Review “BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI” – Han Kang

Review “BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI” – Han Kang

Trước khi đọc Bản chất của người, mình đã lên internet để tìm kiếm một vài thông tin cần thiết về Phong trào dân chủ Gwangju, hay Thảm sát Gwangju, diễn ra tại thành phố Gwangju (Hàn Quốc) ở những năm 80 của thế kỷ trước – sự kiện lịch sử mà câu chuyện lấy bối cảnh chủ đạo. Thảm khốc, đau đớn, kinh hoàng. Đó là tất cả những gì mà mình có thể mường tượng về những ̀y tháng kinh hãi ấy.

Ngày 18/5/1980, sau khi đã buộc phải chịu đựng ách kìm kẹp của những kẻ thống trị độc tài – Park Chung Hee và Chun Doo Hwan, nhân dân Gwangju đã đồng loạt nhất tề nổi dậy. Thành phố nhanh chóng rơi vào hỗn loạn, giới cầm quyền – với sự chỉ huy của một tên ác thú và đội quân máu lạnh, đã không ghê tay khi bắt bớ, đánh đập, thậm chí nã súng liên hoàn vào đám đông nhiệt thành. Chín ngày sau, vào ngày 27/5, cuộc nổi dậy về cơ bản đã bị dập tắt, bất chấp tinh thần quả cảm và sự tranh đấu không ngơi nghỉ của những con người tự do. Song, dẫu vậy, phải mãi cho tới tận những năm sau đó, sự hi sinh của nhân dân Gwangju mới được ghi nhận, cuộc bạo loạn mới được xem xét trở thành phong trào đấu tranh dân chủ và những kẻ gây nên cái chết thảm khốc cho hàng ngàn người mới phải chịu sự trả giá. Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng những vết cắt sâu hoắm khi xưa như chẳng tài nào có thể khép miệng, những bi thương chồng chất từ quá khứ vẫn mãi đi đi về về trong những cơn ác mộng kinh khiếp nhất. Tất cả, tất cả những điều đó, đã buộc Han Kang – đứa trẻ mười tuổi trong sự kiện ghê gớm năm nào, buộc phải cầm bút và viết bằng tất thảy những gì mà bà vốn có. Hệt như được chính bà thừa nhận, “một tác phẩm mà tôi không thể trốn tránh, không thể không viết, nếu không viết, không vượt qua, có lẽ tôi sẽ không thể đi tiếp đến bất cứ đâu.”

Bản chất của người kể nhiều câu chuyện. Có câu chuyện của những người sống, có câu chuyện của những người chết, cũng có những câu chuyện của những người đang sống mà tưởng như đã chết từ lâu. Cuốn sách bắt đầu bằng lời tự thuật của Dong Ho – một nam sinh trung học tình nguyện ở lại Ủy ban tỉnh, nhận nhiệm vụ ghi chép thông tin của những cái xác bị quân đội chính phủ tàn sát dã man, ngay trong thời điểm chính biến Gwangju nổ ra lần đầu. Trong chương truyện này, từng thớ chữ như loang lổ máu tươi. Dù đã có ý thức tìm hiểu từ trước và cũng đã sẵn sàng để đối mặt với những gì được Han Kang thẳng thắn đề cập, song khi lật mở những trang truyện ngay đây, bản thân mình không tài nào tránh nổi nỗi bàng hoàng. Mình đã sợ hãi biết bao khi mường tượng tới cảnh xác chồng xác, người chồng người, đã kinh hoảng tưởng tượng tới những thi thể nát bấy, bị lưỡi lê đâm chém, bị báng súng va đập, bị cả những viên đạn chì ghim thủng lỗ chỗ toàn thây. Bất chấp nỗ lực sửa soạn và khâm liệm, những cái xác ấy – chỉ vài giờ trước vẫn còn là con người sống động, biết yêu thương và biết tranh đấu, nay đã mãi mãi nằm lại trên nền đất lạnh, mặc sức cho ruồi nhặng bâu kín và thứ mùi hôi thối bốc lên dữ dội. Đau đớn, kinh hãi, những tưởng mình đã có thể khóc nấc lên, song còn lại trong mình chỉ còn độc một nỗi câm lặng. Đau đớn tới nghẹn lời.

Bản chất của người có lối kể chuyện tương đối độc đáo. Rằng, dù là một thiên tiểu thuyết, song dường như cuốn sách lại đơn giản chỉ là tập hợp của bảy câu chuyện nhỏ. Rằng, dù đơn giản chỉ là tập hợp của bảy câu chuyện riêng biệt, song cốt truyện, bối cảnh, tất cả đều được móc nối với nhau một cách vô cùng chặt chẽ, nhân vật phụ của câu chuyện trước sẽ là nhân vật trung tâm ở câu chuyện tiếp theo. Cuốn sách, vì vậy, nổi bần bật bởi tính đa chiều. Đa chiều từ góc nhìn, lời kể. Đa chiều từ những trải nghiệm. Đa dạng ở mọi khung bậc cảm xúc. Đọc sách, mình không khỏi run rẩy trước những hình ảnh giết chóc kinh hãi trong cuộc bạo động, không khỏi xót xa khi nhìn những người mẹ gào khóc khản tiếng để van lơn con cái trở về; không khỏi phẫn nộ khi chứng kiến những hành vi vô nhân tính của những tên ác thú, lặng người đi trước sự tra tấn dã man mà những con người tiến bộ phải cắn răng chịu đựng. Và trên cả, là không khỏi ngẫm nghĩ về bản chất con người, về những điều mà con người ta sẵn sàng đối xử với đồng loại, trong một môi trường thuận lợi cho cái ác sinh sôi.

“Nhân chi sơ tính bản thiện”, hay “nhân chi sơ tính bản ác”? Liệu con người ta vốn dĩ sinh ra đã tốt đẹp, hay thuần túy chỉ là một “sinh vật tàn nhẫn từ trong bản chất”? “… bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể biến thành một thứ chẳng là gì cả, thành sâu bọ, thành thú vật, thành một đống mủ dịch lẫn lộn”, mặc nhiên để đồng loại chà đạp, đay nghiến. Tại sao những gã đàn ông trưởng thành có thể vừa cười cợt, vừa nhẫn tâm đâm thọc tử cung, hủy hoại phẩm giá của một người phụ nữ vô tội? Tại sao những tên tướng lĩnh cầu vai đầy sao, lại sẵn sàng so bì hơn thua trong một cuộc thảm sát, rằng “Ở Campuchia người ta đã giết hơn hai triệu người, chúng ta còn có thể làm hơn.” Bản chất của người khiến mình nghĩ nhiều. Càng nghĩ, mình lại càng căm phẫn, càng xót xa, càng buồn đau, càng khôn cùng thương tiếc. Cuốn sách đưa mình tới từ những đợt thổn thức không ngơi, rồi vỡ ra trong tiếc nức nở, cuối cùng bám rịt vào trong những cơn mơ đêm tối. Mình buồn cho những đứa trẻ đã không thể bước qua những ngày hạ đầy nắng, buồn cho những người mẹ chẳng còn cơ hội nhìn thi thể con được khâm liệm một cách trang nghiêm, buồn cho những con người đã sớm chết mòn trong nỗi thống khổ, bị giày xéo trong ác mộng sớm chiều. Buồn cho cả những kẻ tay cầm súng, song trái tim đã ruỗng mục, bốc mùi và lúc nhúc dòi bọ. Sống để làm gì, khi nhân tính đã rời bỏ chúng như xác thịt phân rã và chỉ còn lại độc lại mỗi một bộ xương khô? Sống để làm gì, khi thực hiện những hành vi đáng ghê tởm tới vậy, mà lương tâm chúng không mảy may rung động hay cắn rứt?

Nỗi đau, sự lạnh lẽo, tình người, tinh thần kiên cường tranh đấu không ngơi nghỉ… tất cả đều đã cùng quyện hòa và để lại trong lòng độc giả những ấn tượng khó có thể phai mờ nhất. Một cuốn sách đau đớn, nhưng đáng đọc. Một cuốn sách sẽ khiến cho bất kỳ ai cũng phải rơi nước mắt.

Review của độc giả Trần Cường – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
Bản chất của người http://bit.ly/banchatcuanguoiNhaNam http://bit.ly/34LPWR0 http://bit.ly/2NVwlqK

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *