Review “CHÂN DUNG CỦA DORIAN GRAY” – Oscar Wilde

Review “CHÂN DUNG CỦA DORIAN GRAY” – Oscar Wilde

Với Chân dung của Dorian Gray, Oscar Wilde đã gợi lên những khoái lạc tuyệt đối có thể dẫn đến hủy hoại bản thân

Cuốn tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde , Chân dung của Dorian Gray (1891) là một ví dụ điển hình về chủ nghĩa thẩm của cuối thế kỷ XIX. Tư tưởng “nghệ thuật vị nghệ thuật” được đề cập trong phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết và sau đó xuyên suốt tác phẩm đã nêu bật mục đích của nghệ thuật là để bộc lộ thẩm mĩ và che giấu người nghệ sĩ. Wilde đã gạt phăng giá trị nhân văn vẫn luôn tồn tại trong sách vở, “chẳng có sách nào là đạo đức hay vô đạo đức. Chỉ có sách viết hay và sách viết dở. Vậy thôi.” Đây cũng là lời mở đầu trong cuốn sách đồng thời là phản ứng của Wilde đáp trả những nhà phê bình cho rằng tiểu thuyết của ông thể hiện sự băng hoại đạo đức và cổ xúy cho lối sống trụy lạc.

Nhân vật chính của câu chuyện là Dorian Gray, một thanh niên trẻ trung, khoác lên mình vẻ đẹp mị hoặc đến nỗi bất cứ ai đối diện đều sẵn sàng phục tùng, trong đó có họa sĩ Basil Hallward. Người họa sĩ đã vẽ nên bức tranh về Dorian Gray, một tác phẩm trác tuyệt khắc tạc hoàn hảo mọi nét đẹp của Gray. Chàng thanh niên không khỏi đắm chìm trong ham muốn được lưu giữ mãi nét thanh xuân của mình như những gì bức tranh mô tả. Bản năng thôi thúc cộng thêm những lời khích bác của Huân tước Henry, rằng người ta chỉ có một vài năm để sống thực sự, hoàn hảo và trọn vẹn, Gray lập một giao kèo với quỷ dữ, vẻ tuấn tú tuyệt trần của y sẽ còn mãi đến khi lìa đời, đổi lại bức tranh phải thay Gray hứng chịu những gì xấu xa nhất, suy đồi nhất mà y đã làm.

Không còn ràng buộc về mặt đạo đức, Gray thỏa chí với những cuộc truy hoan triền miên, buông lơi bản thân vào thú chơi hưởng lạc. Giễu nhại thay, càng sa đọa, Gray càng đẹp đẽ. Thời gian trôi qua, người ta vẫn nghe phong thanh những tai tiếng của Gray ở London nhưng giới quý tộc vẫn chấp nhận y vì gương mặt y toát ra vẻ thánh thiện như thể quở trách những ai nghi ngờ nhân phẩm của y. Chỉ sự hiện diện của y tựa hồ cũng gợi nhớ hồi ức về sự trong sạch họ đã làm vấy bẩn. Không còn một Gray trong sáng, ngây khi mới biết yêu nữa. Gray hiện tại như vị thần Bacchus trong thần thoại Hy Lạp, chỉ muốn say sưa trong đê mê cực lạc ở đời.

Huân tước Henry, người xuất hiện ở đầu câu chuyện như một kẻ qua đường hiếu kì thực chất lại là người có ảnh hưởng lớn đến tư duy của Gray. Khi Gray vẫn còn đau đớn và ân hận trước cái chết của người yêu thì Huân tước đã đến để nhắc nhở anh, cái chết cũng là một loại nghệ thuật, hãy để Sibyl Vane được hiến thân cho mỹ học. Sau đó, dường như muốn an ủi Gray, Huân tước Henry đã gửi cho anh cuốn sách màu vàng, với tiêu đề Ngược dòng, viết về cơn mê muội những thứ xa hoa mỹ lệ. Ngay lập tức, Gray bị thu hút và không thể giải phóng bản thân khỏi trói buộc của ngôn từ trong sách. Huân tước Henry đã định hướng Gray tới những suy nghĩ buông thả, được mô tả như một kẻ đồi bại không giấu diếm, chính là cách để tác giả phê bình giới thượng lưu dưới thời đại Victoria.

Nếu Dorian Gray là biểu trưng cho Cái đẹp thì Basil là người sáng tạo Cái đẹp và Henry là kẻ truy cầu Cái Đẹp. Ba cá thể khăng khít với nhau, làm nổi bật lên phức cảm Narcissus, mang tên một thanh niên trong thần thoại Hy Lạp, vì quá mải mê ngắm nhìn bóng hình bản thân dưới nước đến nỗi lao mình xuống sông tự vẫn. Hay chăng cuốn sách là mặt hồ tĩnh lặng để Wilde phản ánh một thực thể khác của chính mình, một vẻ đẹp độc nhất mà ông vẫn hằng ám chỉ trong các sáng tác của mình?

Wilde sử dụng một giọng điệu trang trọng cùng nhiều biện ẩn dụ, như chiêu đãi độc giả một bữa tiệc trong Chân dung của Dorian Gray. Ở phần đầu của cuốn sách, người kể chuyện đóng vai trò trung lập, tường thuật lại suy nghĩ cũng như thái độ của nhân vật. Tuy nhiên, khi câu chuyện tiến triển, giọng điệu của người dẫn chuyện đã có phần phán xét ngày càng sâu sắc. Lời thoại của nhân vật, đặc biệt là của Huân tước Henry chứa đựng sự hài hước và châm biếm nhưng vẫn giữ được phẩm cách của một quý ông. Wilde như một họa sư tài hoa, đã vẽ nên không gian sống động, từ xưởng vẽ của Basil đến những chốn ăn chơi, từ những căn phòng dạ tiệc lộng lẫy đến gác mái nơi Gray che giấu bức chân dung của mình.

Bỏ qua những lời dèm pha, cuốn tiểu thuyết ngay khi vừa xuất bản đã vang danh tại Anh quốc và nhanh chóng trở thành tác phẩm của Anh. Cuốn sách truyền cảm hứng cho nhiều vở nhạc kich và thi ca, đồng thời được chuyển thành phim nhiều lần, trong đó nổi bật nhất là phiên bản năm 1945 do Albert Lewin làm đạo diễn và nhận được ba đề cử giải Oscar. Thậm chí Dorian Gray đã trở một thuật ngữ để chỉ hội chứng sợ mình già đi và tự luyến thái quá.

Review của độc giả Nguyễn Hồng Hạnh – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
CHÂN DUNG CỦA DORIAN GRAY https://bit.ly/chandungDorianGrayNhaNam https://bit.ly/chandungDorianGrayTiki https://bit.ly/chandungDorianGrayFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *