Bi kịch của cá nhân khi bị đóng khung trong cái nhìn của xã hội.

“Thế giới bình thường rất nguyên tắc, nó âm thầm loại bỏ dị vật. Người không ra gì sẽ bị đào thải.”
Bi kịch của Keiko và Shiraha diễn ra vì họ không theo đúng quy chuẩn mà xã hội đã áp đặt lên mọi người, cái quy chuẩn tạo nên khuôn khổ của một con người bình thường, một con người thành công, mà nếu như không đi theo quy chuẩn đó, con người sẽ bị lên án, bị kỳ thị, bị đào thải.
Sự khác biệt giữa Keiko và Shiraha rất rõ ràng. Dù Keiko bẩm sinh đã khiếm khuyết khả năng lý giải logic tình cảm của con người bình thường, nhưng cô chấp nhận che đậy cái kỳ lạ của bản thân và hóa thân vào một con người bình thường, cố gắng hòa nhập, cuối cùng tìm được giá trị đích thực của bản thân. Còn Shiraha dẫu sinh ra có vẹn toàn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng với tính cách tích hợp giữa trịch thượng và tự ti, trên tất cả là sự lười biếng và không cầu tiến, gã tự biến mình thành đồ bỏ đi của xã hội.
Cửa hàng tiện lợi trong “Konbini Ningen” là tấm gương phản chiếu cuộc sống đời thực, các bộ phận thay đổi, nhưng toàn bộ vẫn giữ nguyên. Và có lẽ con người vẫn bị mắc kẹt trong mô hình xã hội lỗi thời, mặc dù con người hiện đại cảm thấy bản thân tiến hóa hơn người thời đại trước.
Có một cuốn cẩm nang được truyền lại từ đời này sang đời khác, là kết hôn, sinh con, và kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Bất cứ ai không đáp ứng theo tiêu chuẩn đó sẽ được thuyết phục đi đúng đường hoặc bị tẩy chay. Đó là một xã hội chứa đựng ảo tưởng về những thứ mà nó gọi là bình thường, và những thỏa thuận ngầm của con người về một cuộc sống có thành công hay không. Người ta dựa vào cẩm nang đó, rồi tự cho bản thân cái quyền đánh giá, phán xét về đời tư của người khác.
Thế nhưng, thành công và hạnh phúc là khái niệm trừu tượng không thể quy ra bằng tiêu chuẩn kết hôn, sinh con, nhiều tiền. Sống chăm chỉ bằng đồng tiền lương thiện do công sức mình bỏ ra không có gì là sai trái, dẫu đó có là công việc bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi. Sống độc thân, và cảm thấy tự do, thỏa mãn, đủ đầy thì cũng không có gì đáng trách cả.
Vì sao gọi là dư luận? Vì “luận” nhiều quá cho nên “dư”! Người ta nói nhiều nhưng người ta có sống giùm bản thân người được đâu? Sống mà cứ phải để ý đến ánh mắt người đời thì khó mà hạnh phúc được. Cứ lương thiện mà làm công việc người thích, sống theo cách khiến người thoải mái. Mỗi người đều tìm được an yên trong lòng thì xã hội sẽ bớt “đáng sợ” hơn cái xã hội trong “Konbini Ningen”, hay cũng chính là xã hội ngày nay của con người.
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt – tác giả cuốn The Sympathizer thắng giải Pulitzer Prize – đã có lời nhận xét về tác phẩm “Konbini Ningen”: “Một bản khảo sát khôi hài, tăm tối, gây chấn động sâu sắc về đời sống đương đại, về sự xa lánh, về chủ nghĩa tư bản, ý thức cá nhân, và sự quy hàng các ước lệ xã hội. Dù ở hay đâu khác, chúng ta đều đã từng đặt chân vào cửa hàng này.”
– Bài viết của bạn Duyên @ Reading Club

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *