Và ta vẫn đợi Godot

Và ta vẫn đợi Godot

Nếu như Hamlet khiến ta choáng váng vì con người có thể thú vị đến nhường nào thì Đợi Godot là một cột mốc đỉnh cao của kịch nghệ thế kỷ 20 vì nó khiến ta choáng váng trước sự thực rằng con người có thể buồn chán đến nhường nào.


Nhà văn Samuel Beckett. Nguồn: independent.co.uk
1.

Ngày 1 tháng 5 năm 1953, trên một sân khấu bé tí hin ở tả ngạn sông Seine nằm trên đại lộ Raspail thành phố Paris, một vở kịch do Roger Blin sản xuất được công chiếu mang tên En attendant Godot (Đợi Godot). Blin nhận được nguyên tác kịch vốn trước đó khi xuất bản chỉ bán được vỏn vẻn 2500 bản, từ một vị khán giả đã đến đây hai lần để xem vở Ghost Sonata của Strindberg, người ấy chẳng ai khác, chính là tác giả Samuel Beckett, một hôm ngồi trong phòng mẹ mình chợt nhận ra đã đến lúc ông phải bước khỏi cái bóng của người bạn James Joyce, bậc thầy của kỹ thuật “thêm thắt”, bằng cách mài giũa kỹ thuật “cắt xén” của mình.

Đợi Godot kỳ lạ đến mức, Blin nói ông đọc xong nhưng cũng không hiểu hết, nhưng ông hiểu một điều, ông phải đưa nó lên sân khấu, bất chấp sự phản đối của những người cộng sự tại rạp hát riêng của ông, khiến ông phải gửi gắm nó ở một rạp khác. Họ phản đối cũng phải thôi, Đợi Godot kháng cự mọi nguyên lý của cấu trúc kịch nghệ truyền thống bằng cách lược bỏ mọi cao trào, mọi kết cục, mọi leo thang, mọi đường thẳng tuyến tính của cốt truyện, mọi sự phát triển tăng tiến hay lũy tiến của nhân vật, mà kiến tạo một hình học mới với vòng lặp vô cùng của không gian – thời gian – con người.   

Thời bấy giờ, rạp Babylone chỉ là một rạp vô danh và ông chủ rạp biết nhận biểu diễn vở kịch là một canh bạc, có thể khiến rạp lao đao. Nhưng ông nói: “nếu phải chết, chúng tôi sẽ chết trong cái đẹp”.

Phần còn lại, như người ta thường bảo, chính là .

2.

Sau bấy nhiêu năm, có lẽ cũng không ai khái lược được Đợi Godot chính xác bằng một câu thoại của nhân vật Estragon ở quãng giữa màn 1: “Không có gì xảy ra, không có ai đến, không có ai đi, thật là kinh khủng”.

Đợt Godot là một thế giới đã hoàn toàn bị cắt tỉa và chỉ còn lại trơ khấc phần khung, ngay cả cái cây hình – như – là – liễu, tạo vật duy nhất trong bối cảnh ,cũng hoàn toàn trụi lá. Dưới cái cây ấy, hai kẻ đứng chờ đợi, chờ một người / cũng có thể là một thứ, được họ gọi là Godot. “Chờ đợi”, có lẽ đó là động từ thụ động nhất trong hệ từ vựng trên đời, tựa như một phản động từ bởi tự thân nó đã ngụ ý một trạng thái đối đầu với sự cử động. Và như thi sĩ John Milton đã cảm thán khi trở thành kẻ mù lòa và không thể làm gì được nữa: “Sự kiên nhẫn trả lời tôi: “Rằng Thượng đế Không cần gì /Ngài trị vì tất cả / Phụng sự Ngài có thể theo nghìn ngả /Ai cũng phải lo mà trả nợ đời /Theo khả năng và biết cách phụng sự / Ngay cả người chỉ biết đứng chờ thôi” – nghĩa là “chờ đợi” là nghịch đảo của tất cả những hoạt động phụng sự cho sự tồn tại, là cấp thấp nhất trong bậc thang làm người, là sự trống rỗng được hợp thức hóa.

Khác với Endgame, một vở kịch khác của Samuel Beckett với bốn nhân vật bất động vì khuyết thiếu thể chất, kẻ không thể đứng, người không thể ngồi, kẻ không chân trồi lên từ thùng rác, khác với vở Happy days với một nhân vật bất động vì đang chìm dần xuống cát và một nhân vật vô hình, thì bốn nhân vật của Đợi Godot vẫn hữu hình, vẫn đi lại nhưng là sự đi lại loanh quanh vô nghĩa. Đó là một vở kịch trống rỗng về sự trống rỗng, hay như một nhận định nổi tiếng về tác phẩm, đây là “nơi sự trống rỗng diễn ra hai lần”. Giả sử Đợi Godot kết thúc ở màn 1 thì nó đã là một sự trống rỗng tuyệt đối, nhưng khi Beckett viết thêm màn 2 với gần như mọi hành trạng được giữ nguyên và những được lặp lại như một loại trùng sinh sản vô tính phân đôi, thì sự trống rỗng đã trở nên triệt để, đã nhân bội số và không thể được cứu vãn.

Samuel Beckett cũng không làm động tác khái quát hóa lại sự vô minh và trống rỗng của quá trình tồn tại như những nhà (“Ra đời, và sinh đẻ, và chết / Đó là tất cả sự thật khi bạn nói đến những điều cơ yếu / Ra đời, và sinh đẻ, và chết / Tôi đã được sinh ra, và một lần là đủ.” – T.S. Eliot) hay như những nhà (Sisyphus lăn đá lên đồi, lăn đi lăn mãi, như Albert Camus suy tư – hay “Họ làm gì? Họ tiếp tục những hoạt động người quen thuộc. Và cái gì là những hoạt động người? Xếp  củi, xây cầu, hoặc thay quần áo. Hay nói cách khác: đặt xuống, cầm lên, cho vào, mang đi.”, như Hamvas Béla viết). Ông mô tả tường tận sự trống rỗng ấy bằng những đoạn thoại tưởng như hỗn loạn và phân mảnh và vênh nhau, những hoạt cảnh ngây ngốc như khi Vladmir và Estragon truyền tay chiếc mũ của Lucky và chiếc mũ của chính Vladimir để đội lên đầu, truyền đi truyền lại và đội đi đội lại như họ đã bị tắc ở hành động đấy và nó trở thành vĩnh cửu của họ. Beckett khiến ta phải nín thở vì sự buồn chán đến ngoạn mục của cái mang danh nghĩa hiện sinh, sự vọng tưởng đến nực cười của hy vọng, sự ủ rũ đến đạm bạc của thời gian. Thế giới của Đợi Godot có thể là câu trả lời cho một câu hỏi đại loại như, thế Hamlet làm gì sau khi trở về Đan Mạch và trước khi trả thù Laertes? Chàng làm gì giữa những biến cố của mình? Nghệ thuật cổ điển luôn có xu hướng bị hút về phía từ tính của những đại sự kiện, nhưng quãng “trong khi ấy” (hay, in the meantime) thì sao? Những quãng giết thời gian thường bị cuộn lại, bị gạt bỏ, giờ được tháo gỡ, phơi bày, vạch trần trong vở kịch của Beckett.

3.

Vladimir và Estragon đợi, nhưng đợi ai, Godot là ai?

Khi giám đốc sản xuất của phiên bản chuyển thể sân khấu đầu tiên của Đợi Godot thắc mắc với Samuel Beckett rằng Godot bí ẩn đại diện cho điều gì, nhà soạn kịch đã thủng thẳng đáp lời: “Tôi mà biết Godot là cái gì thì tôi đã nói ra rồi.” Vậy là, Godot có thể chỉ là một thực thể văn học huyễn tưởng, một cơn hưng cảm sáng tác của Beckett, nhưng ngay cả đã nghe tác giả nói hai năm rõ mười như thế, Godot vẫn mời gọi hàng ngàn diễn giải, như câu đố thách thức của con Nhân sư ngạo nghễ.


Ấn bản “Đợi Godot”tiếng Việt. nguồn: Tiki

Godot là God / Đấng Cứu Rỗi đã xuất hiện trong câu chuyện vô nghĩa mà Vladimir và Estragon bàn luận với nhau? Godot là một nhà tư bản? Godot là cái chết? Godot là sự sống? Hay Godot là vận động viên đua xe đạp Roger Godeau (Beckett từng đề cập đến một tay đua xe đạp khi được yêu cầu trình bày về nhân vật Godot)? Nhà phê bình Kenneth Tyran thì bảo Godot là một hướng đạo tinh thần.

Một nghịch lý của Godot là Godot có thể là tất cả mọi thứ nhưng đồng thời cũng không là gì, và sự trống rỗng của Godot lại hàm chứa vô vàn khả thể. Cũng tương tự với toàn bộ vở kịch Đợi Godot.

Trên đời có hai kiểu văn chương vĩ đại, một kiểu là tinh túy của một dân tộc, chỉ có thể được sáng tạo ra ở thời điểm ấy, thuộc về đất nước ấy, với những dòng xoáy lịch sử ấy, ý nghĩa của nó đã cố định trong một khung tham chiếu, ta tạm gọi đó là văn chương định xứ; kiểu thứ hai có tính toàn cầu, nó vượt ra khỏi nhà tù của địa lý và có thể chuyển thể vào rất nhiều nền với tính chất khác biệt, sẵn sàng co giãn với nhiều cách đọc, ta tạm gọi đó là văn chương không định xứ.

Nếu như Ulyssescủa người bạn James Joyce thuộc loại thứ nhất thì Đợi Godot của Beckett chắc chắn là loại thứ hai, là thứ văn chương phi quốc tịch và luôn minh xác như thể tự nó là một chân lý phổ quát. Giống như những công dân Liên Xô cũ từng một mực tin Vụ án của Kafkalà một tác phẩm trôi nổi của một tác giả Liên Xô giấu mặt mỉa mai chế độ toàn trị, tất cả độc giả đều có quyền tin Đợi Godot là câu chuyện lấy bối cảnh tại xứ sở mình. Người ta có thể chuyển thể Đợi Godot thành một phiên bản của những diễn viên da màu với phân cảnh ông chủ Pozzo nô lệ hóa Lucky. Người ta cũng có thể chuyển nó về thời Lệnh Hòa ngày nay của đất nước , biến những Vladimir và Estragon vào tình thế của việc làm người trong thế giới hiện đại. Người ta có thể đưa nó vào nước của Trump với những con người đợi một điều gì đó vô định sẽ thay thế cho… chương trình Obamacare. Người ta có thể dùng lý thuyết của Derrida để đọc Đợi Godot, cũng có thể dùng những nghiên cứu về tâm thần học để giải mã nó. Người ta có thể dùng thần học Cơ Đốc để lần theo dấu vết của vở kịch, hoặc có thể dùng phân tâm học, đương nhiên có thể vận tới triết học hiện sinh, thậm chí coi đây như một ngụ ngôn về Lạnh cũng có lý.

Sự rẽ nhánh ấy khiến Godot là một văn bản vĩnh viễn tươi mới, một chân không giả nơi tưởng như không có gì nhưng thực tế lại sôi sùng sục những ngữ nghĩa, một mê cung liên tục thay đổi và mở rộng những lối đi và tất cả những điểm đích đều không phải đích cuối cùng.

4.

VLADIMIR: – Việc  này khiến thời gian trôi đi.

ESTRAGON: – Thời gian vẫn trôi nếu không có việc này.

VLADIMIR: – Ừ, nhưng chậm hơn.

Có thật là Vladimir và Estragon đang đợi Godot? Hay cái họ đang thực sự đợi là sự qua đi của thời gian, hay Godot chẳng là gì khác, chỉ đơn giản là thời gian? Thời gian – đại lượng duy nhất biến thiên trong chuỗi vòng lặp không hồi kết của vở kịch, dẫu ở đây ngay cả thời gian cũng đá mất đi phẩm giá của nó, bởi nó không thể làm điều gì xung quanh thay đổi.

“Đời tôi, đời tôi, lúc này tôi nói về nó như một thứ gì đó đã qua rồi, lúc khác lại nói như một trò hề còn đang tiếp diễn, nhưng nó không phải cả hai, bởi cùng lúc nó đã qua mà nó vẫn đang tiếp diễn, và có thì động từ nào cho điều đó hay không?”, Beckett viết trong tiểu thuyết đầu tay Molloy. Vladimir và cả Estragon đã sống trong một thì không xác định như thế, khi chết cũng không khác gì sống, khi sự tiếp diễn đồng nghĩa với sự kết thúc, bởi một thứ lặp đi lặp lại hệt như nhau, không diễn tiến, không thay đổi, thì cũng như đã chết rồi.

Trong một đoạn, Vladimir và Estragon bàn luận với nhau về cái ngày mà Godot đã hẹn họ tới. Và Vladimir nhớ rằng hình như là thứ Bảy. Trong Kinh Thánh, Jesus bị đóng đinh vào thứ Sáu, hồi sinh vào Chủ Nhật, thứ Bảy ở giữa – nó là một trạng thái của sự bất định, của một sự chờ đợi vào một phép màu chưa chắc đã tới, một chờ đợi gần như vô vọng.


Một cảnh trong vở “Đợi Godot”. Nguồn: NYT.

Đợi Godot không kể về những sự kiện người ta phải in vào trí nhớ, bởi chẳng có gì đáng nhớ, các nhân vật trong Đợi Godot cũng mất trí rất nhanh, họ sống mỗi ngày đều như mới, quên hết, hoặc chỉ mang máng hồi tưởng được một vài điều. Vở kịch hai hồi ấy sau rốt chỉ kể về một ngày sẽ bị lãng quên, một ngày có lẽ là thứ Bảy, và khi họ chấp nhận đợi thì tức là họ đã cho phép tất cả các ngày là ngày thứ Bảy, và cuộc đời còn gì khác hơn là những chuỗi ngày thứ Bảy nối tiếp nhau.

Chúng ta có thể đọc Đợi Godot theo rất nhiều trường phái, nhưng sẽ ra sao nếu nó chỉ là một câu chuyện để chính những người đọc giết thời gian, một đường tắt để thời gian trôi nhanh hơn, lừa ta lặn ngụp vào một vở kịch vô nghĩa (vô nghĩa như việc sống) hòng lùng tìm những điều có nghĩa? Trong khi Estragon tìm kiếm sự tồn tại của mình qua cách cố gắng ních vừa đôi giày vào chân, ta cũng tìm kiếm sự tồn tại của mình qua cách cố gắng ních vừa những diễn giải của mình vào vở kịch. Ai biết được, có khi ai đó ở một thực tại cao hơn đang nhìn ta cười như ta đang cười Vladimir và Estragon, những kẻ hề đang đợi chờ. Và không chỉ hai kẻ đó vẫn đang đợi Godot, cả ta cũng vẫn đang đợi Godot nữa.□

Tia sáng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *