chà, mở đầu hấp dẫn như case trong Thám tử lừng danh Conan. Song song với thời điểm Carrie mất tích, ở một căn nhà xập xệ tọa lạc phía bờ kia Đại Tây Dương, Romain – một nhà văn mang trái tim tan nát bởi nỗi sợ bị chia cắt với đứa con trai ruột của mình đang tự giam cầm bản thân, ̀y ngày đối mặt với chiếc laptop và hoàn toàn rơi vào tình trạng bế tắc với cuốn tiểu thuyết viết dở. Tưởng chừng Flora và anh chẳng liên quan đến nhau, nhưng ai ngờ rằng, Romain lại là khởi nguồn của mọi vấn đề. Và rốt cuộc thì cuộc đời chẳng khác gì cuốn tiểu thuyết.

Điểm tớ thích nhất trong cuốn sách này là cách tác giả trực tiếp dùng các trải nghiệm trong nghề viết của mình làm chất liệu để xây dựng toàn bộ câu chuyện. Độc giả sẽ thấy được phần nào “công cuộc rặn chữ” của những người theo con đường tiểu thuyết gia khó khăn ra sao, và bạn sẽ gặp rất nhiều cái tên của những tiểu thuyết gia nổi tiếng trên thế giới được tác giả liên hệ đến (thậm chí bản thân tên Romain – nhân vật chủ chốt của chúng ta, ôi nghe cũng có chút gì đó quen quen ta). Musso duy trì phong độ giống mọi lần, đều đem đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, và twist cũng như hint thì rải rác khắp nơi nơi trong cuốn sách này luôn. Bên cạnh đó, điểm khiến tớ thích hơn cả là các nhân vật nghe chừng chẳng liên quan đến nhau mà lại dây mơ rễ má một cách kì lạ, ôi chao, chạy trời không khỏi nắng, mà nó liên quan theo cách kỳ khôi lạ lùng mới sợ. Đúng với nhan đề “Cuộc đời là một tiểu thuyết”, độc giả sẽ lạc lối trong mê cung giữa hư cấu và đời thực, đến độ sẽ có khoảnh khắc bạn chẳng thể phân biệt nổi đâu là thật, đâu là ảo nữa. “Một Musso hoàn toàn mới” là nhận xét chính xác để nói về cuốn sách này, bởi vì Cuộc đời là một tiểu thuyết quả thật rất khác so với những tác phẩm trước của tác giả, không chỉ bởi nội dung, mà còn cả cách triển khai nó.

Tuy nhiên có điểm trừ nho nhỏ thế này, vụ mất tích của Carrie – cô con gái ba tuổi của Flora Conway là chi tiết làm tớ hơi hụt hẫng. Bởi quả thật tớ mong chờ rất nhiều về lời giải đáp cuối cùng cho vụ biến mất khó hiểu này nhưng các bạn yêu ơi, vụ mất tích chỉ là một viên gạch bé xinh để xây dựng nên một tòa nhà thôi chứ không hẳn là nội dung chính nhé. Lời giải đáp vẫn có, và bản thân tớ cũng ngạc nhiên vì á-duma-thì-ra-là-thế, nhưng đâu đó vẫn cảm giác hụt hẫng í các bạn ạ (chắc do đọc mấy quả cua gắt trong các tiểu thuyết trước của Musso nên quen xừ rồi, lần này nhẹ đô hơn thấy hơi thiếu thiếu).
Nhìn chung, Cuộc đời là một tiểu thuyết vẫn hay và thú vị nhưng-theo-cách-riêng-và-mới-mẻ-của-nó, không phải là tác phẩm xuất sắc của Musso (tất nhiên rồi, vẫn đề cử các bạn đọc Ngày mai và Cô gái trong trang sách nhé, đỉnh cao sách Musso trong lòng tớ), nhưng vẫn đủ sức thôi thúc bạn và khơi gợi trí tò mò về kết cục. Nếu trước đó bạn chưa đọc tiểu thuyết của Musso thì hoàn toàn có thể mở màn sa chân vào con đường “Musso học” bằng cuốn sách này nhen. Còn những bạn đã quá quen thuộc với lối viết của Musso rồi thì hãy coi đây là món ăn mới mẻ cho các bạn nếm thử há. Không nói nhiều, cứ Musso là recommend.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *