Đánh giá: 4/5 ⭐
Với “Bà già phá luật”, hóa ra tuổi già không hề đáng chán như tớ vẫn từng nghĩ!
“Bà già phá luật” là một câu chuyện đầy tính hài hước được viết nên bởi tác giả Catharina Ingelman-Sundberg, kể về những phi vụ trộm cắp hoàn hảo của Băng Hưu Trí. Nhóm tội phạm này bao gồm 5 người già sống trong viện dưỡng lão Nhà Kim Cương, với Martha gần-như-là-thủ-lĩnh, Brains, Christina, Rake và Anna-Greta.
Mọi chuyện bắt đầu khi Martha, người đã quá bất mãn với cuộc sống cứng nhắc và nhàm chán trong viện dưỡng lão, nảy ra những ý tưởng đầy táo bạo, và có chút điên rồ: đi cướp. Không thể nào hành động một mình, Martha bắt đầu tìm kiếm những người cộng sự để cùng nhau làm nên những chiến công lẫy lừng. Và bằng những lời thuyết phục hấp dẫn, Băng Hưu Trí đã được thành lập, sẵn sàng để trốn khỏi Nhà Kim Cương và thực hiện kế hoạch trộm cắp.
“Bà già phá luật” không hề viết một cách đơn giản những câu chuyện thông thường. Dưới ngòi bút của Catharina, ta có thể tìm thấy trong những tình tiết gay cấn của vụ trộm là hơi thở nhẹ thoáng qua của trinh thám. Dù chỉ một chút thôi, nhưng nó đã khiến câu chuyện mang đạm một dấu ấn rất riêng của Catharina. Nếu như trong cuốn sách “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”, tác giả Jonas Jonasson khiến tớ phải trầm trồ á ố vì sự châm biếm lịch sử hết sức tinh tế, thì với “Bà già phá luật”, tớ lại tâm đắc với cách Catharina xây dựng nên tình huống truyện vô cùng độc đáo, từ đó xây dựng nên hình ảnh những người già thông minh, hoạt bát và dễ gần hơn bao giờ hết.
Mỗi nhân vật trong câu chuyện đều được miêu tả về tính cách và cuộc đời khác nhau, nhưng sau tất cả, họ vẫn là những người bạn có cùng “chí hướng”, dám vượt qua mọi khó khăn để to thêm những màu sắc tươi sáng vào bức tranh xám xịt của tuổi già, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Với Martha, người đọc có thể cảm nhận được sự năng động và liều lĩnh của bà trong mọi hành động. Chính bà, chứ không phải ai khác, đã đứng lên “phất cờ khởi nghĩa” đòi lại quyền lợi cho những người già, từ trước vốn bị xã hội bỏ rơi trong dòng chảy tất bật của cuộc sống. Và Martha cũng rất may mắn, khi luôn có Brains thông minh và sáng tạo luôn là một chỗ dựa vững chắc, một người có thể hiểu và ủng hộ những quyết định của Martha. Trong câu chuyện, bên cạnh cặp Christina – Rake, cặp bài trùng Martha và Brains vô cùng đẹp đôi vừa lứa dù chẳng hề có bất cứ chứng nhận chính thức nào. Thế nhưng, tớ lại cảm thấy điều đó là quá đủ, bởi họ đã đi gần hết con đường đời, đủ chín chắn để hiểu rằng lời nói không phải là biểu hiện duy nhất của yêu thương. Họ thấu hiểu tâm tư của nhau, và chỉ cần nhìn vào đôi mắt của nhau, thế là yêu thương đã nảy nở rồi. Chẳng cần ngọt ngào như phim tình cảm hàn Quốc, nhưng tớ vẫn cứ liêu xiêu, sao mà tình yêu tuổi già quá đỗi bình yên và hạnh phúc thế nhỉ?
Martha thực sự khiến tớ phải ngưỡng mộ và thay đổi một số suy nghĩ không mấy tích cực về tuổi già. Tớ nhận ra rằng, tuổi thanh xuân không hề kết thúc ở tuổi 20 hay 25, mà vẫn tiếp tục lớn lên, nếu như con người ta biết sống hết mình, sống có ý nghĩa. Còn sống, nhưng cứ mãi ở trong sự ấm êm của vùng an toàn thì chẳng khác nào đang chôn vùi tuổi thanh xuân cả.
Xuyên suốt hành trình tìm lại niềm vui tuổi già, còn có khá nhiều nhân vật phụ, nhưng cũng đã kịp để lại cho tớ một số nét vẽ chân thực về đất nước Thụy Điển xa xôi. Tuy được mệnh danh là một đất nước đáng sống nhất thế giới, nhưng tác giả Catharina vẫn tạo nên những nhân vật “phản diện”: y tá Barbara và giám đốc viện dưỡng lão Mattson. Họ chính là hiện thân của một bộ phận coi thường người già, và cố ý điều khiển họ theo cách của riêng mình – khắc nghiệt và cứng nhắc.
Với những nhân vật không mấy tốt đẹp này, Catharina không hề dùng bất kỳ lời lẽ lên án mạnh mẽ hay điều gì đó tương tự. Bà để họ tự thể hiện bản chất xấu xa của mình trong từng hành động, và biến họ thành một phần đáng thương bị trêu đùa trong phi vụ thế kỷ của Băng Hưu Trí. Chỉ nhiêu đó thôi đã đủ khiến tớ thỏa mãn lắm rồi!
Và vì tác giả Catharina còn sở hữu tới 2 cuốn sách cùng series “Băng Hưu Trí”, nên cái kết của câu chuyện không hẳn đã khép lại, mà sẽ tiếp tục được khám phá, gây cho người đọc sự tò mò không hề nhẹ về cuộc sống sau khi vụ trộm hoàn hảo được thực hiện thành công.
Có thể “Bà già phá luật” là một cuốn sách thấm đẫm trí tưởng tượng, thậm chí có thể coi là “quá lố” so với thực tế cuộc sống. Nhưng điều đó chẳng có gì đáng quan tâm cả, bởi với tớ, sách chính là một giải pháp thiết thực, thay đổi suy nghĩ mọi người, xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn! Mà với tớ, thì “Bà già phá luật” đã làm rất tốt điều đó!
Instagram: @bongisoverthinking
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
Bà già phá luật | http://bit.ly/bagiaphaluatNhaNam | http://bit.ly/bagiaphaluatTK | http://bit.ly/bagiaphaluatFHS |