“Căn cước” hay hành trình tìm về bản ngã

“Căn cước” hay hành trình tìm về bản ngã

Căn cước được xuất bản lần đầu năm 1998, là một trong những tiểu thuyết ngắn và dễ đọc nhất của Milan Kundera. Trong Căn cước có một câu chuyện xuyên suốt thay vì là tổ hợp của những câu chuyện “mini” đan cài chồng chéo lên nhau, kết nối với nhau bởi các liên tưởng bất ngờ như các tiểu thuyết quy mô lớn hơn của Kundera.

Tiểu thuyết mỏng nhẹ này xoay quanh một câu chuyện tình lấy bối cảnh thành phố Paris: giữa Chandal và người tình trẻ Jean-Marc, mở ra những suy tưởng không những về bản chất người mà còn về việc có hay không bản chất (căn cước) người. Chandal là một người phụ nữ có quá khứ đặc biệt: “Con trai nàng lên năm khi nàng chôn nó”. Đó là điều khủng khiếp nhất có thể giáng xuống một thân phận người, so với nó, mọi khốn khổ khác đều trở thành nhỏ con, vụn vặt. Trải nghiệm mất mát này đã trở thành một phần bản dạng của người đàn bà đã không còn được làm mẹ. Chandal không muốn quên con mình trong khi cả liên minh gia đình ồn ào của nàng bao gồm chồng nàng lại ra sức thuyết phục nàng tiếp tục có con và quên đi sầu muộn. Trong khi Chandal cố sức bảo vệ cái tính không thể thay thế của đứa con cũng như cái căn cước của người làm mẹ thì những hành động đó như những ngáng trở đau đớn. Nàng lên kế hoạch vùng thoát khỏi nơi mà nỗi đau không có không gian riêng tư để sống, để rồi rơi vào vòng tay ấm êm của người tình trẻ.

Thời gian trôi đi, bỗng một ngày Chandal cảm thấy mình như một quái vật: nàng cảm thấy một đợt sóng hạnh phúc dâng trào, cảm thấy như biết ơn về sự ra đi của đứa con, cái chết đó khiến nàng trở thành một người tình hạnh phúc trong thời khắc hiện tại – nàng không còn là một người mẹ mất con, giờ đây nàng tìm thấy mình với “định danh” là một người tình. Hạnh phúc viên mãn không thể ngăn thời gian trôi đi, lại một ngày nọ, Chandal muốn mình trở thành người tình của tất cả đàn ông trên thế gian, việc cánh đàn ông không còn thấy nàng hấp dẫn gần như là một sự phản bội. Nàng ca thán với người yêu: “Cánh đàn ông không còn quay lại nhìn em nữa”. Dĩ nhiên, Jean-Marc sửng sốt, không khỏi đặt ra câu hỏi: “Rốt cuộc, người phụ nữ này là ai?”

“Câu nói của Chandal cứ luẩn quẩn trong đầu anh, anh bèn tưởng tượng ra thân thể nàng: nó từng mất hút giữa hàng triệu cơ thể khác cho đến ngày có một ánh nhìn thèm khát chạm vào và lôi nó ra khỏi cả khối đông trôi nổi chập chùng; sau đó các ánh nhìn ngày một nhiều thêm, chúng thiêu cháy cái cơ thể đó khiến từ đấy nó đi lại trên thế gian này như một ngọn đuốc; đó là thời kỳ vinh quang phát sáng của nó, nhưng chẳng bao lâu các ánh nhìn bắt đầu ít đi, ánh sáng dần dần lụi xuống cho đến ngày cái cơ thể đó, mờ dần, rồi trong suốt, rồi vô hình, lang thang trên các ngả đường như một hư vô nhỏ bé ruổi rong…”“Căn cước” hay hành trình tìm về bản ngã ảnh 1Khi Chandal không thấy mình còn gợi dục như xưa nữa, cô ấy còn là chính-mình không? Cái nhìn của tình yêu không còn đủ với Chandal, như ngày xưa, cô ấy cần lũ lượt những cái nhìn xa lạ, dù thô bỉ, tục tĩu dến đâu. Đó là một đòn giáng tâm lý đối với Jean-Marc. Một cách bất ngờ nhưng cũng có phần dễ đoán, nhiều ngày sau, Chandal nhận được những bức thư nặc danh với nội dung tán dương vẻ đẹp của cô, cô vui tươi sống động lạ thường, bầu trời hôm ấy như xanh hơn, cô mê đắm sống trong những tưởng tượng về kẻ âm thầm thèm muốn cô và giữ gìn những bức thư ấy như một bí mật. Từ bản lề là những mật thư, mối quan hệ của Chandal và Jean-Marc có những thách thức và đổi thay, họ buộc phải tự nhận thức mình, tái nhận thức nhau. “Anh đừng quên em có hai gương mặt… Em là một thiên tài!”

Tình yêu được xây dựng lên từ hai con người, hai bản sắc cá nhân, nó đòi hỏi kẻ yêu và kẻ được yêu cảm thấy ít nhiều “hiểu” và “nắm bắt” được kẻ còn lại, nếu không họ sẽ có cảm giác tình yêu chỉ là tòa lâu đài nguy xây lên từ cát bên bờ biển. Căn cước của Kundera tuy có một câu chuyện rành rẽ nhưng nó không kém phần lớp lang và mơ hồ, bởi vì đối tượng của nó vốn rất mơ hồ: căn cước, bản ngã, cái tôi. Thời hiện đại đặc trưng bởi sự toàn vẹn cái tôi lúc nào cũng bị đe dọa, Kundera dường như ngầm ám chỉ. Những đoạn viết về tình bạn trong Căn cước là những đoạn đặc sắc và khơi gợi rất nhiều suy nghĩ. Tình bạn là gì nếu không giúp ta gia cố cảm giác về một bản ngã liền mạch?

“Tình bạn là một điều không thể thiếu với con người nếu muốn ký ức làm việc tốt. Nhớ về quá khứ của mình, vĩnh viễn mang theo nó trong tâm khảm, đấy có lẽ là điều cần thiết cho phép chúng ta bảo toàn được sự toàn vẹn của cái tôi của chúng ta, như người ta vẫn nói. Để cái tôi đó không bị khô quắt lại, không bị mất đi kích thước của mình, cần phải tưới tắm cho các hồi ức kỷ niệm, giống như tưới chậu hoa vậy, mà việc tưới tắm đó đòi hỏi sự giao tiếp thường xuyên với các nhân chứng của quá khứ, tức là với người bạn. Họ là tấm gương của chúng ta, ký ức của chúng ta; ta chẳng yêu cầu họ gì ngoài thỉnh thoảng chùi sạch tấm gương đó để thỉnh thoảng ta soi mình vào.”

Kundera thêm rằng: tình bạn được dựng xây từ những mối hiểm nguy để từ đó nó chứng minh được tầm quan trọng mang tính sống còn. Nhưng trong thời hiện đại, những mối hiểm nguy hầu hết vô hình và vô danh: đó là nền tài chính, các đạo luật. “Chúng ta bước đi trong đời không có hiểm họa lớn nào đe dọa, nhưng vì thế mà chẳng biết tình bạn là gì.” Điều này có đúng với những mối quan hệ liên nhân khác trong đời sống hay không, câu trả lời xin để dành cho bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *