Review “451 ĐỘ F” – RAY BRADBURY

Review “451 ĐỘ F” – RAY BRADBURY

Mặt trời đốt hằng ngày. Nó đốt Thời gian. Thế giới hối hả chạy vòng tròn và tự xoay quanh trục và dù thế nào thì thời gian vẫn cứ bận rộn đốt năm tháng và đốt những con người, không hề cần anh giúp đỡ. Cho nên nếu anh đốt các thứ cùng với các lính phóng hoả còn mặt trời thì đốt Thời gian, thế có nghĩa là mọi thứ đều bị đốt.

Nhan đề quyển sách, 451 độ F, chính là nhiệt độ giấy in bắt lửa, và bốc cháy…

Bài review này có 3 phần: giải thích về thể loại, giải thích cốt truyện và từ thế giới giả tưởng của 451 độ F ta thấy gì ở thế giới thực tại.

THỂ LOẠI TÁC PHẨM

451 độ F là một đầu sách thuộc thể loại dystopia (phản địa đàng).

Sách kinh điển đa phần thường khó đọc, khó thẩm thấu và cảm thụ, được ra đời cách đây rất lâu (mười năm, năm mươi năm hay thậm chí là gần một thế kỷ hoặc có khi hơn) nhưng những giá trị nhân văn, thông điệp tốt đẹp mà nó chứa đựng vẫn sẽ trường tồn mãi theo tháng năm, không bị thời gian phai mờ.

Còn thể loại dystopia (phản địa đàng), xuất phát gốc của nó là từ biến thể thứ hai của “utopia”. Trong tiếng Hy Lạp, “utopia” có nghĩa là “nơi không không tồn tại”, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1516 trong cuốn sách cùng tên Utopia (Địa đàng trần gian) của tác giả Thomas More. Thuật ngữ “eutopia” cũng sau đó mà ra đời với ý hẹp hơn “utopia” nhưng nội hàm thì lại tích cực hơn. “Eutopia” nghĩa là “nơi không tưởng”, tức là một chốn lý tưởng mà chắc chắn rằng mỗi cá nhân trên thế giới này đều ít nhất một lần trong đời từng nghĩ đến, từng mơ ước về nó, đó là một xã hội nói không với bạo lực và tội phạm, nơi mà mọi cá thể sống với nhau một cách bình đẳng, không có tư hữu, tỷ lệ đói nghèo luôn ở mức thấp nhất. “Dystopia” là từ nghịch lại với “eutopia”, mang ý tiêu cực, nói một cách chuyên ngành thì có nghĩa là phản địa đàng, tức là thay vì một nơi lý tưởng, mọi người đều có hạnh phúc như eutopia thì trong dystopia lại dựng nên một cộng đồng khủng khiếp, bị biến chất, đi ngược lại luân thường nhằm ngoại suy về một xã hội tàn bạo và vô cảm, cốt là để dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại ở thế giới thực tại phải biết quan tâm và ý thức đến mọi thứ xung quanh, bao gồm cả chính trị, xã hội, văn hoá, đạo đức, tôn giáo, cái tôi cá nhân… Một đại diện vô cùng gần gủi, dể cảm thụ cho thể loại sách dystopia này thì mình xin đơn cử The Giver (Người truyền ký ức) của nữ nhà văn Lois Lowry, một quyển sách quá quen thuộc và nổi tiếng, và đã được dựng thành phim (Taylor Swift là một cameo của phim này đó nhe).

GIẢI THÍCH CỐT TRUYỆN (có spoil)

451 độ F được chia làm ba phần: Bếp lửa và Rồng lửa, Sàng và Cát, Cháy sáng. Mỗi phần tương ứng với một bậc trưởng thành trong nhận thức về một cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa của nhân vật chính.

Phần một (Bếp lửa và Rồng lửa), tác giả khắc hoạ nên một thế giới giả tưởng, nơi truyền hình thống trị và văn chương thì ngấp nghé trên bờ tuyệt vọng, nơi thông tin nông cạn được tung hô còn ý tưởng thì bị ruồng rẫy. Việc tàn trữ sách trong cái xã hội đấy là một hành động phạm , luật lệ hà khắc đến độ đi tản bộ ở vỉa hè cũng bị bắt tra khảo. Nhà cửa của nhân loại trong thế giới đó được làm bằng những vật liệu chống lửa, và dĩ nhiên, không có lính cứu hoả, nhưng thay vào đó là LÍNH PHÓNG HOẢ. Không nhầm đâu, LÍNH PHÓNG HOẢ, người có nhiệm vụ châm mòi cho những đám cháy, nạn nhân là SÁCH. Cái ống dẫn của những người lính thay vì phun ra nước để dập lửa như trong thế giới của chúng ta thì ở thế giới giả tưởng của 451 độ F, chúng phun ra dầu lửa, một loại dầu chuyên biệt được đựng bên trong cái thùng có đánh số 451 vắt chéo trên vai họ. Ở mỗi hộ nhà sở hữu một cái chuông cảnh báo thông đến trạm phóng hoả, hàng xóm nếu phát hiện ra kẻ tình nghi nào giấu sách, hay chính người trong nhà tàn trữ đều buộc phải khai báo bằng cách ấn vào cái chuông ấy. Khi đó, con Chó Máy sẽ ngay lập tức xuất hiện và đánh hơi, rình rập theo dõi nghi phạm ở mọi ngóc ngách. Con Chó Máy là một công cụ được chính quyền lập trình, như một khẩu súng tốt có thể tự lùng ra con mồi và đảm bảo bách phát bách trúng bởi những ống kim tiêm gắn dưới chân nó.

Cũng trong phần này, tác giả đã gần như đã hoàn thành việc xây dựng, định hình cá tính của hầu hết tất cả các nhân vật quan trọng trong tác phẩm, mỗi sự xuất hiện của một nhân vật ở phần này đều đảm nhận một vai trò nhất định, dù cho sự xuất hiện ấy có là chỉnh tru, có vĩ đại hay điên rồ gì thì nó đều mang một ý nghĩa, đó là góp phần giải thích về luật lệ của xã hội ấy và chi phối của nhân vật chính.

Guy Montag – nhân vật chính và là người kể câu chuyện này – một người lính phóng hoả đang được trọng dụng. Anh là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghiệp phóng hoả. Vợ anh, Mildred, một người phụ nữ tẻ nhạt nhưng đúng cái quy chuẩn phụ nữ ở thế giới đó, kém hiểu biết, văn phong giao tiếp không hơn gì một đứa con nít. Mildred luôn đeo khư khư trên tai cái radio Vỏ Sò và dán mắt vào các bức tường “gia đình”. Đời sống hôn nhân của họ nguội lạnh, thậm chí lần đầu tiên gặp nhau ở đâu, cả hai cũng chẳng còn nhớ.

Một ngày nọ, Montag tình cờ gặp một cô gái nơi góc đường đang đi bộ và thẩn ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Montag đến bắt chuyện và biết được đây chính là người hàng xóm mới của mình, tên là Clarisse. Ở cô gái trẻ này như tỏ ra một nguồn năng lượng khác hẳn với tất cả mọi người, cô biết đùa, biết dùng bồ công anh cọ vào cầm để đoán được đối phương có yêu hay chưa, và đó là một cô gái với bất tận những câu hỏi “vì sao?”. Sau những lần gặp gỡ đơn giản ấy, ở tận sâu trong tâm hồn của Montag dường như có cái gì đó đang thức tỉnh, anh bắt đầu tự đặt cho mình những câu hỏi không thể nào lý giải được: Cái nghề phóng hoả này bắt nguồn từ khi nào? Sách có gì không tốt? Tại sao người ta lại bày trừ sách? Tâm lý của Montag càng bị dồn đến bờ vực của sự hoang mang hơn nữa khi trong một lần làm nhiệm vụ đốt sách, anh tận mắt chứng kiến một bà lão nguyện cháy xén đi thành tro bụi cùng với những cuốn sách của bà. Ánh mắt câm phẫn cùng nét mặt khinh miệt của bà ta như cấm sâu vào tiềm thức Montag. Và cũng chính trong lần đó, anh trộm một vài quyển sách trước khi chúng bị thiêu trụi, và rồi lật mở những trang sách đầu tiên…

“Mình có hạnh phúc không?” là câu hỏi mà Montag tự hỏi bản thân. Sau đó là chuỗi ngày anh dần nhận ra sự vô nghĩa trong cuộc sống hiện tại, mọi thứ đối với anh chỉ như một thói quen, công việc và cả cô vợ 10 năm chung sống cũng vậy. Biến cố về sự mất tích của gia đình Clarisse càng làm Montag cảm thấy bất hạnh và mâu thuẫn hơn nữa, anh quyết định tìm đến đội trưởng Beatty như một sự cứu rỗi, hy vọng tìm thấy câu trả lời. Beatty là nhân vật được xây dựng gần như là giống với một người sống ở thế giới hiện thực của chúng ta nhất, một kẻ có nhiều trải nghiệm nhưng mù quáng và quy hàng, dung túng cho sự ích kỷ của chính quyền và luật lệ nơi đó.

Tại đây, Montag biết được rằng lý do vì sao sách bị loại bỏ. Theo cách hiểu của mình thì tồn tại 3 lý do chính:

Thứ nhất, nhiếp ảnh ra đời kéo theo sự phát triển của phim ảnh, radio, truyền hình, và mọi thứ đều trở nên hàng loạt. Và bởi vì chúng được làm hàng loạt nên chúng trở nên đơn giản hơn, mọi thứ buộc phải bị cào bằng thành một thứ chuẩn “giống như là bánh pút-đinh bột nhão”.

Thứ hai, xã hội vận hành ngày càng nhanh, hệ luỵ là máy quay trở nên tăng tốc hơn, sách đâm ra ngắn hơn, cô đặc, báo khổ nhỏ toàn đăng tin vắn, mọi thứ quy gọn thành một trò hài, một cái kết nhanh gọn.

“Các tác phẩm kinh điển bị cắt xén cho vừa với chương trình phát thanh dài mười lăm phút, rồi lại cắt cho khớp với mục điểm sách hai phút, cuối cùng thì co kéo thành một mục tóm tắt từ điển dài đến mười hai dòng […] về Hamlet là một mục tóm lược dài một trang trong một cuốn sách khẳng định rằng: giờ rốt cuộc bạn có thể đọc tất cả các tác phẩm kinh điển rồi; hãy cố gắng mà ngang cơ với xóm giềng của bạn. Từ nhà trẻ vào trường đại học rồi lại về nhà trẻ; đó là cách vận hàng bộ não trong năm thế kỷ vừa qua hay nhiều hơn nữa.”

Thử tưởng tượng mà xem, cái xã hội giả tưởng trong sách, một chiếc xe hơi thường chạy với một tốc độ cực đại như thế nào mà một biển quảng cáo phải dài đến 60 mét thì người ta mới có thể đọc được. Song hành với đó còn có một hình thức truyền thông mới, bức tường “gia đình”, chúng là những màn hình ti vi khổng lồ được đặt bao quanh phòng khách, và đây chính là thứ gần như đã hút cạn thời gian mỗi ngày ngày của vợ Montag. Và từ lúc đó, nhân loại trong thế giới của 451 độ F dần XEM hơn là ĐỌC. Đến đây, tim mình đã thực sự như nhói lên bởi vì nó quá giống với chính cái thế giới hiện thực, nơi chúng ta đang sống hay đang tồn tại? Hãy nhìn toàn cảnh truyền thông hiện nay, trên mạng xã hội Facebook hay Instagram, những bài báo ngày một ngắn đi, nội dung được thay thế bằng các video tinh gọn, con người dần trở nên LƯỜI ĐỌC. Họ đổ lỗi cho truyền thông trong khi chính họ là người muốn như vậy. Đã bao giờ bạn click vào một bài báo mà chỉ đọc mỗi tiêu đề rồi đi ra? Và từ bao giờ, xã hội này chuộng những chương trình giải trí, kịch hài, drama hơn là những chương trình , ,

Thứ ba, đám thiểu số trong một nền văn minh càng nhiều do dân số ngày càng đông.

“Dân da màu không ưa Cậu bé da đen Sambo. Đốt nó đi. Dân da trắng không thoải mái với Túp liều bác Tom. Đốt nó đi. Ai đó đã viết một cuốn sách về thuốc lá và ung thư phổi? Dân hút thuốc lá đang khóc lóc? Đốt đi.”

Không phải tất cả mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng như Hiến pháp nói, nhưng tất cả mọi người đều được “người ta làm cho bình đẳng”. Và mỗi người sẽ là mỗi hình ảnh của người khác, lúc đó tất cả sẽ đều vui vẻ, bởi chẳng còn tồn tại một thước đo nào để phán xét bản thân họ, đó chính là cái thế giới là 451 độ F mong muốn.

Phần hai (Sàng và Cát) xuất hiện thêm một nhân vật mới, một vị giáo sư già tên Faber, người nhận ra nỗi thống khổ, sự bất ổn bên trong Montag, và truyền cho anh về ý nghĩa thực sự ẩn sau mỗi cuốn sách. Đây là phần đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ nhất trong nhận thức của Montag, làm thay đổi cuộc đời anh về sau.

“Anh có biết vì sao những cuốn sách như thế này quan trọng đến thế không? Vì chúng có phẩm chất. Và phẩm chất nghĩa là gì? Với tôi có nghĩa là kết cấu. Sách này có những lỗ chân lông. Nó có những đặc tính. Sách này có thể cho vào dưới kính hiển vi. Anh sẽ tìm thấy sự sống dưới ống kính, tuôn chảy, tràn trề vô tận.”

Faber cho rằng, một quyển sách và người đọc nó phải đáp ứng được ba điều kiện thì khi đó sách mới có giá trị và người đọc mới cảm thụ được sách. Ba điều kiện đó là: chất lượng thông tin, sự thư nhàn để tiêu hoá, quyền hành động dựa trên những gì học được từ việc tương tác của hai cái trước.

Lúc này, Montag chợt hiểu ra rằng, sách là một món quà quý giá của tri thức, là thứ cần được gìn giữ và lưu truyền thay vì mang đi đốt. Sách chứa đựng nguồn sức mạnh to lớn, giúp người ta trưởng thành trong tư duy và cảm xúc. Phải dùng một câu để tóm gọn giá trị của sách, mình xin phép đưa vào một trích dẫn đã quá quen thuộc của nhà văn M.Goocki đối với những bạn học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Phần ba (Cháy sáng), chính cô vợ là người đã ấn chuông tố cáo việc Montag tàn trữ sách. Beatty cùng đồng đội đến phóng hoả, thiêu nhà anh hòng đốt hết những quyển sách còn sót lại. Montag vùng lên phản kháng rồi bỏ trốn đến phía Nam, và tiếp tục giữ vững niềm tin.

NỖI SỢ SẼ GIAM CẦM BẠN NHƯNG CHÍNH NIỀM HY VỌNG SẼ MANG ĐẾN SỰ CỨU RỖI. Cách điều hành ở cái thế giới đó là hoàn toàn sai trái. Gần cuối truyện, xuất hiện hai cái chết của hai nhân vật chủ chốt, là Beatty và Mildred, như một sự giải thoát cho nỗi trống rỗng cùng cực, hoàn toàn đơn độc, “đói lả và tự ăn chính mình”. Thế nhưng đây không phải chỉ là một câu chuyện nói về cái chết, thậm chí những sự ra đi này cũng là cách làm nổi bậc nên giá trị của sự sống đúng nghĩa, một điều rất đặc biệt.

TỪ THẾ GIỚI GIẢ TƯỞNG TRONG 451 ĐỘ F TA NHÌN THẤY GÌ Ở THẾ GIỚI THỰC TẠI

Trước hết, mình xin khẳng định một điều rằng: Thế giới giả tưởng trong 451 độ F luôn cấm rễ trong thế giới thực tại nơi chúng ta đang sống, VIỄN TƯỞNG NHƯNG LẠI KHÔNG HỀ HUYỄN HOẶC. Và thật sự, tác giả Ray Bradbury như một nhà tiên tri lỗi lạc, bởi cuốn sách này được viết vào năm 1953, cách đây hơn nửa thế kỷ, vậy mà tư tưởng bên trong nó lại phản ánh một cách gần như là chính xác các hiểm hoạ đang đe doạ trong cuộc sống hiện đại thời nay.

Có ba biểu tượng trong thế giới 451 độ F mà mình thấy là nó sát thực và gợi sự liên tưởng đến thế giới hiện đại của chúng ta.

Hình ảnh con Chó Máy được chính quyền lập trình để làm nhiệm vụ, không cảm xúc, không đạo đức kia chẳng phải là thứ công nghệ AI đang âm thầm len lỏi vào ngóc ngách trong cuộc sống thời nay hay sao? Mình không nói AI là xấu, nhưng cái gì cũng tồn tại hai mặt, và tuỳ vào cách sử dụng của ta mà nó sẽ mang nghĩa tích cực hay tiêu cực. (Con Chó Máy trong 451 độ F hay) AI trong thế giới thực ngày càng xâm phạm đến quyền riêng tư của con người, hàng loạt các bài báo cáo khoa học có thể mang ra làm dẫn chứng có điều này. xuất hiện ở cuối tác phẩm phải chăng là một điềm báo xấu nhất của AI, khi các vũ khí như súng ngắm từ xa, máy bay thương mại không người lái, bom cùng các chất gây nổ được cải tiến một cách tự động mà không cần đến chuyên môn huấn luyện, thế giới rút cuộc sẽ bị huỷ diệt bởi chính con người.

Radio Vỏ Sò, hình ảnh của công nghệ hiện đại dần trở thành vũ khí vô hình chia cắt các mối quan hệ thực. Trong 451 độ F, Vỏ Sò thực chất là một cái tai nghe có hình chiếc vỏ sò con, giống như những chiếc radio nhỏ như chiếc đế khâu nhét chặt vào tai, là một đại dương âm thanh điện tử, hết nhạc lại nói rồi lại nhạc, tràn vào bến bờ tâm trí một cách chong chong. Nói đến đây, các bạn có liên tưởng đến điều gì xung quanh mình không? Rất gần đấy, bước vào bất kỳ một quán cà phê nào đó, ta dể dàng bắt gặp một nhóm bạn trẻ ngồi gần nhau tâm hồn thì bị ngăn cách bởi những chiếc điện thoại, và trên tai thậm chí còn đeo khư khư chiếc airpods không dây cơ. Việc đầu tiên bước chân vào quán là tán gẫu với bạn bè thì nay lại trở thành một câu hỏi về mật khẩu wifi, khoảng cách giữa người với người ngày càng xa nhau hơn.

Các bức tường “gia đình”, như mình đã có đề cặp đến trong phần giải thích cốt truyện, trong 451 độ F thì các bức tường “gia đình” là những màn hình ti vi khổng lồ được đặt bao quanh phòng khách, thay vì đọc thì người ta xem, thay vì những chương trình văn học lịch sử thì là những chương trình giải trí nhảm nhí không có giá trị nhân văn. Cái bức tường tivi cùng với “sự xào nấu vừa đủ để cho trí tưởng tượng của người ta làm nốt phần còn lại” như trong đoạn cuối tác phẩm nói về việc truy bắt Montag của chính quyền đã vô hình trung gợi một sự liên tưởng đến vấn nạn thông tin rác, sai sự thật và truyền thông một chiều.

“Anh không cần phải đốt những cuốn sách để hủy diệt một nền . Chỉ cần làm cho người ta dừng đọc chúng là đủ”. 451 độ F thật sự là một tác phẩm ai cũng NÊN đọc để tự cảm nhận, tự liên tưởng và rút ra bài học cho bản thân.

Review của độc giả Kim Hân – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
451 ĐỘ F (BÌA CỨNG) http://bit.ly/451dofbiacungNhaNam https://bit.ly/451dofbiacungTiki http://bit.ly/451dofbiacungFHS http://bit.ly/451dofbiacungShopee

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *