Khám phá cái hay trong văn chương của Murakami

Khám phá cái hay trong văn chương của Murakami

Như nhiều độc giả nhận xét văn của Murakami không phải để đọc một lần. Và thật sự cũng ít ai đọc một lần tác phẩm của ông đã có thể yêu mến ông.

Bởi văn chương của Murakami không hề trau chuốt, bối cảnh tác phẩm không vẽ ra một thế giới lý tưởng. Trái lại, ông miêu tả chân thật thậm chí lột trần chữ “người”. Những gì được cho là bí mật riêng tư, những điều thầm kín mà con người cần phải che giấu đều bị ông phơi bày thông qua nhân vật của mình.

Vì thế, nếu bạn đọc tác phẩm của Murakami đừng ngạc nhiên khi ông miêu tả về ngoại tình, về sự cô đơn ám ảnh, về tình dục thể xác và nỗi đau, về sự trống rỗng trong tâm hồn. Nhân vật của Murakami dường như đều cố gắng vật lộn với thực tại chỉ để chống chọi lại với những cảm giác ấy.

Những nhân vật nam trong văn ông không hề là những người đàn ông hoàn hảo mà thường có tuổi trẻ đầy vấp ngã, nhút nhát cùng lối sống thu mình. Các nhân vật có đời sống rất tự nhiên với hỷ, nộ, ái, ố và thường hành động đi ngược với lý tưởng cao đẹp hay mong muốn của độc giả. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chúng ta lại khó quên khi đã trót lỡ đọc văn ông.

Tại sao vậy? Bởi vì ám ảnh chăng?! Thường những tình tiết hay các nhân vật trong tác phẩm cứ vương vấn trong đầu ta cho đến khi có một nào đó ngoài đời thật lại khiến chúng ta òa lên rồi liên tưởng đến văn Murakami.

Trong “phía nam biên giới phía tây mặt trời”. Murakami xây dựng một cốt truyện rất đơn giản và bình dị về anh chàng Hajime và cô nàng khuyết tật ở chân Shimamoto. Họ là bạn học là thanh mai trúc mã với nhau và có đặc điểm chung đều là con một. Họ cùng sở thích đọc sách và nghe nhạc cổ điển. Hajime có tình cảm với Shimamoto nhưng vì nhút nhát anh chàng không dám khẳng định, rồi họ mất liên lạc với nhau khi cả hai chuyển sang cấp học mới. Năm tháng trôi đi Hajime trưởng thành lấy vợ và có hai cô con gái. Nhưng như bao đàn ông trên thế gian này trước khi lấy vợ Hajime có một vài mối tình cùng những sai lầm mà chính bản thân Hajime cho rằng không thể tha thứ. Khi còn là chàng thanh niên mới lớn Hajime “cặp bồ” với một cô gái tên là Izumi. Nhưng Izumi thuộc lớp người truyền thống cô ấy không muốn quan hệ trước hôn nhân. Còn Hajime đang tuổi đôi mươi nên nhu cầu sinh lý rất cao chính vì lẽ đó mà cậu ấy luôn cho rằng Izumi không yêu mình. Rồi một ngày Hajime lén lút qua lại với chính chị họ của Izumi. Chuyện vỡ lẽ họ chia tay trong im lặng. Hajime học xong đại học kết hôn ở tuổi 30 với cô vợ tên là Yukiko. Hajime có tài vì thế anh nhanh chóng trở nên giàu có. Đến năm 37 tuổi anh bất ngờ gặp lại cô bạn thời ấu Shimamoto. Lúc đầu họ chỉ hẹn gặp nhau như những người bạn cũ lâu năm nhưng sau đó họ ngoại tình. Chính xác chỉ có Hajime ngoại tình vì Shimamoto vẫn chưa lập gia đình. Ban đầu cả hai chỉ là trong tư tưởng rồi đến lén lút hẹn hò. Và dù chưa đụng chạm xác thịt nhưng Hajime lại không đòi hỏi điều này ở Shimamoto? Với anh chỉ cần được nhìn thấy Shimamoto là đủ?

Hajime cảm thấy như mình quay lại thời trai trẻ. Dù đã ở tuổi 37 nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ để anh trả lời câu hỏi “tình yêu có nhất thiết phải cần tình dục”. Khi quen Izumi rõ ràng anh còn trẻ dại và điều anh cần lúc đó chỉ là thể xác. Anh không hề đau lòng khi chia tay Izumi thậm chí còn “quên bẵng” đi. Vậy mà với Shimamoto anh vẫn luôn nhớ về cô trong suốt nhiều năm và khi gặp lại anh có cảm giác khác lạ “như cơn mưa rào tưới mát những tháng ngày cằn cỗi”. Thế có nghĩa là những năm tháng sống với vợ anh không hạnh phúc? Anh chợt giật mình nhận ra trong nhiều năm sống với bổn phận là một người chồng, một người cha anh chưa từng đặt ra câu hỏi như vậy.  Mọi thứ cứ diễn ra như nó vốn phải diễn ra. Đến tuổi lấy vợ rồi sinh con rồi làm việc nuôi gia đình. Anh chưa bao giờ hỏi hạnh phúc là gì và bản thân mình có hạnh phúc hay không? Việc anh biết rồi kết hôn với Yukiko là thông qua mai mối, anh chưa hề thử cảm giác theo đuổi một cô gái hay tình yêu đôi lứa. Hẹn hò với Izumi cũng không hơn gì là muốn khám phá cơ thể đàn bà. Chính vì thế khi Shimamoto lại một lần nữa xuất hiện người đàn ông 37 tuổi – Hajime hóa trẻ lại.

Còn Shimamoto cô ấy bao nhiêu năm trôi qua không tìm gặp Hajime, không kết hôn, không tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình? Cuộc sống của Shimamoto cũng không được miêu tả kỹ nó chỉ là sự úp mở như chính cuộc đời đầy bí ẩn cùng một tâm trí khó nắm bắt của cô. Có thể vấn đề về thể chất khiếm khuyết đã làm tư tưởng của Shimamoto không như người bình thường. Cô quen Hajime khi cả hai còn là những đứa trẻ, lứa tuổi ấy chỉ là sự ngây thơ chưa biết gì về phân biệt đối xử hay kỳ thị khiếm khuyết của ai. Chính vì thế có lẽ trong suy nghĩ của Shimamoto, Hajime là người tôn trọng cô nhiều nhất và cả hai còn có nhiều điểm chung. Khi gặp lại Hajime, cô mong nhân được điều gì từ anh? Khi mà Hajime đã có một gia đình yên ấm.

Shimamoto trong lúc lý trí không chỉ bị lấn át bởi tình cảm mà còn bị dày xéo bởi đạo đức cô đã quyết định trao thân cho Hajime mà không đòi hỏi được đáp đền. Sau đó cô biến mất khỏi cuộc đời Hajime để giữ cho gia đình anh yên ấm. Có một chi tiết thể hiện sự dằn xé trong suy nghĩ của Shimamoto, khi ngồi cùng xe với Hajime trên đường lên núi cô đã nói đến việc tự sát cùng với Hajime. Bởi Shimamoto cũng là đàn bà cô cũng  muốn có một người đàn ông của riêng mình trọn vẹn không chia sẻ.

Tôi nghĩ rằng rất nhiều độc giả đặc biệt là độc giả nữ sẽ rất ghét nhân vật Hajime. Nhưng nếu bình tâm nghĩ Murakami đã xây dựng một nhân vật quá thật với bản tính con người. Hãy quên đi những “soái ca” hoàn hảo với tình yêu sâu sắc cho một người con gái. Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế để thấy Hajime được xây dựng điển hình cho tính cách đàn ông: tham, không rõ ràng trong tình cảm, chỉ muốn thỏa mãn cho bản thân.

Đàn ông dù bao nhiêu tuổi vẫn có khi hành xử như một đứa trẻ. Hajime là một nhân vật vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Bởi vì anh không biết thế nào là hạnh phúc và cũng chưa từng nắm bắt được hạnh phúc cho riêng mình. Đời anh đến lúc này chỉ là “bỏ lỡ” và “tội lỗi”.

Tại sao các mối quan hệ hôn nhân ngày nay đều dễ đổ vỡ? Bởi vì trong xã hội hiện đại người ta càng ít đặt mình vào đối phương để nghĩ, để thấu hiểu, để sẻ chia cảm xúc cho nhau. Tôi tự hỏi nếu tôi là Yukiko khi biết chồng mình đang ngoại tình tôi sẽ làm gì? Vạch mặt ngay? Đi đánh ghen? Và ly hôn? Chắc rồi! Ai chịu được sự phản bội chứ. Vậy mà Yukiko im lặng để Hajime tự hiểu rằng từ lâu cô đã biết việc anh ngoại tình. Thậm chí đến khi Shimamoto biến mất Yukiko còn có cử chỉ an ủi chồng mình?

Yukiko quá ngu ngốc hay Murakami đã xây dựng nhân vật này “quá ảo”? Tôi tự hỏi như vậy! Và tôi chợt nhận ra nếu tôi là Hajime thì Yukiko sẽ là người phụ nữ mà nữa phần đời còn lại tôi sẽ vừa yêu, vừa tôn trọng, vừa kính nể, vừa biết ơn. Đàn ông là vậy, bạn càng mắng chửi họ, họ càng thấy nhẹ nhõm. Họ nghĩ rằng như vậy họ đã trả xong tội lỗi. Nhưng khi họ nhận được sự thứ tha họ lại cắn rứt cả đời.

Phải chăng Murakami muốn phơi bày sự mâu thuẫn trong tâm hồn người đàn ông giữa tự do cá nhân và đức hy sinh cần có trong đời sống gia đình? Lấy chồng hay cưới vợ không chỉ là sự hiển nhiên, đến tuổi thì kết hôn rồi làm mọi việc cần làm như một nghĩa vụ. Đời sống gia đình đòi hỏi “tích trữ” sự hy sinh từ các thành viên bởi nếu không có sự hy sinh thì chỉ cần một cơn giông nhỏ đã có thể cuốn bay mái ấm. Điều đáng buồn là con người chúng ta thường chạy theo những ham muốn cá nhân nhất thời mà không nhận ra rằng những ham muốn ấy chỉ là một lớp sương mờ ảo. Người chồng bỏ vợ vì một lý do nào đó để đến bên cô nhân tình xinh đẹp mà không nhận ra rằng cô nhân tình ấy một ngày nào đó cũng trở thành “bà vợ già xấu xí”.

À nếu cô nhân tình chỉ làm tình nhân thôi vậy thì người đàn ông ấy sẽ đuổi theo điều gì trong suốt cuộc đời mình?

Hajime đã thấu hiểu điều này. Anh nhận ra rằng đã đến lúc anh phải dừng lại ham muốn cá nhân, dừng lại cảm xúc tự do của người đàn ông. “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” tự do nào cũng có lằn ranh của nó. Anh nói: “Những ảo tưởng không còn giúp cho tôi được nữa. Chúng không còn tạo nên những giấc mơ cho tôi nữa. Cái hư vô vẫn là cái hư vô. Tôi đã chìm đắm thật lâu trong cái trống không đó… Kể từ nay, tôi phải tạo nên giấc mơ cho những người khác, không phải cho tôi… Nhưng nếu buộc phải tìm ra được một ý nghĩa nào đó cho tồn tại của tôi thì tôi phải dành toàn bộ sức lực cho nhiệm vụ đó.”

Đàn ông chỉ thực sự trưởng thành khi không chỉ biết sống cho mình mà  còn biết sống vì người khác.

(Sài Gòn một ngày mưa, tại gác sách nhỏ của tôi)

Review của độc giả Phạm Huy – Nhã Nam reading club

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *