[SGGP] Bắt đầu cất lên tiếng cười

Nhà văn không những nổi tiếng trên văn đàn đương đại, mà còn là nhà ngoại giao, từng làm việc ở nhiều quốc gia, giữ chức Phó Đại sứ tại Iran, Tham tán công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Indonesia.

 

Hồ Anh Thái cũng là tiến sĩ ngành phương Đông, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Washington. Ngoài việc xuất bản hơn 40 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, ông vừa ra mắt tập tiểu luận Bắt đầu cất lên tiếng cười ( và NXB Dân Trí), mang đến những góc nhìn độc đáo về các hiện tượng văn hóa và đời sống đương đại.

Sách gồm 3 phần, luận bàn theo các chủ đề khác nhau. Phần 1 – Chiêm ngưỡng điều hiếm có, gồm những tiểu luận về các hiện tượng văn hóa Việt Nam đương đại, có sự liên tưởng và đối chiếu, so sánh với một số quốc gia khác trên thế giới. Phần 2 – Khoảng lặng và giấc mơ, mang đến những bài tiểu luận về điện ảnh và sân khấu. Còn phần 3 – Riêng một lãnh địa, tập trung vào lĩnh vực văn chương, cũng chính là lĩnh vực mà tác giả đang là người trong cuộc, nên có cái nhìn chân thực và sinh động.

Tập tiểu luận Bắt đầu cất lên tiếng cười còn mang dấu ấn của một khán giả, một người đọc khó tính mang tên Hồ Anh Thái. Trong những ngày gần đây, khi dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của dư luận thì những bài viết về điện ảnh trong tập sách này có thể được xem như một soi chiếu, một gợi ý cho cả những người làm nghề lẫn khán giả của bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Dễ thấy nhà văn Hồ Anh Thái đã không ngần ngại nói thẳng, nói thật về hiện trạng cũng như hạn chế của ngành.

Bằng cách tập trung vào nền điện ảnh của Iran, nơi có hàng loạt bộ phim được vinh danh tại các liên hoan phim quốc tế cũng như được khán giả yêu thích như: Cận cảnh, Ngày tôi trở thành thiếu nữ (giải thưởng của Ban giám khảo LHP quốc tế Venice, giải thưởng của UNESCO, Huy chương vàng LHP Chicago…), Bên ngoài sân bóng (giải Gấu bạc tại LHP Berlin 2006), Chia ly (giải Gấu vàng LHP Berlin 2011)…, ngoài nhắn nhủ “Điện ảnh của ta ơi, hãy xem phim Iran”, nhà văn Hồ Anh Thái còn mong muốn xem đây như một trường hợp điển hình để những người làm nghề học hỏi.

Giống như điện ảnh, việc văn chương Việt chưa có tên trên bản đồ văn chương thế giới được nhà văn Hồ Anh Thái “điểm huyệt” bằng một lý do khó lòng chối cãi, là “thiếu tài”. Và đặc biệt, bài viết được chọn làm tên cho cả tập tiểu luận – Bắt đầu cất lên tiếng cười khép lại cuốn sách, được viết công phu, chặt chẽ về một nền văn chương “khoác chung bộ đồng phục màu xám, nghiêm nghị lạnh lùng”. Đây sẽ là cơ hội để những người cầm bút nhìn lại để thay đổi, tạo ra những bứt phá cho riêng mình.

QUỲNH YÊN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *